Thay đổi là xu hướng tất yếu cho tăng trưởng tương lai
Tôi vẫn luôn vinh dự và tự hào khi kể cho thế giới nghe câu chuyện của Việt Nam. Một trong những phần thú vị nhất của câu chuyện này chính là hành trình tăng trưởng tuyệt vời của Việt Nam qua những thập kỷ gần đây, và được thể hiện qua vị thế Việt Nam đạt được trong các chuỗi cung ứng toàn cầu.
Từ xuất phát điểm ban đầu thấp, Việt Nam đã vươn mình trở thành một quốc gia có thu nhập tầm trung thấp với một nền kinh tế phát triển nhanh chóng. Những con số ấn tượng đã nói lên tất cả. Việt Nam hiện tham gia 16 hiệp định thương mại tự do và đã thiết lập quan hệ đối tác chiến lược toàn diện với 8 quốc gia. Nhiều tổ chức dự báo nền kinh tế Việt Nam sẽ đạt mốc 760 tỷ USD vào năm 2030.
Năm nay, bộ phận Nghiên cứu Toàn cầu HSBC kỳ vọng GDP của Việt Nam tăng trưởng ở mức 7%, trở thành nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất ASEAN và tạo ra GDP mới nhiều tương đương Hà Lan. Chưa hết, Việt Nam hiện nằm trong top 40 nền kinh tế lớn nhất thế giới xét về GDP và top 20 xét về thương mại. Những bước tiến này đã đẩy thu nhập bình quân đầu người tăng 43 lần từ 100 USD thời mới cải cách lên 4.300 USD như hiện nay.
Việt Nam đã trải qua một chặng đường dài để có được vị thế như ngày hôm nay. Một yếu tố quan trọng trong thành công đó chính là tinh thần sẵn sàng đón nhận thay đổi. Suốt nhiều năm, FDI vẫn luôn là một trong những động lực quan trọng đằng sau sự tăng trưởng vượt bậc này, chiếm 4-6% GDP hàng năm. Tuy nhiên, câu chuyện về sự tăng trưởng của Việt Nam không chỉ đơn giản xoay quanh “thu hút FDI và xuất khẩu”. Gần đây, đã có những động lực mới xuất hiện giúp thúc đẩy câu chuyện của Việt Nam lên một tầm cao mới.
Thay đổi là xu hướng tất yếu
Thế giới đang thay đổi nhiều hơn bao giờ hết bởi hai yếu tố then chốt.
Thứ nhất, chỉ tính riêng những tiến bộ về công nghệ diễn ra trong một thập kỷ vừa qua cũng đã thay đổi hoàn toàn cuộc sống của chúng ta. Cách đây 10 năm, sở hữu một chiếc điện thoại thông minh có thể là điều gì đó quá xa xỉ đối với nhiều người. Giờ đây, thiết bị này đã trở thành một phần gắn liền với cuộc sống của gần 70 triệu người ở Việt Nam. Chúng ta có thể làm được gần như mọi thứ chỉ với vài cú chạm trên màn hình… Sự trỗi dậy của trí tuệ nhân tạo, máy học và khoa học người máy cũng đã thay đổi hoàn toàn diện mạo nhiều ngành nghề, từ y tế đến sản xuất và kể cả ngành ngân hàng.
Ông Tim Evans, Tổng Giám đốc HSBC Việt Nam |
Một yếu tố then chốt nữa đang ảnh hưởng đến thế giới của chúng ta chính là biến đổi khí hậu. Chúng ta có thể nghĩ đây là một tiến trình chậm chạp, đi theo một lộ trình tương đối dễ đoán, thậm chí dễ xử lý. Đó thực sự là một suy nghĩ sai lầm. Trên thực tế, hậu quả của tình trạng trái đất nóng lên vẫn đang diễn ra, kéo theo một loạt thiên tai mà sau này sẽ đưa chúng ta đến ngưỡng không thể vãn hồi.
Hẳn bạn cũng đã nghe tin về các cơn bão hủy diệt mới đổ bộ vào Mỹ gần đây. Biến đổi khí hậu khiến những cơn bão này trở nên tàn bạo hơn với sức gió mạnh thêm 11% và tăng lượng mưa khoảng 10%. Nhìn về Việt Nam, chúng ta cũng vừa chứng kiến hậu quả nặng nề do bão Yagi gây ra. Đây chính là minh chứng cho thấy biến đổi khí hậu là một vấn đề sát sườn chứ chẳng ở đâu xa - một nguy cơ sống còn đối với thế giới này với hậu quả vô cùng sâu rộng.
