Sức bật mới cho thị trường M&A
|
Thị trường M&A Việt Nam hấp dẫn nhờ tăng trưởng kinh tế ấn tượng
Diễn đàn M&A Việt Nam 2023 lần thứ 15 với chủ đề “Chung tay cùng thịnh vượng” được tổ chức trong bối cảnh kinh tế Việt Nam đang đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, sau tác động của dịch Covid-19, biến động địa chính trị và chuỗi cung ứng toàn cầu.
Thị trường M&A Việt Nam có rất nhiều cơ hội và triển vọng nhờ những yếu tố nền tảng đang ngày càng được củng cố |
Theo báo cáo “Bức tranh lớn: Triển vọng M&A 2024” của S&P Global phát hành ngày 15/11/2023, mặc dù hoạt động M&A toàn cầu chững lại trong gần như suốt năm 2023 nhưng đang có nhiều tác nhân tiềm năng thúc đẩy các nhà tạo lập thương vụ bứt lên trong năm tới. Việc Fed dừng tăng lãi suất tạo ra một môi trường lãi suất ổn định, sẽ thúc đẩy các thương vụ và nâng triển vọng của thị trường M&A toàn cầu trong năm tới.
Thị trường M&A Việt Nam nói riêng vẫn tiếp tục được các nhà đầu tư quốc tế đánh giá là hấp dẫn nhờ sự ổn định về chính trị, tốc độ tăng trưởng kinh tế ấn tượng, thị trường tiêu dùng nội địa không ngừng tăng nhanh. Tính đến ngày 20/11/2023, tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào Việt Nam đạt gần 29 tỷ USD, tăng 14,8% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, vốn đầu tư thông qua góp vốn, mua cổ phần đạt gần 5,97 tỷ USD, tăng 46,4% so với cùng kỳ năm 2022.
Theo đó, thị trường M&A Việt Nam có rất nhiều cơ hội và triển vọng nhờ những yếu tố nền tảng đang ngày càng được củng cố. Năm 2023, đánh dấu một nửa chặng đường Việt Nam thực hiện Kế hoạch Phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025. Qua nửa chặng đường, mặc dù chịu tác động bất lợi bởi các yếu tố không lường trước được, chưa có tiền lệ, nhưng Việt Nam đã vững vàng vượt qua khó khăn, thách thức và đạt được nhiều kết quả quan trọng của Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025.
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch Đầu tư Trần Duy Đông cho biết, trong suốt thời gian qua, Chính phủ đã chủ động ứng phó, thích ứng hiệu quả hơn với những khó khăn, thách thức trong bối cảnh mới của thế giới và trong nước. Đồng thời, tập trung hoàn thiện thể chế, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; quyết liệt xử lý các vấn đề tồn đọng, vướng mắc; thực thi nhiều giải pháp đồng bộ, nhất là về chính sách tài khóa, tiền tệ để tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ cho sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp.
Chính phủ cũng đẩy mạnh đầu tư các dự án hạ tầng chiến lược, quan trọng. Cùng với nhiều dự án quan trọng, trọng điểm quốc gia có tác động lan tỏa được đưa vào khai thác…Ngoài ra, Chính phủ đã thiết lập và thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới, như kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, tăng trưởng xanh…
Vì vậy, kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn được bảo đảm, tăng trưởng kinh tế dù chưa đạt kỳ vọng nhưng vẫn duy trì ở mức cao so với nhiều nền kinh tế trong khu vực và toàn cầu.
"Khi nền kinh tế phục hồi, niềm tin tiêu dùng được cải thiện nhiều, bức tranh tăng trưởng của doanh nghiệp trở nên rõ ràng hơn và đầu tư nước ngoài tăng tốc, hoạt động M&A tại Việt Nam sẽ nhộn nhịp trở lại."- Thứ trưởng Trần Duy Đông khẳng định.
Tài chính - ngân hàng có một năm đột phá
Công ty cổ phần FiinGroup Việt Nam nhận định, ngân hàng vẫn luôn là trụ cột của nền kinh tế và có tiềm năng tăng trưởng cao, nên vấn đề M&A luôn ‘nóng’ khi tính đến đầu tư dài hạn. Những thách thức ngắn hạn lại chính là thời cơ thu hút các nhà đầu tư chiến lược chất lượng muốn ‘kết hôn’ lâu dài. Trong năm 2023, ngân hàng là một trong những lĩnh vực có hoạt động M&A sôi nổi nhất.
Trong năm 2023, ngân hàng là một trong những lĩnh vực có hoạt động M&A sôi nổi nhất. |
Trong 6 tháng đầu năm 2023, chỉ có khoảng 10 giao dịch đạt ngưỡng 1.000 tỷ đồng trở lên, nhưng tổng giá trị lên tới 2,3 tỷ USD. Trong đó, ngân hàng là một trong hai lĩnh vực hút giao dịch M&A lớn nhất.
Cuối tháng 10/2023, VPBank thông báo hoàn tất giao dịch phát hành riêng lẻ 15% cổ phần cho Sumitomo Mitsui Banking Corporation (SMBC), thu về 1,5 tỷ USD. Giữa tháng 5, SHB hoàn thành việc chuyển nhượng 50% vốn điều lệ SHBFinance cho đối tác Krungsri (Thái Lan), 50% còn lại sẽ thanh toán vào 3 năm sau. Krungsri từng tiết lộ, ngân hàng này sẽ chi 5,1 tỷ baht Thái (tương đương 156 triệu USD) cho thương vụ.
Mới đây, SeABank cũng vừa chuyển nhượng toàn bộ phần vốn góp tại Công ty Tài chính TNHH MTV Bưu điện (PTE) cho AEON Financial Service Co., Ltd. - thành viên của AEON Group (Nhật Bản) - với giá trị giao dịch lên tới 4.300 tỷ đồng.
SHB cũng vừa thông báo về việc bán 20% cổ phần cho nhà đầu tư nước ngoài, điều này đang thu hút sự quan tâm của nhiều nhà đầu tư Nhật Bản, Hàn Quốc. Theo ước tính của Reuters, thỏa thuận tiềm năng có thể định giá SHB ở mức 2 - 2,2 tỷ USD. Nếu mức định giá này được thông qua và thương vụ bán 20% cổ phần thực hiện thành công, SHB sẽ thu về hàng trăm triệu USD.
Một số ngân hàng khác như LPBank, Vietcombank, BIDV… cũng đang lên kế hoạch phát hành riêng lẻ cho nhà đầu tư nước ngoài. BIDV đặt mục tiêu hoàn thành kế hoạch bán 9% vốn cho nhà đầu tư ngoại trong năm nay. Vietcombank dự kiến phát hành riêng lẻ 6,5% vốn cho nhà đầu tư nước ngoài và đang ở bước thuê tổ chức tư vấn.
FiinGroup nhận định, M&A trong lĩnh vực tài chính - ngân hàng tại Việt Nam còn nhiều cửa thoáng, do cuộc đua tăng vốn điều lệ vẫn tiếp diễn và nhiều ngân hàng Việt Nam vẫn còn trống room ngoại.