Tối ưu hóa chi phí logistics cho nông sản
Doanh nghiệp logistics cần thêm nhiều hỗ trợ | |
Chi phí logistics cao kéo giảm sức cạnh tranh | |
Sự dịch chuyển chuỗi cung ứng đang tăng tốc |
Chiều 8/9, Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) vừa phối hợp với Trung tâm Thông tin Công nghiệp và Thương mại (VITIC), Hiệp hội Nông nghiệp số Việt Nam (VIDA), Hiệp hội DN dịch vụ logistics Việt Nam (VLA) tổ chức “Hội nghị kết nối DN nông sản - đường sắt - hàng không” nhằm đưa ra giải pháp tối ưu hóa chi phí logistics cho hàng nông sản.
Ông Trần Thanh Hải - Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu cho biết, nông sản là một trong những ngành xuất khẩu quan trọng của Việt Nam, đóng góp tích cực vào kim ngạch xuất khẩu chung của cả nước. Như năm 2019, kim ngạch xuất khẩu nông sản của Việt Nam đạt gần 25,5 tỷ USD, trong đó có 6/9 mặt hàng xuất khẩu chủ lực đạt kim ngạch trên 2 tỷ USD.
Ảnh minh họa |
Tuy nhiên kết quả khảo sát DN logistics về phương thức vận tải, để vận chuyển hàng nông sản và hàng lạnh, đường bộ vẫn là sự lựa chọn hàng đầu đối với các DN chủ hàng do sự linh hoạt, thời gian vận chuyển nhanh và cũng là một phương thức “truyền thống”, đặc biệt là đối với xuất khẩu sang các thị trường có chung đường biên giới với nước ta. Tiếp đến là đường biển do chi phí thấp, thích hợp với việc xuất khẩu sang các thị trường xa và với các mặt hàng có tính thời vụ thấp. Tỷ lệ sử dụng đường sắt và đường hàng không hiện nay chưa nhiều do chi phí vận chuyển cao, chưa phù hợp với các mặt hàng nông sản giá trị thấp, vận tải đường sắt thiếu kết nối linh hoạt…
Để đẩy mạnh khai thác vận tải hàng hóa đặc biệt trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 có những diễn biến phức tạp trên thế giới và ở Việt Nam từ đầu năm đến nay, các ngành vận tải hàng không, đường sắt đều đang nỗ lực nâng cấp cơ sở hạ tầng, nâng cao chất lượng phục vụ, hoàn thiện dịch vụ vận tải hàng hóa. Tuy nhiên, dường như điều đó chưa đủ thu hút, kết nối DN nông sản. Nguyên nhân sâu xa được các các chuyên gia trong Diễn đàn Logistics Việt Nam 2019 chỉ ra không chỉ là thiếu thông tin, mà hơn thế là thiếu lòng tin giữa các DN nông sản và DN logistics làm cho hai bên tách rời nhau, không dám đến với nhau hoặc chưa đủ tin tưởng để đẩy mạnh quan hệ hợp tác.
Chính vì vậy, để tận dụng những ưu thế hiện có của vận tải đường sắt và đường hàng không nhằm cắt giảm chi phí logistics, nâng cao năng lực cạnh tranh cho hàng hóa nông sản, Cục Xuất nhập khẩu cho rằng, bên cạnh việc tổ chức các hội nghị, hội thảo… cần thông tin chi tiết, kịp thời cho các DN về các phương thức vận tải, cung cấp các gói ưu đãi nhằm kích cầu vận tải hàng hóa của các DN lớn trong ngành vận tải đường sắt, đường hàng không như Tổng công ty Đường sắt Việt Nam, Vietjet Air Cargo, Bamboo Airways…
Ông Đỗ Xuân Quang - Phó Tổng giám đốc Vietjet Air cho biết, vận tải hàng không chỉ chiếm một phần nhỏ trong tổng khối lượng hàng hóa của Việt Nam, tuy nhiên giá trị chiếm đến 25% tổng giá trị xuất khẩu của đất nước. Thị trường này được dự báo sẽ đóng góp khoảng 3 tỷ USD vào GDP của cả nước. Cơ hội để vận chuyển hàng hóa nói chung và nông sản nói riêng qua đường hàng không là rất lớn bởi các chính sách của Chính phủ nhằm thúc đẩy sự phát triển của ngành hàng không bên cạnh chính sách “Open Sky – Bầu Trời Mở” ở khu vực Đông Dương và các nước ASEAN. Bên cạnh đó, cơ sở hạ tầng phục vụ cho hàng không đang trong giai đoạn sửa chữa, nâng cấp hoặc xây mới song song với hàng loạt các FTAs đã có hiệu lực như: AEC, CTPP, EVFTA…
Ngoài ra, việc ngày càng có nhiều các tập đoàn công ty đầu tư vào nông nghiệp với quy mô lớn cho xuất khẩu và thị trường thương mại điện tử đang trong giai đoạn phát triển mạnh mẽ sẽ tạo cơ hội rất lớn cho hoạt động vận chuyển hàng nông sản.
Tuy nhiên, ông Quang cho rằng cần có chính sách tài trợ nông nghiệp và nông dân từ phía Chính phủ quyết định giá cả nông sản Việt Nam và tính cạnh tranh của sản phẩm nông nghiệp Việt Nam trên thị trường quốc tế. “Các hãng hàng không nước ngoài đang chiếm lĩnh thị trường vận chuyển hàng hóa quốc tế (gần 90%). Cần có một hãng hàng không (cargo airlines) với đội máy bay chuyên chở hàng hóa riêng biệt (freighter) phục vụ cho các sản phẩm nông nghiệp Việt Nam, cho các tuyến đường riêng biệt như bưu điện, chuyển phát nhanh. Có như vậy giá cước phí máy bay mới có thể giảm. Một hãng hàng không như vậy cũng phải được Chính phủ tài trợ với chính sách tài khóa phù hợp”, ông Quang kiến nghị.
Ông Vũ Tiến Dũng - Trưởng phòng hàng hóa của Bamboo Airways thì cho rằng, trong bối cảnh dịch Covid và chính sách của Chính phủ đã cho phép khai thác các đường bay quốc tế… chắc chắn lượng hành khách đi từ Việt Nam đến các nước là rất ít mà chủ yếu là các chuyến bay trống. Vì vậy các DN phối hợp với các hãng bay tận dụng cơ hội này để vận chuyển hàng hóa với chính sách giá ưu đãi.