Tự tin với kế hoạch lợi nhuận
Lợi nhuận ngân hàng 2017: Thận trọng không thừa | |
Lợi nhuận ngân hàng: Mảng phi tín dụng còn nhiều cơ hội | |
Bức tranh lợi nhuận ngân hàng và những điểm nhấn |
Kết quả tích cực của hoạt động xử lý nợ xấu, cũng như mức hấp thụ vốn tốt lên trên thị trường là những động lực chính khiến các NHTM tỏ ra mạnh dạn trong kế hoạch lợi nhuận.
Tăng cơ hội hoàn nhập dự phòng
Trong báo cáo tài chính kiểm toán của mình, mới đây VIB thông tin, năm 2016, ngân hàng này đã chủ động mua lại 1.336 tỷ đồng nợ xấu từ Công ty Quản lý Tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) để thực hiện các biện pháp thu hồi và xử lý.
Như vậy, đến thời điểm hiện nay, VIB là ngân hàng thứ hai trong hệ thống thực hiện mua lại nợ từ VAMC. Trước đó, Vietcombank là ngân hàng đầu tiên báo cáo đã tất toán số nợ xấu đã bán của mình, đưa tỷ lệ nợ xấu thực về mức 1,5% tổng dư nợ, và dự báo tăng lợi nhuận 36,7% trước thuế trong năm 2017 (đạt khoảng 12.000 tỷ đồng) sau khi tính toán kỳ vọng hoàn nhập dự phòng từ việc thu nợ và nhập thẳng vào lãi.
NHNN vừa yêu cầu các NHTM tăng cường tín dụng vào lĩnh vực ứng dụng công nghệ cao |
Với trường hợp của VIB, mặc dù đến cuối 2016 tỷ lệ nợ xấu của ngân hàng này tăng thêm 580 tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2015 (đạt mức 1.550 tỷ đồng). Tuy nhiên, VIB đã xử lý trích lập dự phòng được 750 tỷ đồng, tương đương 99,3% số nợ xấu nhóm 5 còn tại đơn vị vào thời điểm cuối 2015. Ngoài ra, trong số 2.600 tỷ đồng nợ xấu còn lại tại VAMC, đơn vị cũng đã trích lập được 406,8 tỷ đồng mà chưa sử dụng đến.
Điều này cho thấy, khi mua lại khoản nợ trên 1.300 tỷ đồng từ VAMC, VIB không quá áp lực về việc nợ xấu ăn mòn vào lợi nhuận trong năm 2017. Bởi trong năm nay, gần như các khoản nợ đã bán cho VAMC không còn khoản nào thuộc nhóm có khả năng mất vốn. Trong khi đó số 1.300 tỷ đồng nợ xấu nhóm 5 đã mua lại, đơn vị có thể tự xử lý. Phần nợ thu được có thể đưa trực tiếp vào lợi nhuận.
Ngoài Vietcombank và VIB, hiện có VietinBank, ACB, VPBank, Techcombank, MB… cũng đang có biểu hiện đi ngang trong chi phí trích lập dự phòng. Trong số này, VietinBank và ACB đã tính toán đến việc mua lại các khoản nợ từ VAMC để tự xử lý.
Theo TS. Bùi Quang Tín, Đại học Ngân hàng TP.HCM, việc các NHTM bắt đầu mua lại các khoản nợ xấu đã bán cho VAMC là động thái tích cực và hợp lý. Điều này cho thấy, các TCTD sau thời gian trích lập dự phòng đã khá bớt sức ép đối với các khoản nợ xấu cũ. Trong bối cảnh so sánh giữa rủi ro của việc mua lại các khoản nợ xấu đã bán, với kỳ vọng hoàn nhập chi phí dự phòng vào lợi nhuận, các NHTM đã chọn mua lại nợ xấu.
Điều này một mặt cho thấy các ngân hàng nhìn thấy được thị trường mua bán nợ đã có sự chuyển biến tích cực, tạo ra cơ hội thu nợ tốt hơn. Mặt khác, các NHTM cũng ý thức được việc càng kéo dài các khoản nợ xấu tại VAMC thì càng gia tăng rủi ro cho ngân hàng. Bởi, dự thảo Luật Hỗ trợ tái cơ cấu các TCTD và xử lý nợ xấu đang được NHNN lấy ý kiến với những quy định sẽ được xây dựng rất chặt chẽ. Trong đó, nếu TCTD nào “có nguy cơ mất khả năng thanh toán, bao gồm cả trường hợp nợ không có khả năng thu hồi hoặc mô hình kinh doanh tiềm ẩn rủi ro” thì sẽ bị xem xét đưa vào diện kiểm soát đặc biệt.
