Xu hướng xanh trong phát triển bất động sản
Cần chính sách để tạo cơ hội cho người có nhu cầu nhà ở thực | |
Bất động sản công nghiệp: Những tín hiệu tích cực | |
Bất động sản nghỉ dưỡng kỳ vọng “trỗi dậy” |
TS. Hoàng Mạnh Nguyên, Viện Khoa học Công nghệ Đô thị xanh cho biết, “bất động sản xanh” đóng vai trò quan trọng trong việc tạo ra một hướng đi, mô hình tiên phong cho thị trường bất động sản sau này. Nó mang lại giá trị không chỉ cho người mua nhà mà còn cho cả xã hội và đặc biệt là môi trường, sẽ giúp cho xã hội phát triển bền vững, môi trường sống tốt hơn. Hiện các sản phẩm bất động sản xanh được sử dụng các vật liệu thân thiện với môi trường giảm thiểu khí thải ra môi trường và hiệu ứng nhà kính. Cư dân sống trong công trình xanh được hưởng lợi về mặt sức khỏe với nguồn nước sạch, tiếng ồn được giảm thiểu, môi trường trong lành, mát mẻ, tràn ngập ánh nắng tự nhiên và gió trời…
Hiện nay, tình trạng ô nhiễm môi trường đang là vấn đề lớn, dịch bệnh bùng phát, người dân càng quan tâm hơn đến việc đảm bảo sức khỏe. Khi đó, các doanh nghiệp bất động sản cần tái cấu trúc sản phẩm, thông qua các dự án xanh, mang lại sự an tâm cho sức khỏe cư dân nhằm kích cầu vào nhu cầu sống khỏe, sống chất lượng của người mua nhà hiện nay.
Xu hướng căn hộ xanh đang dần trở nên phổ biến |
Nhiều chuyên gia cho rằng, các nhà đầu tư cũng như khách hàng tại các thành phố lớn có nhu cầu ở thực về căn hộ và không gian sống chất lượng tăng tỷ lệ thuận với nguồn cung về bất động sản xanh, đem đến cơ hội lớn cho giới đầu tư thứ cấp. Bên cạnh đó, người dân các thành phố lớn những năm trở lại đây có xu hướng tâm lý ra khỏi nội đô khi mật độ dân số tăng cao, quỹ đất nội đô thu hẹp, khan hiếm gây ra nhiều vấn đề bất lợi cho cuộc sống. Thực tế, hiện tại ở Việt Nam chỉ mới có 150 công trình bất động sản xanh được chứng nhận cũng như đang trong quá trình thi công, thiết kế. Theo thống kê của Hội đồng Công trình xanh các nước, Việt Nam đang chậm hơn rất nhiều về số lượng công trình xanh cũng như trong lĩnh vực đào tạo, nhận thức về điều này.
Vào năm 2017, tại Việt Nam, số lượng công trình đạt chứng chỉ LEED của hệ thống đánh giá - chứng nhận công trình xanh do Hội đồng Công trình xanh Hoa Kỳ (USGBC) phát triển chỉ chưa đến 3% tổng số công trình xây dựng. Và tính đến nay, Việt Nam mới có khoảng 100 công trình xanh đang phát triển ở các giai đoạn khác nhau.
Theo ông Phạm Minh Toàn, thành viên sáng lập và CEO của Time Universal, hành vi của người tiêu dùng sẽ quyết định chiến lược của chủ đầu tư và người làm marketing phải nhận biết được xu hướng đó. Chính vì vậy, chiến lược marketing xanh trong bất động sản phải tập trung vào giá trị bền vững cho khách hàng, từ đó tạo giá trị bền vững cho cộng đồng và xã hội. Doanh nghiệp cũng không nên chỉ tập trung vào xanh hóa sản phẩm mà quên thỏa mãn nhu cầu của khách hàng. Bởi nhu cầu cơ bản của khách hàng là tiện ích, thiết kế… sau đó mới là xanh hóa sản phẩm.
Chiến lược marketing xanh trong bất động sản bắt đầu từ định vị vị trí, từ đó phát triển theo hướng xanh hơn, xanh bền vững. Sau khi có định vị thì đến khâu lựa chọn mô hình. Hiện có 4 mô hình phát triển bất động sản xanh:
Lean Green là mô hình tinh gọn, doanh nghiệp luôn nỗ lực có trách nhiệm xã hội. Họ tập trung vào việc giảm chi phí và tăng hiệu quả thông qua các hoạt động môi trường, từ đó xây dựng lợi thế cạnh tranh dựa trên chi phí thấp. Thường các doanh nghiệp bắt đầu từ mô hình này trước sau đó phát triển theo hướng mong muốn.
Mô hình Defesive Green lại như là một biện pháp về phòng vệ trong thời kỳ khủng hoảng hoặc “bảo vệ” trong cạnh tranh, mà điển hình là tăng cường áp dụng công nghệ. Tuy nhiên, đây là các hoạt động triển vọng nhưng mang tính chất rời rạc và tạm thời.
Shaded Green là mô hình doanh nghiệp đầu tư vào các quy trình bền vững với môi trường trên cơ sở dài hạn, đòi hỏi các nguồn lực tài chính và phi tài chính đáng kể. Doanh nghiệp coi tiếp thị xanh là cơ hội để xây dựng các sản phẩm công nghệ sáng tạo đáp ứng nhu cầu của khách hàng, mang lại lợi thế cạnh tranh. Trước hết nó thúc đẩy những lợi ích trực tiếp và hữu hình được cung cấp cho người tiêu dùng, sau đó là hoạt động môi trường.
Cuối cùng, Extreme Green là mô hình toàn diện nhất. Trong đó các vấn đề môi trường được tích hợp đầy đủ vào các quy trình kinh doanh và vòng đời sản phẩm. Công ty thường phục vụ các thị trường đặc biệt thông qua các cửa hàng và kênh phân phối chuyên dụng.
Tùy theo nguồn lực của mình mà doanh nghiệp lựa chọn mô hình nào. Thường khi chưa thể xác định rõ mô hình nào thì nên bắt đầu từ Lean Green. Theo đó, với các nguyên tắc chính trong marketing xanh, doanh nghiệp sẽ phải hướng vào khách hàng, làm nổi bật các giá trị xanh mà các sản phẩm xanh mang lại cho khách hàng. Marketing xanh nó đòi hỏi nỗ lực sáng tạo nhiều, khác với marketing truyền thống, gắn với trách nhiệm xã hội, ông Toàn cho biết thêm.