Khí hậu đang thay đổi và chúng ta cũng phải vậy. Tất cả chúng ta đều hiểu rằng cần phải đẩy nhanh tiến độ chuyển dịch hướng đến nền kinh tế cân bằng phát thải toàn cầu để giữ mức tăng nhiệt độ nóng lên của trái đất ở mức 1,5°C. Tính đến nay, khoảng 150 quốc gia đã công bố mục tiêu cân bằng phát thải. Năm 2021, tại hội nghị thượng đỉnh COP26, Việt Nam lần đầu tiên đặt mục tiêu đạt cân bằng phát thải vào năm 2050.
Cơ hội mở ra
Việt Nam có tiềm năng lớn về tiêu dùng số. Những yếu tố thuận lợi về nhân khẩu học bao gồm dân số 100 triệu người với tỷ lệ người trong độ tuổi lao động gần 70%. Tỷ lệ người sử dụng internet tăng nhanh cũng giúp mở rộng thị trường kinh tế số. Gần 80% dân số Việt Nam sử dụng internet nhờ số lượng người sở hữu điện thoại thông minh tăng hơn gấp đôi so với cách đây một thập kỷ.
Các sáng kiến của Nhà nước nhằm thúc đẩy số hóa ở khu vực nông thôn đã thúc đẩy tiến bộ trong việc xây dựng một nền kinh tế số được đánh giá là phát triển nhanh nhất ở ASEAN với tốc độ tăng trưởng ấn tượng là 20%, theo báo cáo về kinh tế điện tử của Đông Nam Á (e-Conomy SEA) năm 2023. Xét về tổng giá trị giao dịch, Việt Nam có tiềm năng để trở thành thị trường công nghệ số lớn thứ nhì khu vực vào năm 2030, chỉ đứng sau Indonesia.
Một trong những hiệu quả lớn nhất của cuộc cách mạng số chính là cách nó mở ra cơ hội tiếp cận sân chơi thế giới cho mọi quốc gia, cho phép các nước như Việt Nam cạnh tranh với những nền kinh tế phát triển hơn. Những doanh nghiệp kỳ lân sinh ra ở Việt Nam như Sky Mavis, MoMo hay VNLife đều là những đối thủ tầm cỡ thế giới, nhưng để viết tiếp câu chuyện thành công của họ, chúng ta cần tiếp tục đầu tư vào giáo dục và khả năng tiếp cận nhằm xây dựng một hệ sinh thái số phát triển có thể thúc đẩy sáng tạo đổi mới.
Bên cạnh đó, biến đổi khí hậu, dù là một thách thức nặng nề Việt Nam đang phải đối mặt, lại đồng thời là một cơ hội lớn cho Việt Nam cũng như khối doanh nghiệp của Việt Nam. Tiềm năng năng lượng tái tạo của Việt Nam rất lớn nhờ điều kiện thuận lợi cũng như cam kết cân bằng phát thải vào năm 2050 của Chính phủ.
Đây là quốc gia có điều kiện tự nhiên phù hợp nhất Đông Nam Á để phát triển điện gió và năng lượng mặt trời. Tài nguyên thiên nhiên của Việt Nam mang lại cơ hội thu hút thêm đầu tư vào ngành năng lượng tái tạo vốn đang phát triển. Chuyển đổi xanh mang đến nhiều cơ hội lớn cho các tổ chức sẵn sàng đổi mới sáng tạo, thích nghi và dẫn đầu xu thế trong sáng tạo giải pháp giúp mang đến một tương lai bền vững hơn cho nhiều thế hệ sau này.
Đón đầu xu hướng
Chúng ta có thể nhìn thấy nhiều nỗ lực đa chiều của Chính phủ để đón bắt hai xu thế nêu trên. Chẳng hạn, Việt Nam đã có Chiến lược quốc gia phát triển kinh tế số và xã hội số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 và Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn 2050.
Hưởng ứng những nỗ lực này, các doanh nghiệp đang tiến hành thay đổi tổ chức và triển khai ứng dụng công nghệ ở quy mô lớn. Tính đến năm 2023, khoảng 47% số doanh nghiệp Việt Nam bắt đầu thực hiện các bước chuyển đổi số ở các mức độ khác nhau, theo Cục Phát triển doanh nghiệp (Bộ Kế hoạch và Ðầu tư). Các doanh nghiệp cũng đã bắt đầu nghiên cứu kế hoạch chuyển đổi xanh.
