Tiếp tục đẩy mạnh tín dụng hỗ trợ sản xuất, kinh doanh
Tham dự Hội nghị về phía ngành Ngân hàng có ông Phạm Thanh Hà – Phó Thống đốc NHNN; ông Nguyễn Như Đôn, Giám đốc NHNN chi nhánh tỉnh Bắc Ninh cùng lãnh đạo một số vụ, cục thuộc NHNN, đại diện các NHTM.
Về phía tỉnh Bắc Ninh có ông Ngô Tân Phượng – Phó Chủ tịch UBND tỉnh, đại diện đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh, lãnh đạo một số sở, ngành cùng đại diện hơn 50 doanh nghiệp có quan hệ tín dụng với các ngân hàng.
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Phó Thống đốc NHNN Phạm Thanh Hà cho biết, trong những tháng đầu năm 2023, tình hình thế giới, khu vực diễn biến nhanh, phức tạp; hậu quả của đại dịch Covid-19 tiếp tục kéo dài; cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn ngày càng gay gắt; xung đột Nga – Ukraine ngày càng phức tạp và chưa có dấu hiệu dừng lại; tình trạng lạm phát cao, chính sách tiền tệ thắt chặt, tăng lãi suất kéo dài ở nhiều quốc gia; kinh tế thế giới suy giảm tăng trưởng, có nước rơi vào suy thoái; thương mại và đầu tư quốc tế giảm; rủi ro trên các thị trường tài chính, tiền tệ, bất động sản quốc tế gia tăng; trong khi đó, biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh diễn biến phức tạp, gây hậu quả nặng nề…
Phó Thống đốc NHNN Phạm Thanh Hà phát biểu khai mạc Hội nghị |
Đối với đất nước có độ mở ngày càng lớn như Việt Nam, nền kinh tế cũng chịu nhiều tác động. Theo Phó Thống đốc, trong bối cảnh như vậy, thực hiện chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và trên cơ sở bám sát diễn biến vĩ mô tiền tệ của thế giới và trong nước, trong thời gian qua, NHNN đã lãnh đạo, chỉ đạo toàn hệ thống, từ các đơn vị của NHNN Trung ương, chi nhánh NHNN 63 tỉnh, thành phố, các TCTD thực hiện triển khai nhiều giải pháp để góp phần kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, ổn định thị trường tiền tệ, ngoại hối và đặc biệt chú trọng tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, người dân.
Nhìn lại năm 2022, theo Phó Thống đốc các chỉ số kinh tế vĩ mô cơ bản được ổn định, tăng trưởng kinh tế vĩ mô rất cao (8,02%), lạm phát duy trì ở mức 3,15%. Đối với hệ thống ngân hàng, thị trường tiền tệ, ngoại hối cơ bản ổn định, tỷ giá, lãi suất được điều hành phù hợp, mặt bằng lãi suất từng bước được giảm dần, VND là một trong những đồng tiền ổn định trên thế giới và khu vực.
"Với những kết quả như vậy, kinh tế vĩ mô của Việt Nam, thị trường tiền tệ và ngoại hối của Việt Nam đã được thế giới, cũng như các nhà đầu tư trong nước và quốc tế đánh giá và ghi nhận. Tổ chức xếp hạng tín nhiệm Moody’s và S&P nâng mức xếp hạng tín nhiệm quốc gia cho Việt Nam", Phó Thống đốc Phạm Thanh Hà nhấn mạnh.
Toàn cảnh Hội nghị |
Thời gian qua, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo quyết liệt các giải pháp để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, đặc biệt là chú trọng vào 03 động lực tăng trưởng kinh tế gồm xuất khẩu, tiêu dùng và đầu tư. Liên quan đến đầu tư thì lĩnh vực tín dụng ngân hàng là một vấn đề được đặc biệt quan tâm.
Phó Thống đốc cho biết, năm 2022, tín dụng của hệ thống ngân hàng tăng 14,18% nhưng 8 tháng đầu năm nay mới tăng 5,56%, tiếp cận tín dụng bị hạn chế do rất nhiều nguyên nhân, cần được phân tích cụ thể.
Liên quan đến vấn đề tiếp cận tín dụng và tăng khả năng hấp thụ vốn cho nền kinh tế, trong gần 9 tháng đầu năm 2023, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo tổ chức 02 Hội nghị, 05 cuộc họp với các bộ ngành, Hiệp hội.
Về phía NHNN đã tổ chức 11 Hội nghị, cuộc họp bàn, ban hành 11 văn bản chỉ đạo về các giải pháp nâng cao khả năng tiếp cận tín dụng đối với một số đối tượng, ngành, lĩnh vực, về vấn đề lãi suất, phí dịch vụ ngân hàng; 02 Hội thảo khoa học về tăng khả năng hấp thụ vốn tín dụng; đặc biệt tại các địa phương đã có 63 Hội nghị kết nối ngân hàng - doanh nghiệp được tổ chức, thể hiện tinh thần đồng hành, chia sẻ, tháo gỡ khó khăn.
Theo Phó Thống đốc, Bắc Ninh mang lợi thế là đô thị vệ tinh gần Thủ đô Hà Nội nhất và nằm trong tam giác phát triển kinh tế trọng điểm Hà Nội – Hải Phòng – Quảng Ninh, là cửa ngõ phía Đông Bắc của thủ đô Hà Nội, tiếp giáp với các trung tâm kinh tế lớn của phía Bắc.
Bắc Ninh là tỉnh trong nhiều năm lọt vào tốp đầu các tỉnh về tăng trưởng kinh tế trên địa bàn, trong đó năm 2022, tăng trưởng GRDP đạt 7,39%.
Trong 8 tháng đầu năm, tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh Bắc Ninh có nhiều điểm sáng như: chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 8,24% so với tháng trước, tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tăng 18,2%, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu tăng 12,9% so với tháng trước, doanh nghiệp đăng ký mới tăng và quay trở lại hoạt động tăng 26,2%, vốn FDI đăng ký mới đạt 806,3 triệu USD (tăng 4,5 lần so với cùng kỳ năm trước), tăng trưởng tín dụng đạt 5,8% (cao hơn tăng trưởng tín dụng chung toàn ngành).
"Chúng ta đang bước vào tháng cuối cùng của Quý III năm 2023 và chuẩn bị cho thời điểm 03 tháng cuối cùng của năm 2023, thời điểm mà nhu cầu vốn tín dụng tăng cao để phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh sôi động của người dân, doanh nghiệp dịp cuối năm.
Chính vì vậy, "Hội nghị Kết nối ngân hàng – doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn trong tiếp cận tín dụng" với mục tiêu nhằm nắm bắt các khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp trong việc tiếp cận, hấp thụ vốn tín dụng ngân hàng, từ đó cùng nhau bàn và tìm các giải pháp tháo gỡ nhằm tiếp tục đẩy mạnh tín dụng hỗ trợ sản xuất, kinh doanh, giúp người dân, doanh nghiệp tiếp cận và sử dụng vốn vay dễ dàng và hiệu quả hơn trong những tháng cuối năm 2023 và đầu năm 2024", Phó Thống đốc nhấn mạnh.