Tăng trưởng tín dụng phù hợp

09:51 | 04/01/2021

Tính đến ngày 29/12/2020, tín dụng tăng 11,41% so với cuối năm 2019. Mặc dù đây là mức tăng trưởng thấp nhất trong vòng mấy năm trở lại đây, nhưng theo đánh giá của ông Đỗ Thiên Anh Tuấn - giảng viên Trường Chính sách công và Quản lý, Đại học Fulbright, mức tăng trưởng tín dụng này là hoàn toàn phù hợp với diễn biến của nền kinh tế.

Ông có thể nói rõ hơn về nhận định trên?

Theo Tổng cục Thống kê, tăng trưởng kinh tế năm 2020 ước đạt 2,91%, lạm phát bình quân là 3,23%. Trong khi tăng trưởng tín dụng theo công bố mới nhất của NHNN hơn 11,41%, tổng phương tiện thanh toán trên 12%. Như vậy, mức tăng trưởng tín dụng trên là tích cực trong bối cảnh dịch bệnh.

tang truong tin dung phu hop
Ông Đỗ Thiên Anh Tuấn

Phải nói một cách khách quan là NHNN đã nỗ lực thúc đẩy sự tăng trưởng tín dụng tốt, đặc biệt là trong bối cảnh mọi người lo ngại việc đẩy mạnh tín dụng sẽ tạo ra hệ lụy nợ xấu trong tương lai. Nhưng các nền kinh tế trên thế giới họ đều thực hiện chính sách gọi là chính sách nghịch chu kỳ; tức là khi nền kinh tế đi xuống thì chính sách tài khóa và tiền tệ phải thực hiện chính sách nghịch chu kỳ. Đó là, phải chấp nhận tăng bội chi ngân sách. Nghiên cứu của tôi cho thấy, hầu hết nếu không muốn nói là tất cả các nước trên thế giới đều chuyển từ chính sách thuận chu kỳ trước đây sang chính sách nghịch chu kỳ để cứu nền kinh tế. Điều này có ý nghĩa rất quan trọng.

Điều đó cho thấy NHNN đã điều hành chính sách tiền tệ rất linh hoạt, chủ động trong việc thực hiện hỗ trợ nền kinh tế. Còn việc có tiếp cận được vốn vay hay không phụ thuộc vào nhiều yếu tố.

Theo ông, tăng trưởng tín dụng phụ thuộc vào những yếu tố nào?

Tín dụng có tăng trưởng được hay không không chỉ phụ thuộc vào cung mà quan trọng nhất vẫn là bản thân người đi vay. Chúng ta thấy đâu phải DN nào cũng có nhu cầu đi vay trong bối cảnh dịch bệnh, người có tiền họ cũng chỉ muốn gửi tiền vào ngân hàng. DN bán được một lô hàng, nếu như những năm trước họ sẽ tái đầu tư, nhưng bây giờ họ thấy triển vọng không tốt thì lại gửi tiền vào hệ thống ngân hàng chờ đợi cơ hội mới. Nên tăng trưởng tín dụng phụ thuộc đến khả năng hấp thụ vốn của DN trong bối cảnh dịch bệnh.

Nếu như chúng ta giảm chuẩn mực vay vốn, DN có thể tiếp cận được nguồn vốn tốt hơn, nhưng sẽ tạo ra hệ lụy về nợ xấu trong tương lai. Vì vậy phải tìm điểm cân bằng tức là khả năng ngân hàng có thể chống chịu được nợ xấu trong tương lai có thể quay trở lại và những lợi ích kinh tế khác…

tang truong tin dung phu hop

Nói về nợ xấu, theo Chiến lược phát triển của VAMC đến năm 2025 định hướng đến năm 2030 VAMC sẽ xây dựng Đề án thành lập Sàn giao dịch nợ xấu. Ông bình luận thế nào về vấn đề này?

Không phải bây giờ chúng ta mới đề cập đến vấn đề Sàn giao dịch mua bán nợ. Giai đoạn trước đây khi nợ xấu được ví như cục máu đông của nền kinh tế, chúng ta đã phải vận dụng các mô hình xử lý nợ xấu của các nước trên thế giới. Tuy nhiên kể từ khi có Nghị quyết 42 của Quốc hội, việc xử lý nợ xấu và tài sản đảm bảo được khơi thông một phần. Nợ xấu giảm đi một phần do các ngân hàng xử lý được, một phần do dư nợ tín dụng tăng khiến tỷ lệ nợ xấu giảm một cách cơ học. Nhưng chúng ta không thể bằng lòng với kết quả xử lý nợ xấu hiện tại. Vì vậy, thành lập sàn là cần thiết. Nó không chỉ tiếp nối đường hướng xử lý nợ xấu trong những năm qua mà còn tạo thể chế để có thể giải phóng ngay những khoản nợ xấu có thể phát sinh trong những năm tới. Đặc biệt, trong bối cảnh Covid-19 diễn biến phức tạp như hiện tại khả năng đó có thể xảy ra.

Điều quan trọng là cơ chế vận hành ra sao, tổ chức, quản lý như thế nào với quy định chính sách gì để sàn hoạt động hiệu quả. Chẳng hạn, Chính phủ hỗ trợ ra sao, phía NHNN cần thúc đẩy chính sách gì; các bộ ngành liên quan như tư pháp hỗ trợ vấn đề gì… Tức là cần sự vào cuộc của cả hệ thống từ hành pháp, lập pháp kể cả tư pháp… Phải giải bài toán về cơ chế, thực thi đồng bộ còn nếu không Sàn giao dịch mua bán nợ chỉ là cái tên trên danh nghĩa.

Xin cảm ơn ông!

Nguyễn Vũ thực hiện

Nguồn: