Tài trợ cho startup công nghệ sụt giảm
Tập đoàn NextTech đầu tư 50 triệu USD cho các Startup công nghệ chuỗi khối Tăng cường kết nối Start-up công nghệ thông tin |
Trong số các doanh nghiệp startup công nghệ, các công ty thuộc lĩnh vực công nghệ tài chính (fintech) càng thu hút được ít hơn nguồn vốn từ các nhà đầu tư nước ngoài. Theo đó, nửa đầu năm 2023, nguồn vốn tài trợ cho các fintech Việt Nam chỉ đạt 6,2 triệu USD, giảm 67% so với cùng kỳ năm ngoái.
Tracxn nhận định, đây là xu thế chung của hầu hết các thị trường trên thế giới, bởi trong suốt các quý đầu năm 2023, kinh tế vĩ mô toàn cầu không thuận lợi, sự phục hồi không đồng đều sau đại dịch COVID-19, tỷ lệ lạm phát gia tăng và các sự kiện toàn cầu không chắc chắn, khiến các nhà đầu tư thận trọng hơn trong việc cấp vốn cho các công ty khởi nghiệp.
Một yếu tố đáng chú ý góp phần vào sự suy giảm là việc thiếu các vòng cấp vốn ở giai đoạn cuối. Theo đó, không gian FinTech ở Việt Nam đã chứng kiến sự thiếu vắng hoàn toàn nguồn tài trợ giai đoạn cuối trong suốt năm 2022 và 2023.
Cụ thể trong số các vòng cấp vốn đã diễn ra, các khoản đầu tư ở giai đoạn đầu chiếm đa số, đóng góp 5,1 triệu USD vào tổng nguồn vốn trong nửa đầu năm 2023. Thế nhưng, nó cũng giảm tới 97% so với số tiền 195 triệu USD huy động được trong nửa đầu năm 2022. Trong khi nguồn tài trợ ở giai đoạn hạt giống cũng giảm đáng kể, chỉ còn 1,1 triệu USD trong nửa đầu năm 2023, giảm 82% so vói nửa đầu năm 2022.
Đặc biệt, lĩnh vực FinTech tại Việt Nam chỉ trải qua một vòng cấp vốn duy nhất vượt quá 100 triệu USD trong nửa đầu năm 2022. Kể từ đó, chưa có vòng cấp vốn nào vượt qua được cột mốc này. Bên cạnh đó, lĩnh vực này chưa tạo ra bất kỳ kỳ lân nào, cũng như không chứng kiến bất kỳ thương vụ mua lại hoặc phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) nào trong vòng hai năm qua, kéo dài từ năm 2022 đến nay.
Cũng theo Tracxn, các nhà đầu tư chính đóng vai trò then chốt trong việc định hình bối cảnh FinTech tại Việt Nam trong hai năm qua bao gồm CIE IIITH, Y Combinator, WeFounder Circle, Integra Partners và Genting Ventures. Trong đó, CIE IIITH, Y Combinator và WeFounder Circle là những người chơi quan trọng trong lĩnh vực đầu tư giai đoạn hạt giống. Còn Integra Partners và Genting Ventures đã nổi lên như những nhà đầu tư nổi bật trong các vòng cấp vốn giai đoạn đầu.
Một điểm đáng chú ý là dòng vốn tài trợ lại có xu hướng đa dạng hóa, lan tỏa sang các lĩnh vực mới như chứng khoán, công nghệ bảo hiểm (insurtech), công nghệ quản lý của cải, tài sản (wealthtech) và chăm sóc sức khỏe (healthtech). Cụ thể theo thống kê của Tracxn, mặc dù dòng vốn tài trợ vào Fintech sụt giảm, song lĩnh vực Healthtech lại nhận được nguồn tài trợ kỷ lục 53,5 triệu USD, tăng 118% so với cùng kỳ 2022.
Theo nhận định của Dragon Capital Việt Nam, mặc dù có sự chững lại đáng kể trong các tháng đầu năm, nhưng về cơ bản, đầu tư nước ngoài đổ vào các lĩnh vực fintech, khởi nghiệp công nghệ vẫn đang chiếm tỷ trọng khá lớn.
Trong báo cáo của mình, Tracxn cũng lạc quan cho rằng, hệ sinh thái khởi nghiệp Việt Nam có tiềm năng phát triển đáng kể nhờ các biện pháp hỗ trợ của chính phủ như: Thiết lập Chính sách hỗ trợ cho Hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia; cung cấp vốn và tạo ra cổng thông tin hệ sinh thái khởi nghiệp quốc gia. Hơn nữa, chính phủ đang thành lập Trung tâm Đổi mới Quốc gia hợp tác với các công ty công nghệ nổi tiếng như Google và Amazon để cung cấp đào tạo và hỗ trợ cho các doanh nhân trẻ... Đặc biệt theo Tracxn, cam kết của chính phủ trong việc thiết lập một nền kinh tế không tiền mặt sẽ góp phần phát triển hệ sinh thái FinTech.