TP. Hồ Chí Minh: Tín dụng bất động sản khởi sắc
Phát biểu tại Diễn đàn Tài chính - Bất động sản 2024, chủ đề Khơi dòng vốn, đón cơ hội phục hồi vừa được tổ chức sáng nay (29/5) tại TP. Hồ Chí Minh, ông Nguyễn Đức Lệnh, Phó Giám đốc NHNN chi nhánh TP. Hồ Chí Minh cho biết, tính đến hiện nay, hoạt động tín dụng lĩnh vực bất động tại địa phương đã và đang có xu hướng tăng trưởng gắn liền với những chuyển biến tích cực hơn từ thị trường này.
Cụ thể, tính đến cuối tháng 4/2024, tổng dư nợ tín dụng bất động sản trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh đạt khoảng 981.500 tỷ đồng, chiếm khoảng 33% tổng dư nợ tín dụng bất động sản cả nước và tăng 1,61% so với cuối năm 2023.
Ông Nguyễn Đức Lệnh, Phó Giám đốc NHNN chi nhánh TP. Hồ Chí Minh (cầm micro) phát biểu tham luận tại Diễn đàn |
Theo ông Lệnh, điểm nổi bật của tín dụng lĩnh vực bất động sản tại TP. Hồ Chí Minh các tháng vừa qua là gắn liền với những chuyển biến tích cực thực tế từ các phân khúc thị trường và sự phục hồi của từng loại hình bất động sản.
Trong đó, với mặt bằng lãi suất cho vay ở mức thấp, hoạt động cho vay mua nhà để ở, xây và sữa chữa nhà ở, chuyển quyền sử dụng đất để xây nhà ở… được nhiều TCTD chú trọng. Điều này khiến tỷ trọng các khoản vay bất động sản với mục đích sử dụng chiếm tới 68% tổng dư nợ cho vay bất động sản tại TP. Hồ Chí Minh 4 tháng vừa qua.
Bên cạnh đó, phân khúc bất động sản khu công nghiệp, khu chế xuất cũng có mức tăng trưởng mạnh 9,3% so với cuối 2023, đạt khoảng 44.600 tỷ đồng.
“Điều này cho thấy, chính sách lãi suất thấp không chỉ hỗ trợ cho doanh nghiệp, người dân vay vốn mua sắm nhà ở mà cũng đã kích thích mở rộng và phát triển các hoạt động đầu tư vào hạ tầng khu công nghiệp... Sự hồi phục của thị trường đã kích thích các TCTD tăng trưởng tín dụng vào các phân khúc nhà, đất có nhu cầu vốn và tiềm ẩn ít rủi ro”, ông Lệnh nói.
Đánh giá về tiềm năng để khơi thông dòng vốn cho lĩnh vực bất động sản, nhiều chuyên gia tại diễn đàn cho rằng, hiện nay các bộ, ngành đang tích cực hoàn thiện những văn bản pháp lý hướng dẫn triển khai ba bộ luật quan trọng là Luật Đất đai 2024, Luật Kinh doanh bất động sản 2023 và Luật các Tổ chức tín dụng 2024. Vì thế, các khó khăn vướng mắc về pháp lý vốn là khó khăn mấu chốt của trường bất động sản kỳ vọng sẽ sớm được tháo gỡ, từ đó các dự án đang triển khai dang dở có thể nối lại. Thị trường trái phiếu, nguồn vốn tín dụng cũng sẽ có cơ hội để phục tiếp tục đà phục hồi trong các quý cuối năm.
Riêng về thu hút vốn FDI đối với lĩnh vực bất động sản, ông Trương Khắc Nguyên Minh, Phó Tổng Giám đốc KCN Việt Nam cho biết, thời gian qua, dòng vốn nước ngoài đổ vào lĩnh vực bất động sản Việt Nam đã có mức tăng trưởng khá tích cực. Cụ thể, đến tháng 4/2024, đã có khoảng 1,6 tỷ USD được các nhà đầu tư nước ngoài đổ vào lĩnh vực kinh doanh bất động sản.
“Con số này cao gấp 4 lần cùng kỳ năm ngoái và là con số khá ấn tượng khi thị trường bất động sản trong nước vẫn còn nhiều khó khăn”, ông Minh nói.