Vẫn chậm hoàn thuế cho doanh nghiệp
Giảm thuế cho doanh nghiệp là chính sách cần thiết, phù hợp Hà Nội gỡ khó về thuế cho doanh nghiệp trong thời gian giãn cách xã hội |
Theo thống kê của Tổng cục Thuế, tính đến 20/12/2023, cơ quan thuế các địa phương đã ban hành 18.008 quyết định hoàn thuế giá trị gia tăng (GTGT) với tổng số tiền thuế đã hoàn là 138.461 tỷ đồng. Con số này tăng đáng kể cả về số doanh nghiệp được hoàn thuế và giá trị tiền thuế đã được hoàn. Trước đó, tính đến cuối tháng 10/2023 số thuế các doanh nghiệp được hoàn lại mới chỉ đạt khoảng 112.873 tỷ đồng, với trên 15.000 quyết định hoàn thuế.
Tập trung ưu tiên hoàn thuế, gỡ vướng mắc cho doanh nghiệp |
Diễn biến tích cực trên cho thấy những nỗ lực đẩy nhanh công tác hoàn thuế ở các địa phương những tháng cuối năm đã phần nào cho kết quả đáng ghi nhận. Trong vòng gần hai tháng đã có gần 25.600 tỷ đồng tiền thuế được hoàn cho doanh nghiệp các ngành nghề. Dòng tiền này rất đáng quý trong bối cảnh hầu như tất cả các doanh nghiệp đều đang cần nguồn vốn lưu động để tập trung sản xuất, kinh doanh mùa vụ cuối năm.
Tuy nhiên, xét trên tổng thể, đại diện nhiều hiệp hội ngành hàng và các doanh nghiệp lĩnh vực sản xuất, xuất nhập khẩu cho rằng, tiến độ, thủ tục xác minh hồ sơ để hoàn thuế của ngành thuế các địa phương hiện nay vẫn khá chậm chạp. Nhiều doanh nghiệp bị treo khoản thuế hàng chục tỷ đồng đáng ra được hoàn trong các năm 2021-2022 có thể xem là thiệt hại và mất nhiều chi phí cơ hội.
Ông Huỳnh Tấn Thống, Giám đốc Công ty cổ phần xuất nhập khẩu Huỳnh Hải Nam cho hay, doanh nghiệp này đã nộp hồ sơ hoàn thuế GTGT từ kỳ tháng 12/2021 đến tháng 4/2022 với tổng số thuế đề nghị hoàn ban đầu là 7,5 tỷ đồng. Đến nay, tổng số thuế doanh nghiệp chưa được hoàn đã hơn 22 tỷ đồng, nhưng cơ quan thuế vẫn chưa xử lý xong để hoàn cho doanh nghiệp.
Tương tự, đại diện Công ty cổ phần Thương mại Xuất nhập khẩu An Phát cho hay, doanh nghiệp này đã nộp 32 kỳ hồ sơ hoàn thuế đối với mặt hàng tinh bột sắn xuất khẩu trong thời gian vừa qua. Tuy nhiên, các kỳ lâu nhất hiện nay đã kéo dài 4 năm, song cơ quan thuế vẫn chưa giải quyết dứt điểm.
Đại diện Hiệp hội Gỗ và lâm sản Việt Nam cũng thông tin rằng, chỉ tính trong nửa đầu năm 2023, tổng số tiền thuế GTGT các doanh nghiệp ngành chế biến và xuất khẩu gỗ chưa được cơ quan thuế hoàn trả đã đạt khoảng 6.100 tỷ đồng. Tính lũy kế phát sinh đến cuối năm có thể số tiền này đã lên đến hàng chục nghìn tỷ đồng nhưng số doanh nghiệp được hoàn là không đáng kể.
Theo phân tích của các đại lý thuế tại TP. Hồ Chí Minh, vướng mắc chính của hoạt động hoàn thuế GTGT là do các văn bản pháp lý hiện nay khá chồng chéo và khó triển khai trên thực tế đối với việc xác minh hồ sơ hoàn thuế. Chẳng hạn, với nhóm mặt hàng ngành gỗ, Tổng cục Thuế hướng dẫn các cục thuế thực hiện rà soát, xác minh qua các khâu mua hàng, thu mua là quá mức cần thiết, bởi theo Luật Thuế GTGT, thuế này chỉ phát sinh và nộp từ khâu chế biến có hóa đơn GTGT.
Ngoài ra, việc ứng dụng công nghệ thông tin trong phân loại tự động hồ sơ hoàn thuế của ngành Thuế hiện nay cũng khá chậm trễ. Cụ thể, các quy định về ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động tự động phân loại hồ sơ đã được quy định từ 2021 (Thông tư số 31/2021/TT-BTCT), nhưng đến nay, theo báo cáo của Tổng cục Thuế và phản ánh của một số cơ quan thuế địa phương, hệ thống thuế vẫn chưa áp dụng các ứng dụng quản lý rủi ro để hỗ trợ phân loại và giải quyết hồ sơ hoàn thuế.
Thừa nhận có nhiều nguyên nhân dẫn tới công tác hoàn thuế GTGT trong thời gian qua diễn ra chậm chạp ở một số trường hợp doanh nghiệp và ngành nghề, lĩnh vực. Tuy nhiên, đại diện Vụ Kê khai và Kế toán thuế (Tổng cục Thuế) cho rằng, nhiều khả năng đến hết năm 2023, toàn ngành Thuế có thể hoàn được khoảng 152.000 tỷ đồng thuế GTGT, bằng 100% so với cùng kỳ năm ngoái.
Để đẩy nhanh hoạt động hoàn thuế, trong năm 2024, ngành Thuế sẽ hướng vào hai mục tiêu chính là hoàn thuế nhanh, không để hồ sơ quá hạn do yếu tố chủ quan từ cơ quan thuế, đồng thời ngăn chặn, xử lý kịp thời các hành vi gian lận về hóa đơn, hoàn thuế GTGT bằng cách chủ động, rà soát chuỗi các doanh nghiệp có mua bán hàng hóa với doanh nghiệp đang nộp hồ sơ hoàn thuế. Việc này sẽ được Tổng cục Thuế chỉ đạo cơ quan thuế các địa phương bố trí nhân lực, chủ động rà soát trước khi nhận được hồ sơ đề nghị hoàn thuế của doanh nghiệp. Từ đó xác định sớm rủi ro, phân loại chính xác các trường hợp để áp dụng hoàn thuế trước, kiểm tra sau hoặc kiểm tra trước, hoàn thuế sau.