Xanh hóa ngành logistics để phát triển bền vững
Xanh hóa ngành logistics Hướng đến xanh hóa ngành logistics |
Doanh nghiệp nhận thức được về logistics xanh
Trên thực tế, ông Trần Thanh Hải - Phó cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho biết, ngành logistics Việt Nam đã có những bước tiến đáng kể với tốc độ tăng trưởng bình quân 14 - 16% một năm, quy mô 40 - 42 tỷ USD/năm. Số lượng các doanh nghiệp và chất lượng kinh doanh dịch vụ logistics ngày càng tăng, từng bước hình thành chuỗi cung ứng hàng hóa, dịch vụ. Chỉ số hiệu quả logistics (LPI) của Việt Nam năm 2023 đạt 3,3 điểm, đứng thứ 43/154 quốc gia và vùng lãnh thổ và đứng thứ 5 trong các nước ASEAN.
Xanh hóa logistics không còn là xu hướng mà đã trở thành yêu cầu bắt buộc với các doanh nghiệp |
Trong dòng chảy “xanh hóa”, logistics cũng đang trong vòng xoáy ấy. Theo Báo cáo Logistics 2022, có tới 73,2% doanh nghiệp tham gia khảo sát cho biết logistics xanh đã nằm trong chiến lược kinh doanh của họ. Điều này cho thấy nhiều doanh nghiệp đã nhận thức được về vai trò logistics xanh trong phát triển bền vững để có định hướng phát triển đối với hoạt động này. Có tới gần 65% doanh nghiệp tham gia khảo sát cũng cho biết họ có thực hiện kiểm soát môi trường tại doanh nghiệp. Minh chứng về sự quan tâm của doanh nghiệp logistics trong chuyển đổi xanh là chúng ta đã có các doanh nghiệp lớn phát triển được cảng xanh, bưu cục di động, kho bãi xanh…
Là đại diện một đơn vị tham gia vào chuỗi cung ứng xanh, bà Nguyễn Thị Mỹ Ngọc - Giám đốc Kinh doanh Cảng Quốc tế Long An chia sẻ, trong những năm gần đây, Cảng Quốc tế Long An đã đầu tư rất lớn vào trang thiết bị hạ tầng cảng, dịch vụ hậu cần, cải tiến công cụ để có thể mang đến những dịch vụ tốt nhất cho khách hàng. Cảng Quốc tế Long An đáp ứng đầy đủ các dịch vụ cảng biển logistics cho nhiều mặt hàng, phục vụ tối đa nhu cầu về kho bãi, giao nhận quốc tế với chi phí tối ưu, qua đó tăng sức cạnh tranh cho hàng hóa. Đồng thời, Cảng Quốc tế Long An cũng quan tâm đến vấn đề phát triển logistics xanh để có thể tham gia vào các chuỗi cung ứng toàn cầu.
Trong khi đó theo ông Nguyễn Minh Hiền - Trưởng ban Vận tải Chi nhánh Hà Nội, Công ty TNHH Vận tải Việt Nhật, ban lãnh đạo công ty rất quan tâm đến logistics xanh, từ đó đã định hướng cho cán bộ công nhân viên, các phòng ban tìm cách giảm phát thải ra môi trường, nghiên cứu và điều chỉnh lại quy trình làm việc tốt hơn cũng như lên được lịch trình giao hàng tiết kiệm nhất để giảm chi phí về nguyên vật liệu; đồng thời sử dụng những nguyên vật liệu thân thiện với môi trường...
Xanh hóa logistics là bắt buộc
Ông Đào Trọng Khoa - Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ Logistics Việt Nam (VLA) cho biết, với ngành logistics, xanh hóa không còn là xu hướng mà đã trở thành yêu cầu bắt buộc với các doanh nghiệp. Doanh nghiệp logistics Việt cần tận dụng lợi thế, đưa xanh hóa thành động lực, yêu cầu bức thiết để nâng cao năng lực cạnh tranh, nâng cao hình ảnh thương hiệu, hướng tới phát triển bền vững và toàn diện hơn trong hoạt động kinh doanh, thương mại và xuất nhập khẩu toàn cầu.
