Chậm ban hành văn bản thi hành các luật về bất động sản: Cần làm rõ trách nhiệm, mức độ ảnh hưởng
5 xu hướng then chốt định hướng tương lai thị trường bất động sản Việt Nam Cấp chứng chỉ môi giới bất động sản còn nhiều lỗ hổng Đánh thuế bất động sản thứ hai: Cần giải pháp đồng bộ |
Việc ban hành các văn bản thi hành 3 luật nhằm tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản. |
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà vừa chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc về tình hình triển khai Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản.
Chậm ban hành văn bản hướng dẫn Luật Đất đai
Ông Lê Minh Ngân - Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết, triển khai Luật Đất đai năm 2024, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 222/QĐ-TTg ngày 5/3/2024 ban hành Kế hoạch triển khai thi hành Luật Đất đai số 31/2024/QH15. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã có nhiều văn bản chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương khẩn trương tập trung xây dựng các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Luật, tuyên truyền, phổ biến, bố trí nguồn lực để tổ chức thi hành Luật Đất đai.
Đồng thời, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã có nhiều văn bản chủ động đôn đốc, hướng dẫn địa phương tổ chức triển khai thi hành Luật Đất đai; thành lập đoàn kiểm tra liên ngành nhằm đánh giá tiến độ phát triển khai luật tại các địa phương.
Đối với nhiệm vụ xây dựng các văn bản thuộc thẩm quyền của chính quyền địa phương, với 59 nội dung được Luật Đất đai năm 2024 và các Nghị định hướng dẫn thi hành giao quy định chi tiết, đến nay có 50/63 tỉnh, thành phố đã ban hành một số văn bản quy định chi tiết thi hành Luật Đất đai. Tuy nhiên, chưa có địa phương nào ban hành đầy đủ các văn bản quy phạm pháp luật thuộc thẩm quyền, trong đó một số địa phương thậm chí chưa ban hành văn bản nào để triển khai thực hiện.
Trong 50/63 tỉnh, thành phố đã ban hành văn bản thì chỉ có tỉnh Hải Dương ban hành đầy đủ các nội dung được giao quy định chi tiết trong Luật; với các địa phương còn lại, nội dung ban hành chủ yếu liên quan đến bồi thường, hỗ trợ tái định cư, quy định về hạn mức giao đất, công nhận quyền sử dụng đất, điều kiện tách thửa hợp thửa…
Có 13 tỉnh, thành phố chưa ban hành văn bản gồm Cao Bằng, Ninh Bình, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Gia Lai, Đăk Nông, Tiền Giang, Cần Thơ, Bạc Liêu, Cà Mau, Phú Yên, Bình Phước và An Giang.
Theo ông Lê Minh Ngân, việc đẩy mạnh phân cấp, phân quyền giúp các địa phương được giao nhiều thẩm quyền hơn trong việc ban hành văn bản quy định chi tiết thi hành Luật. Tuy nhiên, nguồn nhân lực, kinh nghiệm và thời gian hạn hẹp khiến nhiều địa phương gặp khó khăn trong việc hoàn thành nhiệm vụ này. Điều này dẫn đến tình trạng thiếu đồng bộ trong việc triển khai luật, gây ảnh hưởng đến hiệu quả quản lý và tạo ra những bất cập trong quá trình người dân và doanh nghiệp tiếp cận đất đai.
Trong khi đó, việc điều chỉnh bảng giá đất theo quy định của Luật Đất đai 2024 là một vấn đề nan giải. Mặc dù quy định pháp luật đã rõ ràng nhưng nếu không được thực hiện một cách cẩn trọng và minh bạch, việc điều chỉnh này có thể gây ra những hệ lụy nghiêm trọng. Đặc biệt, tại các địa phương chưa thường xuyên điều chỉnh bảng giá đất trong thời gian qua, việc điều chỉnh đột ngột có thể gây ra sự bất bình trong dư luận.
Thực tế cho thấy việc hoang thiện pháp luật về đất đai là cấp bách trong bối cảnh hoạt động đấu giá quyền sử dụng đất cũng đang bộc lộ nhiều bất cập; việc lập quy hoạch chưa rõ ràng, thiếu minh bạch tạo điều kiện cho các đối tượng đầu cơ; việc sử dụng bảng giá đất chưa hợp lý và tình trạng một số đối tượng thao túng giá đất cũng là những vấn đề đáng quan tâm…
Nhiều địa phương chưa ban hành văn bản hướng dẫn thi hành Luật Nhà ở
Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh thì cho biết, ngay sau khi Quốc hội khóa XV thông qua Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh bất động sản, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo quyết liệt việc tổ chức thi hành hai luật này, nhất là việc ban hành các văn bản quy định chi tiết.
Trong thời gian qua, Bộ Xây dựng đã có nhiều văn bản hướng dẫn đôn đốc các bộ, ngành, địa phương khẩn trương ban hành các văn bản quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành 2 luật theo thẩm quyền, cụ thể có 7 văn bản gửi UBND các tỉnh, thành phố, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước về việc triển khai thực hiện nhiệm vụ được giao tại Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản.
Theo báo cáo mới nhất, việc ban hành các văn bản hướng dẫn thi hành các địa phương như sau: 13 địa phương ban hành các văn bản quy định chi tiết Luật Nhà ở, gồm Lào Cai, Lai Châu, Bắc Ninh, Phú Thọ, Yên Bái, Bắc Giang, Thái Nguyên, Hà Nam, Hải Dương, Đà Nẵng, Bình Định, Tây Ninh, Cà Mau. Trong khi đó, có 50 địa phương chưa ban hành (10 địa phương đã hoàn thiện việc xây dựng và đang trình UBND tỉnh xem xét, ban hành; 40 địa phương đang trong quá trình xây dựng hoặc đang trình lấy ý kiến thẩm định của Sở Tư pháp).
Trước những chậm trễ trong việc ban hành các văn bản hướng dẫn thi hành các Luật, ông Hoàng Văn Thạch, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cao Bằng đã thừa nhận trách nhiệm. Trên địa bàn tỉnh Cao Bằng hiện nay chưa hình thành các khu công nghiệp, nhu cầu về nhà ở xã hội còn hạn chế, chưa thu hút được nhiều nhà đầu tư.
Ông Trần Anh Tuấn - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cho rằng về việc ban hành các văn bản quy phạm pháp luật theo thẩm quyền, Quảng Nam chưa đạt yêu cầu do quá trình xây dựng, lấy ý kiến, thẩm định của các sở, ngành, địa phương còn chậm.
Kết luận Hội nghị, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà cho rằng đối với việc chậm trễ trong xây dựng, ban hành văn bản quy định chi tiết thi hành Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản ở địa phương, phải làm rõ trách nhiệm, mức độ ảnh hưởng đến phát triển kinh tế, lợi ích của các tổ chức cá nhân.
Phó Thủ tướng yêu cầu các lãnh đạo địa phương nắm chắc danh mục văn bản cần ban hành, tình hình, tiến độ thực hiện, chỉ rõ những bất cập, hạn chế, ảnh hưởng tiêu cực và có giải pháp khắc phục với tinh thần "quyết liệt nhưng phải ra kết quả cụ thể".