Vốn ngoại tiếp tục “rót” vào bất động sản công nghiệp
Mới đây, Gaw NP Industrial, nhà phát triển bất động sản công nghiệp hàng đầu Việt Nam với các sản phẩm nhà xưởng và nhà kho xây sẵn chất lượng cao, nhà xưởng, nhà kho xây theo nhu cầu đã đầu tư vào Khu công nghiệp Nam Đình Vũ (Hải Phòng) nhằm mở rộng danh mục đầu tư bất động sản từ 49 ha đến 100 ha trong năm nay của tập đoàn.
Bà Nguyễn Phương Thảo, Giám đốc Cho thuê và Quản lý Tài sản tại Gaw NP Capital, cho biết: “Chúng tôi chọn Nam Đình Vũ vì đây là nơi kết nối giao thông trong nước và quốc tế với ưu đãi đặc biệt về thuế ở Việt Nam. Dự án GNP Nam Đình Vũ sẽ cung cấp đa dạng các giải pháp nhà xưởng và nhà kho xây sẵn với diện tích tối thiểu 2500 m2, đáp ứng đủ sự gia tăng của chuỗi cung ứng. Để đạt được mục tiêu xanh và bền vững lâu dài, GNP Nam Đình Vũ sẽ cung cấp điện mặt trời mái nhà và đạt chứng chỉ EDGE”.
Thực tế, Gaw NP Capital đã tạo ra một tác động đáng kể cho thị trường bất động sản công nghiệp tại Việt Nam sau khi cho thuê những dự án nhà xưởng xây sẵn. Với tiềm năng sẵn có, dự án sẽ thu hút đầu tư của nhiều chủ doanh nghiệp trong các lĩnh vực như ô tô, điện tử, hậu cần, FMCG… Những yếu tố này cùng với các ưu đãi về thuế sẽ thu hút các nhà đầu tư và khách thuê uy tín trong và ngoài nước đang tìm kiếm giải pháp bất động sản chất lượng cao, bền vững và tiện lợi. Năm 2022, thị trường bất động sản khu công nghiệp Việt Nam ghi nhận nhiều tín hiệu tích cực sau khi mở cửa trở lại các đường bay quốc tế. Hàng loạt dự án nhanh chóng thu hút lượng vốn đầu tư từ nước ngoài, xu hướng đầu tư bất động sản xanh cũng ngày càng được chú trọng hơn trước.
Một số chuyên gia kinh tế nhận định, trong bối cảnh Trung Quốc tiếp tục duy trì chính sách Zero Covid và các bất ổn địa - chính trị tại khu vực châu Âu, Việt Nam với các yếu tố thuận lợi về tự nhiên, kinh tế, xã hội vẫn là điểm đến đầu tư được nhiều nhà đầu tư quốc tế lựa chọn.
Cụ thể, ổn định chính trị và kinh tế phục hồi nhanh sau đại dịch là yếu tố then chốt quyết định mức độ hấp dẫn của Việt Nam với vốn đầu tư nước ngoài. GDP trong 9 tháng năm 2022 tăng 8,83% so với cùng kỳ năm trước, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng 2,73%; lạm phát cơ bản tăng 1,88%. Ngoài tập trung phát triển hạ tầng, tham gia tích cực vào các hiệp định thương mại, ưu đãi về thu nhập doanh nghiệp, Chính phủ tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp thu hút người lao động nhờ một số nghị định liên quan đến nhà ở xã hội trong khu công nghiệp, tận dụng hiệu quả ưu thế vốn có về lực lượng lao động dồi dào.
Qua thống kê của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính đến cuối tháng 9/2021, trên cả nước có 563 khu công nghiệp nằm trong Quy hoạch phát triển các khu công nghiệp ở Việt Nam với tổng diện tích đất tự nhiên khoảng 210,9 nghìn ha, chủ yếu tập trung tại vùng kinh tế trọng điểm. Hệ thống khu công nghiệp Việt Nam đang là điểm đến của hàng ngàn doanh nghiệp từ hầu khắp quốc gia, vùng lãnh thổ. Song song với phát triển công nghiệp và kinh tế, vấn đề khí hậu và bảo vệ môi trường cũng được Chính phủ Việt Nam rất quan tâm, coi là nhiệm vụ trọng tâm để góp phần phát triển nhanh và bền vững. Cùng với đó, xanh hóa nền kinh tế, áp dung khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo được xác định là giải pháp trọng tâm, trong đó chú trọng công nghệ cao và năng lượng tái tạo. Các yếu tố phát triển bền vững cũng ngày càng được các nhà phát triển bất động sản công nghiệp và khách hàng chú trọng, phù hợp với xu thế toàn cầu.
Bà Phùng Thị Thanh Loan, Quản lý cấp cao, Bộ phận bất động sản công nghiệp, CBRE Việt Nam cho biết, bất chấp tình hình kinh tế thế giới biến động khó lường và diễn biến thị trường bất động sản Việt Nam đang có dấu hiệu trầm lắng, giới đầu tư nước ngoài vẫn rất kỳ vọng vào lĩnh vực địa ốc ở Việt Nam, nhất là phân khúc bất động sản công nghiệp. Việt Nam hấp dẫn FDI nhờ vào các hiệp định thương mại tự do, điển hình là hiệp định EVFTA, đã giúp Việt Nam thu hút thêm nhiều vốn ngoại, đặc biệt là từ châu Âu. Nhờ vậy, thị trường bất động sản công nghiệp đứng trước nhiều cơ hội “bùng nổ”. Các khu công nghiệp tại hai đầu cầu kinh tế lớn là Hà Nội và TP. HCM có tỷ lệ lấp đầy cao, đưa công nghiệp Việt Nam trở thành “bến đỗ” cho vốn đầu tư nước ngoài.
Trung bình mỗi năm, 70 - 80% vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo, tập trung tại khu công nghiệp, khu kinh tế. Trong đó, các ngành công nghiệp điện tử, năng lượng mặt trời và logistics đang dẫn đầu nhu cầu về đất và kho xưởng công nghiệp tại miền Bắc. Điều này cho thấy tiềm năng rất lớn với các nhà đầu tư cả trong và ngoài nước trong thời gian tới.