Tín dụng chính sách, thấm đẫm tính nhân văn
Bình Thuận: Tổng nguồn vốn tín dụng chính sách đạt hơn 3.900 tỷ đồng | |
Ngân hàng Chính sách xã hội Đà Nẵng góp phần giảm nghèo bền vững | |
Vốn vay ưu đãi góp phần giảm nghèo và xây dựng nông thôn mới |
Các chương trình tín dụng này góp phần tích cực cùng TP. Đà Nẵng hoàn thành vượt kế hoạch giảm nghèo hàng năm. Một số chương trình cho vay đối với các đối tượng yếu thế như người hoàn lương, người sau cai nghiện tái hòa nhập cộng đồng… thấm đẫm tính nhân văn.
Ảnh minh họa |
Đồng thời, các chương trình tín dụng này cũng góp phần hạn chế tình trạng cho vay nặng lãi, giúp người nghèo và các đối tượng chính sách có điều kiện tự lực vươn lên; làm thay đổi cơ bản nhận thức, giúp hộ vay sử dụng vốn có hiệu quả, góp phần cải thiện, nâng cao chất lượng cuộc sống. Đồng vốn chính sách được chuyển tải đến tất cả các thôn, tổ dân phố thông qua cho vay ủy thác qua các hội đoàn thể. Từ đó, tạo điều kiện để người nghèo, đối tượng chính sách tiếp cận nguồn vốn tín dụng ưu đãi để đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh, học tập, tạo việc làm mới, ổn định chỗ ở thông qua mua nhà ở xã hội, xây dựng nhà mới…
Ông Đoàn Ngọc Chung, Giám đốc NHCSXH TP. Đà Nẵng chia sẻ, chính quyền Đà Nẵng và các tổ chức chính trị, xã hội luôn nỗ lực chăm lo đời sống của người dân. Song do tác động từ nhiều yếu tố khách quan nên đến nay vẫn còn một số bộ phận có hoàn cảnh khó khăn, tái nghèo...
Ông Chung nhận định, từ các chương trình tín dụng chính sách, người nghèo trên địa bàn từng bước có thu nhập ổn định, nâng cao chất lượng cuộc sống. Các chương trình tín dụng chính sách góp phần tích cực trong việc thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững, giải quyết việc làm, đảm bảo an sinh xã hội và xây dựng nông thôn mới tại Đà Nẵng.
Năm 2022, trong bối cảnh vừa chống dịch, vừa tập trung các giải pháp phát triển kinh tế, xã hội, mặc dù gặp không ít khó khăn, song được sự quan tâm của NHCSXH Việt Nam, Thành ủy, HĐND, UBND TP. Đà Nẵng và sự phối hợp chặt chẽ từ các sở, ban, ngành, các hội, đoàn thể nhận ủy thác, sự đồng tình ủng hộ của người dân, NHCSXH chi nhánh Đà Nẵng không ngừng nỗ lực vượt qua khó khăn, hoàn thành tốt nhiệm vụ chuyển tải vốn đến hộ nghèo, các đối tượng chính sách.
Có thể khẳng định, vai trò của tín dụng chính sách xã hội rất quan trọng đối với quá trình phát triển kinh tế, xã hội địa phương. Các chương trình tín dụng chính sách được triển khai sâu rộng và đi vào cuộc sống, thực sự mang lại hiệu quả. Các mục tiêu giảm nghèo của TP. Đà Nẵng luôn về đích trước thời hạn, góp phần thực hiện thành công chương trình “5 không”, “3 có” và “4 an” của Đà Nẵng.
Thời gian qua, chi nhánh thực hiện cho vay 13 chương trình tín dụng nguồn vốn Trung ương và 9 chương trình cho vay từ nguồn vốn địa phương. Hiện các chương trình tín dụng chính sách xã hội được đầu tư đến 100% số xã, phường. 100% người nghèo và các đối tượng chính sách có nhu cầu và đủ điều kiện đều được tiếp cận vốn vay. Giai đoạn 2002-2022 chi nhánh cho vay 10.193 tỷ đồng, với 428.540 lượt hộ nghèo được vay vốn, tổng doanh số thu nợ 6.484 tỷ đồng. Tổng dư nợ 3.817 tỷ đồng, tăng 3.700 tỷ đồng so với năm 2002. Tốc độ tăng trưởng bình quân 19,48%/năm. Hiện còn 89.207 hộ nghèo và các đối tượng chính sách đang còn dư nợ vốn vay với dư nợ bình quân 42,7 triệu đồng/khách hàng…
Từ nguồn vốn vay ưu đãi của NHCSXH TP. Đà Nẵng, những năm qua đã tạo điều kiện cho gần 200 ngàn lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo có vốn đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh, vươn lên thoát nghèo bền vững; Thu hút, tạo việc làm cho hơn 163 ngàn lao động; Giúp hơn 68 ngàn học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn học tập, không để học sinh, sinh viên nào phải bỏ học vì khó khăn về tài chính; gần 1,4 ngàn khách hàng có nhà ở ổn định thông qua chương trình cho vay nhà ở xã hội; xây dựng, cải tạo gần 53 ngàn công trình nước sạch, vệ sinh môi trường nông thôn. Đồng thời, hỗ trợ xây dựng 261 ngôi nhà cho hộ nghèo phòng tránh thiên tai; 101 lượt doanh nghiệp vay vốn trả lương cho 12.217 lượt lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19…
Để đồng vốn đến tay hộ nghèo và các đối tượng chính sách phát huy hiệu quả, chi nhánh tập trung nâng cao chất lượng tín dụng. Làm được điều đó, chính nhờ vào năng lực của đội ngũ làm công tác tín dụng chính sách và sự phối hợp chặt chẽ giữa ngân hàng với các hội đoàn thể và sự vào cuộc của chính quyền địa phương. Nhờ đó, chất lượng tín dụng ngày càng được nâng lên rõ rệt.
Phó chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng Hồ Kỳ Minh cho rằng, nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội trên địa bàn không ngừng tăng trưởng, ngày càng đáp ứng tốt hơn nhu cầu vay vốn của hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo và các đối tượng chính sách. Nhất là sự tăng lên đáng kể của nguồn vốn ngân sách địa phương, thể hiện sự quan tâm, vào cuộc quyết liệt của cấp ủy, chính quyền địa phương trong triển khai các chương trình tín dụng chính sách xã hội.
Từ khi Ban Bí thư Trung ương Đảng ban hành Chỉ thị số 40-CT/TW, TP. Đà Nẵng đã cân đối ngân sách, chuyển hơn 1.603 tỷ đồng để bổ sung nguồn vốn cho vay, đáp ứng nhu cầu của người nghèo và các đối tượng chính sách, góp phần quan trọng vào việc thực hiện các mục tiêu hàng năm về giảm nghèo nhanh và bền vững, giải quyết việc làm, xây dựng nông thôn mới, đảm bảo an sinh xã hội.