Trên 90% kỳ vọng tăng lợi nhuận
Theo ghi nhận từ thị trường, hiện nay đã có khoảng hơn 10 NHTM công bố các chỉ tiêu kinh doanh và lợi nhuận năm 2017. Cụ thể, Eximbank đặt mục tiêu tăng trưởng dư nợ tín dụng ở mức trên 108.800 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế đạt 600 tỷ đồng, tăng 54% so với năm 2016; OCB đặt mục tiêu lợi nhuận 780 tỷ đồng, tăng 60%; ACB đặt mục tiêu lợi nhuận trên 2.200 tỷ đồng, tăng 32%; HDBank đặt mục tiêu lợi nhuận trên 1.600 tỷ đồng, tăng 28%; MB ra kế hoạch lợi nhuận 4.300 tỷ đồng, tăng gần 18%...
Các TCTD tiếp tục lạc quan về triển vọng gia tăng nhu cầu của khách hàng đối với việc sử dụng dịch vụ tài chính – ngân hàng |
Giải thích cho việc kỳ vọng khá cao vào mục tiêu lợi nhuận năm 2017, ngoài lý do liên quan đến hoạt động đẩy nhanh xử lý nợ xấu tồn đọng, các phân tích cho rằng có 3 yếu tố khiến các NHTM có thể tự tin vào mục tiêu kinh doanh năm nay.
Thứ nhất là sự phục hồi của một số phân khúc trên thị trường BĐS. Hiện nay các DN đã nhanh chóng chuyển hướng sang đầu tư xây dựng các căn hộ có mức giá bình dân sẽ giúp thị trường thiết lập sự cân bằng giữa cung và cầu. Thứ hai, cầu của nền kinh tế có dấu hiệu khởi sắc rõ rệt. Nhập siêu hiện ở mức cao (1,8 tỷ USD) trong hơn 2 tháng đầu năm 2017, trong đó, nguyên nhân chính là do nhu cầu nhập khẩu máy móc thiết bị tăng 28% so với cùng kỳ năm 2016 về giá trị.
Ngoài ra, hiện nay xu hướng chủ động tìm kiếm các thị trường mới của các NHTM cũng sẽ là cơ sở để kỳ vọng tăng trưởng tín dụng ở các mảng tiêu dùng, cũng như tận dụng phân khúc khách hàng có thu nhập trung bình thấp, tập trung ở khu vực nông thôn.
Từ phía nhà điều hành, trong báo cáo điều tra xu hướng kinh doanh quý II/2017, Vụ Dự báo Thống kê (NHNN) cho rằng, trong quý I/2017, 59% các TCTD đã nhận định tình hình kinh doanh tiếp tục có cải thiện so với quý IV/2016. Dự kiến trong thời gian tới, có 75,2% TCTD kỳ vọng tình hình kinh doanh trong quý II/2017 cải thiện hơn so với quý I.
Cũng theo Vụ Dự báo Thống kê, trong năm 2017, 90,4% TCTD kỳ vọng lợi nhuận trước thuế của đơn vị sẽ tăng trưởng mạnh hơn so với năm 2016. Trong đó, thu nhập ròng từ lãi, từ phí và dịch vụ, từ hoạt động tự doanh đều có sự gia tăng. Về ngắn hạn, trong quý II/2017 hầu hết các TCTD tiếp tục lạc quan về triển vọng gia tăng nhu cầu của khách hàng đối với việc sử dụng dịch vụ tài chính – ngân hàng của đơn vị mình. Trong đó, 65,6% TCTD kỳ vọng tổng nhu cầu của khách hàng đối với sản phẩm dịch vụ của ngân hàng tiếp tục tăng, cao hơn so với tỷ lệ 55,7% TCTD có cùng nhận định cho quý I/2017 ghi nhận tại cuộc điều tra kỳ trước.