Vi phạm công bố thông tin hàng loạt doanh nghiệp nhà đất bị phạt
Theo thông báo của Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước, đơn vị này vừa xử phạt 3 doanh nghiệp bất động sản do vi phạm công bố thông tin liên quan trái phiếu.
Theo đó, CTCP Hoàng Phú Vương bị phạt 92,5 triệu đồng do không công bố đầy đủ các thông tin liên quan đến báo cáo tài chính năm 2022; tình hình thanh toán gốc, lãi trái phiếu năm 2022 và bán niên năm 2023; tình hình sử dụng số tiền thu được từ việc phát hành trái phiếu đối với trái phiếu còn dư nợ bán niên năm 2023.
CTCP Hoa Phú Thịnh và CTCP Đầu tư Sun Valley cũng lần lượt bị xử phạt 92,5 triệu đồng (cho mỗi doanh nghiệp) vì các vi phạm tương tự. Bao gồm: chậm công bố các tài liệu liên quan đến báo cáo tài chính và tình hình thanh toán gốc, lãi trái phiếu các năm 2022-2023.
Áp lực đáo hạn trái phiếu doanh nghiệp vẫn rất lớn khiến các doanh nghiệp chật vật trong việc hoàn thiện các thông tin kinh doanh để kịp thời công bố trên sàn chứng khoán |
Quan sát từ đầu năm đến nay cho thấy, sau khi huy động số tiền lớn từ việc phát hành trái phiếu, nhiều công ty bất động sản bị xử phạt do thiếu minh bạch trong công bố thông tin về tình hình trả gốc và lãi, thực hiện cam kết với chủ nợ.
Trước đó, trong 2 tháng đầu năm lần lượt các DN như: CTCP Đầu tư và Phát triển Bất động sản An Gia, CTCP Đại Nam, CTCP Hưng Vượng Developer, CTCP Thương mại và Dịch vụ Danh Việt, CTCP Phát triển Sunshine Homes Tổng công ty cổ phần Đầu tư Phát triển Xây dựng (DIC Corp),… cũng đã bị xử phạt vì các vi phạm liên quan đến công bố thông tin về tình hình trả nợ cũng như phương án sử dụng vốn huy động từ bán trái phiếu.
Theo nhận định của CTCP Xếp hạng tín nhiệm đầu tư Việt Nam (VIS Rating) khả năng trả nợ của các công ty bất động sản vẫn ở mức yếu ngay cả khi dòng tiền được cải thiện do đòn bẩy cao và nợ đến hạn lớn trong năm 2024. Theo đó, tỷ lệ Nợ/EBITDA của ngành bất động sản đã tăng lên 8,7 lần trong năm 2023 từ mức 7 lần trước đó do tốc độ tăng trưởng nợ vượt quá tốc độ tăng trưởng lợi nhuận.
VIS Rating cho rằng, khả năng tiếp cận tín dụng ngân hàng và thị trường vốn cải thiện sẽ giúp giảm bớt rủi ro tái cấp vốn cho lĩnh vực bất động sản trong các tháng tới. Tuy nhiên, trong các năm 2024-2025 áp lực đáo hạn trái phiếu vẫn tương đối lớn. Tổng giá trị trái phiếu đáo hạn trong 2 năm là khoảng 572.600 tỷ đồng, trong có khoảng 40% trái phiếu bất động sản. Đặc biệt, trong năm nay một số điều khoản thuộc Nghị định 08/2023/NĐ-CP sẽ hết hiệu lực và áp dụng trở lại Nghị định 65/2022/NĐ-CP. Vì thế, các quy định về phát hành sẽ trở nên chặt chẽ hơn, hoạt động phát hành để đảo nợ có thể sẽ gặp khó khăn đối với các DN bất động sản.