Xuất khẩu rau quả: Sau kỷ lục lại là... nỗi lo
Xuất khẩu rau quả sẽ cán đích 5 tỷ USD Xuất khẩu rau quả nỗ lực về đích |
Hiện Trung Quốc vẫn đang là khách hàng lớn nhất của rau quả Việt Nam khi chiếm tới gần 65% kim ngạch 11 tháng năm 2023 với 3,2 tỷ USD, tăng 164,7% so với cùng kỳ năm 2022. Bên cạnh đó, mặt hàng rau quả xuất khẩu sang các thị trường truyền thống như Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản… cũng ghi nhận sự tăng trưởng tốt.
Theo ông Đặng Phúc Nguyên - Tổng Thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam, nguyên nhân giúp xuất khẩu rau quả có mức tăng đột biến trong năm 2023 do Việt Nam tham gia hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới thông qua việc ký kết nhiều Hiệp định thương mại tự do song phương, đa phương và đẩy mạnh xúc tiến, mở rộng thị trường.
Triển vọng dường như đang sáng hơn khi thời gian tới, Việt Nam và Trung Quốc sẽ ký Nghị định thư cho sản phẩm dừa, hoa quả đông lạnh và dưa hấu. Điều này được cho là sẽ đóng góp thêm vào tăng trưởng xuất khẩu nông sản nói chung và rau quả nói riêng.
Tuy nhiên, vẫn còn đó những mối lo khi nhiều vụ việc vi phạm quy định của các thị trường xuất khẩu vẫn diễn ra. Bà Lê Thị Kiều Oanh, Giám đốc Công ty Japan Apple LLC có văn phòng tại Tokyo, Nhật Bản cho biết, doanh nghiệp vừa chịu thiệt hại hàng trăm triệu đồng liên quan đến 2 lô hàng sầu riêng, ớt từ Việt Nam bị cơ quan kiểm dịch Nhật Bản lấy mẫu phân tích và phát hiện tồn dư hóa chất bảo vệ thực vật.
Trước đó, Công ty Japan Apple LLC nhập 1 lô hàng sầu riêng cắt non. Sau nhiều ngày giao hàng đến đối tác, sầu riêng không thể chín bình thường mà chín ép, có mùi chua, buộc doanh nghiệp phải thu hồi, chịu lỗ nặng.
Ông Tạ Đức Minh - Tham tán Thương mại Việt Nam tại Nhật Bản nhấn mạnh, đây là thị trường có tiêu chuẩn rất cao đối với các loại hàng hóa nhập khẩu, đặc biệt là trái cây.
Một vấn đề khác cũng thách thức với doanh nghiệp xuất khẩu rau quả là chuỗi cung ứng. Ông Nguyễn Văn Mười, Phụ trách Cơ quan đại diện phía Nam của Hội Làm vườn Việt Nam dẫn chứng, khi Việt Nam ký nghị định thư để xuất khẩu sầu riêng chính ngạch sang Trung Quốc thì nhiều doanh nghiệp đã hợp tác với nông hộ để đăng ký mã vùng trồng, bỏ tiền đặt cọc để làm. Nhưng khi giá cả sầu riêng bắt đầu biến động, giá tăng cao thì nông dân lại không muốn bán. Tình trạng trên khiến cho các doanh nghiệp rất khó khăn trong việc xuất khẩu, thực hiện hợp đồng với đối tác.
Cũng đề cập đến vấn đề trong chuỗi cung ứng, bà Lê Thị Kiều Oanh cho biết, hiện có hiện tượng các doanh nghiệp Việt Nam xuất hàng đi xong là gần như chối bỏ trách nhiệm. Khi công ty yêu cầu phía đối tác chia sẻ trách nhiệm thì họ trừ bớt tiền hàng nhưng sau đó lại tìm cách nâng giá bán…
Có thể thấy, bên cạnh vấn đề tiêu chuẩn sản phẩm đáp ứng yêu cầu thị trường xuất khẩu thì điểm yếu của ngành hàng rau quả trong việc liên kết giữa nông hộ với doanh nghiệp vẫn còn là rào cản cho hoạt động xuất khẩu của ngành hàng này. Ngành rau quả Việt cần phải sớm “vá” những lỗ hổng này để tránh đứt gãy những liên kết hiện có, để từ đó rau quả của Việt Nam mới có thể tiến mạnh ra thị trường toàn cầu.