Lợi nhuận ngân hàng: Mảng phi tín dụng còn nhiều cơ hội
Bức tranh lợi nhuận ngân hàng và những điểm nhấn | |
Lợi nhuận ngân hàng: Vẫn phải thắt lưng buộc bụng | |
Lợi nhuận ngân hàng: Tiếp tục “năng nhặt chặt bị” |
Năm 2016, không ít các NH công bố lợi nhuận hàng nghìn tỷ đồng. Nếu “soi” vào báo cáo tài chính của nhiều NH thì lợi nhuận vẫn nghiêng về tín dụng. Cụ thể là, năm qua hầu hết các NH đều có tỷ lệ thu nhập lãi thuần từ hoạt động tín dụng đạt trên 75% tổng thu nhập. Thu từ dịch vụ còn hạn chế. Có lẽ phần nào vì lý do này nên mỗi năm các NH lại hy vọng chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng (TTTD) sẽ cao hơn năm trước đó.
Như năm nay, Agribank đưa ra kế hoạch tăng trưởng dư nợ tín dụng từ 14 - 18% so với năm 2016. Vietcombank đề ra mức tăng trưởng 18%. Đây cũng là mục tiêu TTTD của ACB trong 2017. Tuy nhiên, kỳ vọng này của các nhà băng cũng đặt ra cho họ một thử thách không nhỏ, bởi nếu chỉ trông cậy vào tín dụng, NH rất khó để xoay xở trong bối cảnh hiện nay.
Chẳng hạn về khách hàng, NH có thể phải điều chỉnh vốn cho vay đối với một số đối tượng vay lớn. Tại chỉ thị đề ra từ đầu năm nay, Thống đốc NHNN nhấn mạnh việc NHNN tiếp tục kiểm soát chặt chẽ tín dụng vào những lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro như tín dụng trung và dài hạn, đối với nhóm khách hàng lớn, với lĩnh vực bất động sản, các dự án BOT và BT giao thông. NHNN cũng luôn nhắc nhở các TCTD kiểm soát chất lượng, tốc độ TTTD.
Phát triển dịch vụ phi tín dụng là hướng đi bền vững của các NH hiện đại |
Trong khi đó với các nhóm khách hàng vay khác, TCTD hiện nay muốn TTTD cao thì phải đi cùng với giảm thêm lãi suất, đặc biệt đối với lãi suất cho vay trung và dài hạn. Song thực tế cũng có thể nhìn thấy, áp lực lên lãi suất cho vay chỉ thấy tăng chứ ít chiều hướng giảm, vì lãi suất huy động vẫn khó hạ.
Bởi vậy, để có một hướng đi bền vững, các NH hiện đại cần phải thực sự nghiên cứu và xem xét đầu tư đúng mức để nâng cao doanh thu từ hoạt động phi tín dụng. Ngoài yếu tố cơ cấu lại nguồn thu cho ngân hàng, việc tăng thu từ hoạt động phi tín dụng đóng vai trò rất quan trọng với NH trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế. Bởi vì, nó khiến cho sản phẩm, dịch vụ của NH đa dạng, phong phú hơn, tiếp cận được tới nhiều đối tượng khách hàng. Bên cạnh đó, phát triển dịch vụ phi tín dụng còn giúp giảm thiểu rủi ro, góp phần gia tăng lợi nhuận NH...
Một cú hích thúc đẩy các NH đầu tư mạnh tay hơn với các dịch vụ hiện đại để theo kịp với nhu cầu của khách hàng đã hình thành. Cuối năm 2016, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án Phát triển thanh toán không dùng tiền mặt giai đoạn 2016 - 2020, mục tiêu là đến cuối năm 2020 tỷ trọng tiền mặt trên tổng phương tiện thanh toán ở mức thấp hơn 10%. Theo đó, 100% các siêu thị, trung tâm mua sắm cũng như cơ sở phân phối hiện đại có thiết bị chấp nhận thẻ và cho phép khách hàng có thể thanh toán không dùng tiền mặt khi mua hàng...
Đón cơ hội, nguồn thu từ mảng dịch vụ của các NH trong năm 2016 cũng có sự chuyển biến trong cơ cấu lợi nhuận. Như tại VietinBank, tỷ trọng thu ngoài lãi từ dịch vụ của NH này đạt 20%. Con số này ở Vietcombank là 26,1%. Thu từ dịch vụ cũng giúp MB đạt 682,6 tỷ đồng trong năm 2016, tăng 25% so với năm trước đó...
Tuy nhiên, trao đổi với một chuyên gia tài chính, ông này cho rằng: Nhìn ở mặt bằng chung, doanh thu từ hoạt động phi tín dụng chưa thực sự được đẩy mạnh như mong muốn. Nếu có cũng chỉ mới rơi vào những NHTM có quy mô lớn. Số còn lại, dịch vụ phi tín dụng của các NHTM sức cạnh tranh còn khiêm tốn, đơn điệu, quy mô dịch vụ còn nhỏ... nên khó mà hấp dẫn và thu hút khách hàng.
Với những NH có quy mô nhỏ, thật khó để trông chờ vào việc phát triển sang “lãnh địa” phi tín dụng, khi độ phủ sóng còn quá hẹp, tiềm lực tài chính còn khó khăn. Thêm nữa, cho vay tiêu dùng - vốn đã được khai xới nhiều hơn những năm gần đây - bổ sung không nhỏ vào thu nhập của các NH, khiến lợi nhuận của những NH này vẫn phải dựa vào tín dụng.
Chưa kể tới việc chất lượng nguồn nhân lực để phục vụ cho phát triển các dịch vụ phi tín dụng công nghệ cao chưa phát huy tương xứng với năng lực và lợi thế. Hiện dịch vụ phi tín dụng mới chủ yếu tập trung dưới dịch vụ phát hành thẻ, hoạt động NH bán lẻ, bancassurance, hay môi giới đầu tư chứng khoán...
Cũng theo chia sẻ của chuyên gia này, để thu từ dịch vụ được gia tăng thì cốt lõi phải nâng cao nhận thức về vai trò phát triển dịch vụ này. Các NHTM phải xây dựng một tỷ trọng lợi nhuận hợp lý trên tổng lợi nhuận của NH, thường xuyên có sự giám sát, kiểm soát tỷ trọng đưa ra với mục tiêu giảm sự phụ thuộc vào dịch vụ tín dụng.
“Việc phân tích, đánh giá hiệu quả từng loại hình dịch vụ cũng sẽ giúp NH thiết kế tỷ trọng hợp lý giữa tín dụng và phi tín dụng. Chất lượng nguồn nhân lực và năng lực quản trị điều hành, hay hoạch định chiến lược phát triển dịch vụ phi tín dụng với tầm nhìn dài hạn... cũng là những yếu tố cần được NH quan tâm trong quá trình triển khai thực hiện”, chuyên gia nói trên nhấn mạnh.