VPBank dự kiến nâng vốn điều lệ lên tối thiếu 75.000 tỷ đồng
Đẩy mạnh số hóa, nâng cao hiệu quả kinh doanh
Báo cáo kết qua kinh doanh năm 2020, ông Nguyễn Đức Vinh – Tổng giám đốc VPBank cho biết, tại Đại hội đồng cổ đông năm mùa trước, ngân hàng xác định năm 2020 là năm nhiều biến động khi dịch Covid-19 xảy ra nên Ban lãnh đạo ngân hàng đã đưa ra kế hoạch kinh doanh đảm bảo chất lượng bền vững, bảo vệ thành quả đã đạt được, tối ưu hóa nguồn lợi của ngân hàng và các cổ đông.
Với định hướng như vậy, VPBank đã tập trung vào nâng cao quản trị rủi ro, đầu tư công nghệ số hóa ngân hàng, mang lại giá trị thực chất, nâng cao hiệu quả bộ máy, nâng cao hiệu quả kinh doanh và VPBank đã đáp ứng được yêu cầu đặt ra. Đặc biệt, trong 6 tháng đầu năm 2020, vẫn giữ được sự ổn định và củng cố không để phát sinh các rủi ro, đồng thời tái cấu trúc cho doanh nghiệp và người dân vượt qua khủng hoảng của dịch Covid-19. Với những giải pháp điều hanh như trên đã giúp VPBank đạt được các mục tiêu kinh doanh.
Theo đó, tăng trưởng tín dụng (gồm trái phiếu doanh nghiệp) của VPBank đạt 19%, vượt kế hoạch đề ra đầu năm và cao hơn nhiều so với mức tăng trưởng trung bình ngành là 12,13%. Đây là mức tăng trưởng hiệu quả và bền vững trong bối cảnh chung toàn thị trường đang bị tác động bởi dịch Covid-19.
Trong bối cảnh nhiều biến động nhưng tỷ lệ nợ xấu của VPBank được cải thiện ở cả cấp độ hợp nhất và riêng lẻ, trong đó tại ngân hàng hợp nhất, tỷ lệ nợ xấu (theo TT 02) vẫn được duy trì ở mức dưới 3%, và tại ngân hàng riêng lẻ tỷ lệ này xuống dưới 2%. Song song với nỗ lực kiểm soát nợ xấu, năm 2020 VPBank tiếp tục tăng cường chủ động nguồn lực dự phòng. Chi phí dự phòng của cả năm 2020 hợp nhất tăng 15,2% so với năm trước (đã loại trừ khoản chi phí dự phòng cho VAMC của năm 2019). Tại ngân hàng riêng lẻ, chi phí dự phòng tăng 27% cho thấy ngân hàng luôn sẵn sàng với “bộ đệm” dự phòng nợ xấu để ứng phó với các tác động của dịch bệnh.
Kết thúc năm 2020, lợi nhuận trước thuế (LNTT) của VPBank đạt trên 13 nghìn tỷ đồng, đạt 127,5% kế hoạch đề ra tại Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2020, và tăng trưởng 26% so với năm trước, mặc dù chịu các tác động từ đại dịch Covid-19. Kết quả trên có sự đóng góp không nhỏ của Ngân hàng riêng lẻ, bên cạnh mảng kinh doanh tài chính tiêu dùng vốn được coi là lợi thế cạnh tranh của Ngân hàng. LNTT năm 2020 của Ngân hàng riêng lẻ chứng kiến mức tăng trưởng ấn tượng gần 60% so với năm trước, đạt 9.308 tỷ đồng, đóng góp 71% vào lợi nhuận hợp nhất. Hướng tới mục tiêu tăng trưởng bền vững và hiệu quả, VPBank thành công trong việc duy trì tỷ suất sinh lời trên vốn chủ sở hữu (ROE) trên 20% trong 6 năm liên tiếp. Năm 2020, tỷ suất ROE và tỷ suất sinh lời trên tổng tài sản (ROA) của Ngân hàng đạt lần lượt là 22,0% và 2,6%, nằm trong nhóm hiệu quả hàng đầu thị trường.
“VPBank là một trong số ít ngân hàng tổng doanh thu thì tăng nhưng chi phí thì giảm qua việc điều chỉnh nhân sự, tăng năng suất lao động, đẩy mạnh số hóa”, ông Nguyễn Đức Vinh chia sẻ. Những thành công của chương trình này đã làm cho chi phí hoạt động của Ngân hàng giảm gần 8% so với năm trước, giúp tỷ lệ CIR giảm còn 29,2% thấp nhất trong hệ thống ngân hàng.
