Tăng trưởng ấn tượng, ngành thủy sản vẫn đối mặt với nhiều thách thức
Theo thống kê của cơ quan hải quan, tính đến cuối tháng 7/2021, kim ngạch xuất khẩu thủy sản của cả nước đạt gần 5 tỷ USD, tăng 13% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, xuất khẩu sang Mỹ vẫn giữ được tăng trưởng cao nhất 36%, sang EU tăng 19%, CPTPP tăng 10%, trong khi xuất khẩu sang Trung Quốc giảm trên 10%.
7 tháng năm 2021, xuất khẩu thủy sản đạt gần 5 tỷ USD |
Tuy nhiên, Hiệp hội Chế biết và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết từ nửa cuối tháng 7, do việc áp dụng các chỉ thị giãn cách xã hội, tình hình sản xuất nguyên liệu và chế biến thủy sản chững lại rõ rệt.
Trong nửa đầu tháng 8, xuất khẩu thủy sản của cả nước chỉ đạt 264 triệu USD, giảm tới 41% so với nửa cuối tháng 7 và giảm 30,1% so với cùng kỳ năm năm 2020.
Cũng theo VASEP, đến nay, cả nước đã có 123 cơ sở chế biến thủy sản tạm dừng hoạt động. Tổng công suất chế biến của ngành cũng chỉ còn bằng khoảng 30-40% so với trước.
Sau hơn một tháng hoạt động trong điều kiện áp dụng Chỉ thị 16 đã phát sinh nhiều khó khăn, bất cập, tác động lớn tới những nỗ lực duy trì sản xuất, xuất khẩu các doanh nghiệp thủy sản tại TP. Hồ Chí Minh và 19 tỉnh thành phía Nam.
Theo đó, hầu hết các tỉnh thành đã yêu cầu các doanh nghiệp chỉ được duy trì hoạt động khi đảm bảo điều kiện “3 tại chỗ” hoặc “1 cung đường - 2 địa điểm” để phòng, chống dịch bệnh lây lan vào các nhà máy, các khu công nghiệp. Nhưng thực tế tới nay chỉ có khoảng 30% các doanh nghiệp thủy sản tại các tỉnh thành phía Nam đảm bảo được điều kiện “3 tại chỗ” và số lượng công nhân có thể huy động cũng chỉ 30-60% số lượng lao động.
Trong khi đó, nguyên liệu thủy sản huy động cho chế biến, xuất khẩu cũng chỉ đạt khoảng 40-50% so với nguồn nguyên liệu bên ngoài. Các vật tư, phụ liệu, bao bì... phục vụ chế biến thủy sản cũng bị thu hẹp, giảm công suất nguồn cung đến 50%.
Trong khi sản xuất bị sụt giảm, nhiều đơn hàng phải gác lại hoặc bị mất, thì các chi phí cho doanh nghiệp đảm bảo được “3 tại chỗ” lại tăng vọt và đang tạo áp lực lớn.
VASEP dự báo, sản xuất sụt giảm trong hơn 1 tháng qua chắc chắn sẽ dẫn đến kim ngạch xuất khẩu tháng 8 giảm mạnh so với những tháng trước và giảm so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, ngành hàng cá tra bị tổn thất mạnh nhất vì hơn nửa sổ nhà máy cá tra bị ngừng hoạt động trong thời gian qua. Xuất khẩu tôm và cá ngừ có thể giảm ít hơn so với cá tra. Các doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu hải sản tập trung khá nhiều ở TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh miền Đông nên chắc chắn cũng giảm mạnh so với tháng trước và so với tháng 8/2020.
VASEP nhận định, ngành thủy sản nếu không khôi phục các hoạt động trở lại vào tháng 9 sẽ dễ gãy đổ chuỗi sản xuất hoặc còn rất ít cơ hội để phục hồi. Riêng nuôi trồng thủy sản, nếu không kịp khôi phục sản xuất, nguyên liệu tôm, cá... sẽ ứ đọng, nông dân vô cùng khó khăn.
Do đó, VASEP đề xuất Chính phủ cần nỗ lực khôi phục các hoạt động sản xuất kinh doanh trong thời gian sớm nhất và không muộn hơn 15/9.
Trước thực tế đó, góp ý Dự thảo Nghị quyết hỗ trợ doanh nghiệp trong bối cảnh đại dịch Covid-19, VASEP đã bày tỏ quan tâm đến vấn đề: Dùng bảo hiểm xã hội để trả lương cho người lao động; Dừng thu phí, điều chỉnh giảm phí hạ tầng cửa khẩu, cảng biển, khu coong nghiệp; Giảm 30% tiền điện cho các doanh nghiệp chế biến, nuôi trồng thuỷ sản giai đoạn 6 tháng cuối năm 2021.
Cũng liên quan đến triển vọng ngành thuỷ sản xuất khẩu của Việt Nam, Ngân hàng Thế giới (WB) mới đây đã công bố một nghiên cứu cho thấy, thủy sản khai thác chịu tác động trực tiếp từ các Quy định Khai thác thuỷ sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU) và cảnh báo thẻ vàng. Ngược lại, nuôi trồng thủy sản chịu nhiều tác động gián tiếp hơn.
Trong đó, tác động ngắn hạn trực tiếp nhất đối với thủy sản Việt Nam sẽ là lệnh cấm thương mại từ Ủy ban châu Âu nếu không giải quyết được các yêu cầu về chống khai thác thủy sản IUU. Theo ước tính của WB, toàn ngành thủy sản Việt Nam sẽ tổn thất khoảng 480 triệu USD nếu mất thị trường EU. Trong số này, tổn thất từ thủy sản khai thác, bao gồm cá ngừ, cá kiếm, nhuyễn thể, mực, bạch tuộc và các loài sinh vật biển khác, sẽ chiếm khoảng 387 triệu USD mỗi năm.
Các tác động gián tiếp đối với thủy sản nuôi trồng có nguyên do từ việc giảm sút uy tín, gánh nặng kiểm soát hải quan ngày càng tăng và không tận dụng được thuế quan ưu đãi của Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA). Ngành thủy sản nuôi trồng có thể mất khoảng 93 triệu USD do các tác động gián tiếp.
Về trung hạn, nếu lệnh cấm kéo dài trong 2-3 năm có thể gây gián đoạn xuất khẩu thủy sản Việt Nam, và hệ lụy là làm giảm ít nhất 30% thu nhập từ thủy sản khai thác.
Báo cáo cũng đánh giá về những thách thức mới đối với ngành thủy sản do đại dịch Covid-19 gây ra, đang ảnh hưởng rất nhiều đến các công ty sản xuất, xuất khẩu thuỷ sản.
“Tuy nhiên, nếu Việt Nam sớm gỡ được thẻ vàng IUU, tận dụng được các ưu đãi thuế quan và thay đổi thể chế từ EVFTA thì cơ hội phục hồi và tăng trưởng trở lại tại thị trường EU là rất khả thi. Điều này cho thấy cần có những giải pháp hợp lý, hiệu quả để sớm khắc phục thẻ vàng, đưa ngành thủy sản hướng tới mục tiêu tăng trưởng xuất khẩu hàng năm từ 7-9% và đạt 16-18 tỷ USD kim ngạch xuất khẩu vào năm 2030”, Ngân hàng Thế giới nhận định.