Quảng Bình phát triển du lịch cộng đồng
Quảng Bình: Khơi thông nguồn tín dụng cho doanh nghiệp Quảng Bình: Tăng cường phòng, chống tội phạm liên quan đến hoạt động ngân hàng |
Đến nay, tỉnh Quảng Bình cũng cũng đang tập trung khai thác và phát huy thế mạnh với nhiều loại hình, dịch vụ du lịch cộng đồng với nhiều sản phẩm phong phú, gắn với khu vực nông thôn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, được du khách cả trong lẫn ngoài nước yêu thích…
Song song với đó là nhiều sản phẩm với nhiều loại hình, dịch vụ như trải nghiệm thiên nhiên, văn hóa; trải nghiệm sống trong nhà dân và tham gia sinh hoạt với người dân (homestay); tham quan, trải nghiệm tại làng nghề, làng nghề truyền thống… Theo đại diện Sở Du lịch Quảng Bình, thời gian gần đây du khách đến với địa phương ngày càng tăng cao và có nhiều dấu ấn tốt đẹp về mảnh đất và con người nơi đây. Để tiếp tục đa dạng hóa nhiều thị trường khách du lịch trong nước và quốc tế, Quảng Bình xác định tiếp tục tập trung đầu tư, hướng đến phát triển thêm các sản phẩm du lịch cộng đồng, du lịch nông thôn.
Các diễn giả chia sẻ làm sao để phát triển du lịch cộng đồng tại bản Còi Đá, xã Ngân Thủy, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình |
Tuy vậy, trên thực tế hiện nay, loại hình du lịch này ở Quảng Bình vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Trong đó, nổi lên là việc phần lớn các mô hình kinh doanh du lịch đều là do các hộ kinh doanh tự đầu tư theo mô hình nhỏ lẻ, tự phát nên chưa phát huy được vai trò và hiệu quả. Trong đó, nhiều sản phẩm du lịch tự sao chép lẫn nhau, thiếu sự khác biệt, thiếu gắn kết, chưa quan tâm chia sẻ lợi ích với cộng đồng. Chất lượng các sản phẩm, chất lượng dịch vụ chưa đáp ứng nhu cầu du khách. Nhiều hoạt động du lịch cộng đồng tại địa phương chưa gắn kết với người dân, nên việc khai thác các sản phẩm du lịch chưa thực sự hiệu quả và bền vững.
Theo ông Đoàn Ngọc Lâm, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Bình, để du lịch nông thôn, du lịch cộng đồng ở Quảng Bình thực sự phát triển, tạo ra sản phẩm chất lượng, thu hút khách du lịch, yếu tố không thể thiếu chính là các doanh nghiệp và cộng đồng địa phương. Bởi vậy, sự hợp tác, tham gia tích cực của cộng đồng trở thành chìa khóa để xây dựng một ngành du lịch bền vững, mang lại lợi ích cho tất cả các bên liên quan.
Để làm được những điều này, ông Lâm yêu cầu các cơ quan chức năng địa phương nghiên cứu, tham mưu UBND tỉnh ban hành các cơ chế, chính sách để hỗ trợ đầu tư phát triển du lịch cộng đồng, du lịch nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới; Phát triển các mô hình du lịch nông thôn theo hướng thân thiện với môi trường, du lịch xanh, du lịch thích ứng với biến đổi khí hậu, kinh tế tuần hoàn gắn với bảo tồn thiên nhiên, du lịch làng nghề, du lịch không phát thải. Đẩy mạnh truyền thông, quảng bá và ứng dụng công nghệ, thúc đẩy chuyển đổi số trong phát triển du lịch cộng đồng ở địa phương.