Thị trường biệt thự Hà Nội phục hồi mạnh mẽ
Báo cáo của Savills Việt Nam cho thấy, trong quý I, nguồn cung mới biệt thự, liền kề đạt khoảng 942 căn, tăng 396% theo quý và 39% theo năm đến từ 4 dự án mới và giai đoạn mới của 3 dự án đã mở bán. Hầu hết nguồn cung mới đến từ ba dự án tại huyện Hoài Đức bao gồm Hà Đô Charm Villas, An Lạc Green Symphony và Hinode Royal Park. Khu vực phía Tây chiếm 83% nguồn cung mới. Nguồn cung sơ cấp đạt 1.979 căn, tăng 28% theo quý và tăng 47% theo năm. Huyện Hoài Đức dẫn đầu với 37% thị phần, theo sau là Hà Đông với 28%. Huyện Hoài Đức với lượng tồn kho cao và nguồn cung tương lai lớn dự kiến sẽ cung cấp nhiều nguồn cung nhất từ quý tiếp theo.
Ảnh minh họa |
Hoạt động thị trường đạt 934 giao dịch, tăng 83% theo quý và 232% theo năm. Huyện Hoài Đức dẫn đầu lượng giao dịch với 56% thị phần, theo sau bởi quận Hà Đông với 24%. Khu vực phía Tây chiếm tới 80% lượng giao dịch. Tỷ lệ hấp thụ ở mức 47%, tăng 14 điểm % theo quý và 26 điểm % theo năm. Giá sơ cấp trung bình của biệt thự đạt 4.463 USD/m², tăng 4% theo quý và 12% theo năm. Giá trung bình của nhà liền kề là 4.664 USD/m², giảm -3% theo quý và tăng 14% theo năm. Với nhà phố thương mại, giá trung bình khoảng 7.860 USD/m², giảm -2% theo quý và tăng 26% theo năm.
Dự báo về thị trường biệt thự, nhà liền kề trong thời gian tới, bà Đỗ Thị Thu Hằng - Giám đốc cấp cao, Bộ phận nghiên cứu - tư vấn Savills Việt Nam cho rằng, trong năm 2021, dự kiến có khoảng 3.600 căn từ 16 dự án sẽ được mở bán. Hầu hết nguồn cung tương lai nằm tại huyện Hoài Đức và Đan Phượng. Khu vực phía Tây với quỹ đất lớn và cơ sở hạ tầng cải thiện sẽ tiếp tục dẫn dắt thị trường.
Được biết, chính quyền Hà Nội sẽ sớm phê duyệt quy hoạch khu đô thị sông Hồng và dự kiến ban hành vào tháng 6/2021. Quy hoạch bao gồm 40 km đường sông từ cầu Hồng Hà đến cầu Mễ Sở, với 11.000 ha diện tích phát triển trên 55 phường/xã của 13 quận/huyện, với tổng dân số lên đến 320.000 người. Quy hoạch, đã có ảnh hưởng tới giá đất tại các khu vực này, trong đó huyện Đông Anh nhận được khá nhiều sự quan tâm từ nhà đầu tư.
Đối với thị trường khách sạn, báo cáo của Savills Việt Nam cho thấy, nguồn cung toàn thị trường đạt gần 10.120 phòng từ 17 khách sạn 5 sao, 17 khách sạn 4 sao và 32 khách sạn 3 sao, tăng 1% theo quý và tăng 2% theo năm. Mới đây, một khách sạn 5 sao tại quận Đống Đa được chính thức xếp hạng, trong khi 2 khách sạn 4 sao tại quận Ba Đình và Tây Hồ đã hết hạn sao. Khách sạn Capella tại quận Hoàn Kiếm được đưa vào hoạt động trong quý I, tuy nhiên chưa được chính thức xếp hạng. Tới cuối quý I/2021, 2 khách sạn 3 sao với khoảng 130 phòng vẫn đang phải tạm đóng cửa. Hiện nay, 10 khách sạn 3-5 sao đang trở thành cơ sở cách ly gồm 3 khách sạn 5 sao, 5 khách sạn 4 sao và 2 khách sạn 3 sao. Công suất thị trường quý I đạt 24%, giảm -9 điểm % theo quý và -20 điểm % theo năm, giá thuê phòng trung bình đạt 76 USD/phòng/đêm, tăng 8% theo quý và -23% theo năm. Ảnh hưởng của làn sóng Covid-19 vào cuối tháng 1/2021 tại Hà Nội đã kéo công suất thị trường khách sạn trong tháng 2 và tháng 3 xuống còn dưới 20%. Phân khúc khách sạn 5 sao vẫn dẫn đầu thị trường về doanh thu buồng phòng trung bình trong quý I với 25 USD/phòng/đêm.
Trong giai đoạn 2021-2023, dự báo có xấp xỉ 3.000 phòng từ 14 khách sạn dự kiến sẽ được đưa vào hoạt động, trong đó năm 2021 sẽ có thêm một khách sạn 5 sao, một khách sạn 4 sao và một khách sạn 3 sao với trên 400 phòng. Trong số 14 dự án khách sạn trong giai đoạn này, khu vực nội thành Hà Nội đóng góp gần 1.500 phòng hay 52% nguồn cung tương lai; theo sau là khu vực phía Tây với 33%. Phân khúc 5 sao dẫn đầu nguồn cung tương lai trong giai đoạn này, chiếm 80%. Các thương hiệu khách sạn lớn sẽ gia nhập thị trường gồm Grand Mercure, Fairmont, Eastin, Four Seasons, Lotte, Dusit và Wink Hotel.