Toàn cảnh Đại hội đồng cổ đông thường niên VPBank 2021 |
Vì sao VPBank chọn đối tác chiến lược cho FE Credit?
Chia sẻ với cổ đông về việc VPBank kỳ vọng gì khi chọn đối tác chiến lược cho FE Credit, ông Ngô Chí Dũng – Chủ tịch HĐQT VPBank cho biết, với FE Credit, VPBank đã đưa ra 2 phương án gồm phương án IPO và niêm yết, phương án hai là chọn cổ đông chiến lược. “Nếu chọn phương án IPO, VPBank có thể bán FE Credit với giá cao, thậm chí lên tới gần 4 tỷ USD”, ông Ngô Chí Dũng nhấn mạnh. Tuy nhiên, theo Chủ tịch VPBank, sau khi đối thoại các nhà đầu tư, Ngân hàng đã chọn SMBC làm đối tác chiến lược cho FE Credit, bởi đây là công ty có tài sản lớn, nhiều kinh nghiệm trên thị trường Nhật Bản. Từ sự tin tưởng hiểu biết về đối tác và theo phương án của VPBank là phát triển FE Credit lên tầm cao mới đã đưa đến việc lựa chọn đối tác chiến lược SMBC.
Tổng giám đốc VPBank Nguyễn Đức Vinh cũng chia sẻ: "Không phải VPBank bỏ đi 'gà đẻ trứng vàng'. FE Credit vẫn là thành viên quan trọng của VPBank. Sau khi bán vốn tại FE Credit, lợi nhuận của công ty này sẽ vẫn được hạch toán hợp nhất vào báo cáo tài chính của VPBank".
Sau thương vụ này, ông Vinh cho hay hệ số an toàn vốn (CAR) của ngân hàng sẽ vượt quá 20%.
Chia sẻ về các nguồn thu của VPBank trong năm 2021, Chủ tịch Ngô Chí Dũng cho biết, VPBank dự kiến sẽ có 3 nguồn thu đó là lợi nhuận năm 2021, thu từ bán FE Credit và ký lại hợp đồng bảo hiểm vào khoảng tháng 6/2021.
"Với các nguồn thu này, cuối năm 2021, vốn chủ sở hữu của VPBank sẽ đạt khoảng 90.000 tỷ. Cuối năm, chúng tôi sẽ đề xuất ĐHĐCĐ nâng vốn điều lệ từ vốn chủ sở hữu lên tối thiếu khoảng 75.000 tỷ đồng", ông Dũng nói.
Năm 2021, VPBank đặt mục tiêu tổng tài sản tăng 17,5% đạt 492,4 nghìn tỷ đồng. Tiền gửi khách hàng và giấy tờ có giá tăng 19,2% đạt gần 353,3 nghìn tỷ đồng. Dư nợ cấp tín dụng tăng 16,6% đạt 376,34 nghìn tỷ đồng. Kế hoạch lợi nhuận trước thuế năm 2021 đạt 16.654 tỷ đồng, tăng 27,9% so với năm 2020. Tỷ lệ nợ xấu của ngân hàng riêng lẻ theo Thông tư 02 kiểm soát ở mức dưới 3%.
Đại hội đã thông qua phương án bán cổ phiếu từ nguồn cổ phiếu quỹ theo chương trình lựa chọn dành cho cán bộ nhân viên VPBank năm 2021.
Theo đó, hiện VPBank có hơn 75,2 triệu cổ phiếu quỹ và đề xuất sử dụng toàn bộ số cổ phiếu quỹ này trở thành nguồn cổ phiếu phổ thông dành cho việc phát hành cán bộ nhân viên theo chương trình ESOP và cho các nhà đầu tư mới vào thời điểm thích hợp.
Đối với việc phát hành cổ phiếu ESOP, ngân hàng dự kiến bán 15 triệu cổ phiếu với mức giá ưu đãi 10.000 đồng/cổ phiếu. Số cổ phiếu này sẽ bị hạn chế chuyển nhượng tối đa 3 năm và giải tỏa 30% sau 1 năm, 35% sau 2 năm và 35% sau 3 năm. Thời gian thực hiện dự kiến vào quý 3/2021.
Cũng tại đại hội, các cổ đông đã thông qua Phương án chuyển nhượng tối đa 50% phần vốn góp của VPBank tại FE Credit (tương đương 50% vốn điều lệ của FE Credit) cho các nhà đầu tư trong nước và nhà đầu tư nước ngoài, bao gồm chuyển nhượng phần vốn góp tương đương với 49% vốn điều lệ của VPBank trong FE Credit cho SMBC và chuyển nhượng 1% vốn điều lệ của VPBank cho Công ty Cổ phần Chứng Khoán Bản Việt (VCSC).