“Trong bối cảnh hiện nay nếu không thực hiện nhanh và ngay các tiêu chí để xanh hóa ngành logistics thì trong tương lai, doanh nghiệp sẽ gặp nhiều khó khăn, dần bị đào thải ra khỏi các hoạt động kinh doanh, thương mại và xuất nhập khẩu”, ông Khoa nhận định.
Tuy nhiên, liên quan đến hành lang pháp lý thúc đẩy logistics xanh, theo ông Khoa, các quy định và chính sách của Chính phủ hiện mới chỉ tập trung vào vận tải đường bộ. Việc hạn chế các quy định liên quan đến các loại hình cơ sở hạ tầng logistics khác như kho bãi hay hệ thống công nghệ thông tin… dẫn đến tình trạng thiếu đồng bộ trong việc áp dụng và thực hiện logistics xanh. Ngoài ra, những chính sách về quy trình sản xuất để đảm bảo phát triển logistics xanh còn rất hạn chế, đặc biệt là những quy định về việc tái chế, lọc thải, phát triển bao bì thân thiện môi trường...
Cơ sở hạ tầng logistics hạn chế, liên quan đến phương tiện vận chuyển và mạng lưới giao thông vận tải, cũng là điểm nghẽn. Theo đó, chất lượng cơ sở hạ tầng hạn chế ảnh hưởng đến kế hoạch triển khai và hiệu quả thực hiện các giải pháp logistics xanh của doanh nghiệp. Đồng thời, phát triển vận tải đa phương thức còn nhiều bất cập. Việt Nam mới chủ yếu phát triển vận tải đường bộ trong khi đây là loại hình chiếm tỷ trọng 85% lượng khí phát thải. Trong khi đó, vận tải đường sắt, đường biển, đường thủy nội địa, đường hàng không “gặp khó” do khổ đường, diện tích lòng sông, hay hạn chế chiều dài bến cảng…
Bên cạnh đó, theo ông Đào Trọng Khoa, nhằm phát triển logistics xanh, doanh nghiệp cần được khuyến khích sử dụng các bao bì làm từ vật liệu tái chế hoặc dễ phân hủy trong môi trường tự nhiên. Tuy nhiên, trong hoạt động đóng gói, hiện mới có khoảng 42% doanh nghiệp sử dụng bao bì thân thiện với môi trường như bao bì bằng giấy và carton và chỉ 1,2% doanh nghiệp sử dụng bao bì bằng gỗ.
Để hỗ trợ các doanh nghiệp, Bộ Công Thương đang xây dựng chiến lược phát triển logistics xanh nằm trong chiến lược phát triển chung phát triển về logistics từ nay đến năm 2030, bao gồm một số giải pháp như: Đào tạo nhân lực logistics, logistics xanh, chuyển đổi số trong logistics…
Ông Trần Thanh Hải cảnh báo, nếu doanh nghiệp không gấp rút để đạt chứng chỉ xanh thì sẽ khó tham gia vào chuỗi cung ứng của các doanh nghiệp lớn, đặc biệt là trong những ngành như dệt may, da giày, điện tử của châu Âu, Mỹ. Không chỉ những nhà máy của họ yêu cầu chứng chỉ xanh mà cả những thành phần liên quan trong chuỗi cung ứng như đưa các sản phẩm từ khâu nguyên liệu vào trong nhà máy cho đến khi đưa sản phẩm ra thị trường. "Nếu doanh nghiệp có nhận thức và đầu tư sớm thì chúng ta sớm đạt chứng chỉ xanh, sẽ có lợi thế cạnh tranh so với các doanh nghiệp chưa đạt", ông Hải nói.