Bền vững từng là “sân chơi” của các doanh nghiệp FDI bởi họ có xu hướng tuân theo chính sách và chiến lược của công ty mẹ ở những quốc gia khác nơi xu hướng ESG phát triển hơn ở Việt Nam. Tuy nhiên, nhận thức của doanh nghiệp trong nước đã tăng lên. Theo khảo sát của PwC, 40% doanh nghiệp đã có kế hoạch và đặt ra cam kết ESG. 48,7% doanh nghiệp nói rằng cho rằng rằng giảm phát thải, chuyển đổi xanh là cần thiết, theo một khảo sát do Ban phát triển kinh tế tư nhân thực hiện.
Rõ ràng, thay đổi không phải là một lựa chọn mà là điều cần thiết đối với doanh nghiệp. Và thay đổi cũng mang lại lợi ích. Chuyển đổi số trở thành một phần không thể tách rời trong chiến lược kinh doanh trước tình hình cạnh tranh gia tăng và nhu cầu khách hàng biến đổi. Chuyển đổi số giúp doanh nghiệp bứt phá để mang lại sản phẩm và dịch vụ tốt hơn, phần nhiều nhờ công nghệ tiên tiến.
Mặt khác, những doanh nghiệp không tiến hành giải quyết được vấn đề biến đổi khí hậu có thể làm suy giảm lòng tin ở những bên liên quan như người lao động, nhà đầu tư và cơ quan quản lý. Và bản thân doanh nghiệp của họ cũng không được bảo vệ vững vàng trước những rủi ro khí hậu trong tương lai.
Thay đổi tốn kém ra sao?
Một câu hỏi đặt ra là chuyển đổi xanh sẽ tốn kém ra sao? Tổng mức chi của chính phủ, doanh nghiệp và cá nhân trên toàn cầu cho năng lượng và hệ thống sử dụng đất sẽ cần tăng 3,5 nghìn tỷ USD mỗi năm, để chúng ta có cơ hội đạt được cân bằng phát thải vào năm 2050, nghĩa là tăng 60% so với mức đầu tư hiện tại. Con số đó tương đương một nửa lợi nhuận doanh nghiệp trên toàn cầu, một phần tư ngân sách thu từ thuế của cả thế giới và 7% chi tiêu hộ gia đình (nguồn từ mckinsey.com: the-net-zero-transition-what-it-would-cost-and-what-it-could-bring-final.pdf). Với Việt Nam, theo Cục Biến đổi khí hậu (Bộ Tài nguyên và Môi trường), sẽ cần khoảng 400 tỷ USD đến năm 2040 (gần 6,8% GDP hàng năm) để ứng phó với biến đổi khí hậu.
Thế còn chuyển đổi số thì sao? Chi tiêu cho chuyển đổi số toàn thế giới được dự báo sẽ đạt gần 4 nghìn tỷ USD vào năm 2027, theo International Data Corporation. Ở Việt Nam, ước tính chi đầu tư tối thiểu cho chuyển đổi số nên ở mức 1% ngân sách nhà nước hàng năm.
Cả hai xu hướng chuyển đổi số và chuyển đổi xanh đều đòi hỏi mức đầu tư khổng lồ, ở đó, tài chính đóng một vai trò thiết yếu. Vốn từ ngân sách nhà nước dự kiến cho ứng phó với biến đổi khí hậu ở Việt Nam chỉ đáp ứng được khoảng 130 tỷ USD, chưa đến một nửa vốn đầu tư cần thiết. Chi phí đầu tư cũng là thách thức hàng đầu trong chuyển đổi số. Do đó, các ngân hàng toàn cầu như HSBC có vai trò tạo điều kiện khơi thông dòng chảy vốn, kết nối nhà đầu tư, cung cấp cho khách hàng kiến thức chuyên môn liên quan và dẫn vốn đi đúng hướng.
Thay đổi nghe có vẻ tốn kém nhưng chậm trễ thay đổi còn tốn kém hơn. Chúng ta có sẵn sàng đón nhận thay đổi để vượt lên trong bối cảnh thế giới xoay chuyển như vũ bão hiện nay? Lựa chọn là của mỗi chúng ta.