Hoàn thiện quy trình để nông sản Việt phát huy thế mạnh
Bất chấp hai năm bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19, sức tăng trưởng của một số nhóm hàng chủ lực được duy trì ổn định như gỗ và lâm sản, thủy sản, hạt điều, cao su, gạo, sắn... Riêng nhóm hàng thủy sản năm 2022 dự kiến xuất khẩu vượt 10 tỷ USD.
Nhiều điểm sáng trong bức tranh tổng thể của nông sản Việt
Phát biểu tại hội thảo Triển vọng thị trường nông sản Việt Nam, ông Tony Harman - Tham tán Nông nghiệp, Đại sứ quán Úc tại Việt Nam đánh giá triển vọng của thị trường nông sản là chủ đề quan trọng hiện nay, đặc biệt sau khi thế giới vừa trải qua những khó khăn từ dịch bệnh. Trong 3 năm qua, nền kinh tế đang định hình lại hành vi của người tiêu dùng thông qua sự biến đổi của chuỗi cung ứng, đây sẽ là cơ hội mở ra cho các quốc gia có chiến lược và chính sách cụ thể.
TS. Trần Công Thắng, Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược PTNNNT đánh giá, đại dịch Covid-19 đã có những tác động tiêu cực đến thị trường kinh tế - xã hội toàn cầu, cùng với đó là những tác động đến từ các cuộc xung đột địa chính trị, biến đổi khí hậu dẫn đến giá lương thực, nông sản thế giới tăng cao. Điều này đã ảnh hưởng rất nhiều đến chuỗi cung - cầu nông sản tại Việt Nam.
Ông Thắng cho biết, mặc dù trước bối cảnh đầy khó khăn và thách thức, tình hình xuất khẩu nông lâm thuỷ sản tại Việt Nam vẫn ghi nhận tăng trưởng cao, thể hiện bằng những con số ấn tượng.
Cụ thể, kỷ lục thặng dư thương mại về xuất khẩu nông lâm thủy sản diễn ra vào năm 2020, đạt ngưỡng 10,4 tỷ USD. Trong cùng năm, giá trị xuất khẩu đạt 41,2 tỷ USD. Năm 2022, Bộ NN&PTNT dự kiến xuất khẩu 55 tỷ USD, tăng hơn 30% so với kỷ lục xuất siêu năm 2020. Tuy nhiên, thặng dư thương mại năm nay ước khoảng 6-7 tỷ USD.
Trong hơn 10 năm tăng trưởng xuất khẩu sang các thị trường lớn như Mỹ, Trung Quốc, EU, Nhật Bản... ổn định. Riêng 9 tháng đầu năm 2022, xuất khẩu sang các nước ASEAN tăng hơn 30% so với cùng kỳ năm 2021.
Bất chấp hai năm bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, sức tăng trưởng của một số nhóm hàng chủ lực được duy trì ổn định như gỗ và lâm sản, thủy sản, hạt điều, cao su, gạo, sắn... Riêng nhóm hàng thủy sản năm 2022 dự kiến xuất khẩu vượt 10 tỷ USD.
Tính đến hết tháng 9/2022, hầu hết các mặt hàng nông sản xuất khẩu của Việt Nam đều có sự tăng trưởng đáng kể so với cùng kỳ năm trước, đem lại nhiều nét tích cực cho bức tranh tổng thể của nông sản Việt.
Ông Thắng chỉ ra 5 lý do giúp xuất khẩu nông lâm thủy sản liên tiếp đạt kỷ lục. Đó là nhu cầu của thế giới liên tục tăng, Việt Nam chủ động mở cửa sớm sau Covid-19, tăng cường trao đổi thương mại với các thị trường lớn, tận dụng ưu đãi từ các FTA thế hệ mới, áp dụng ngày một nhiều khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo.
Cũng theo ông Thắng, trong thời gian tới, triển vọng của nông sản Việt Nam sẽ rất rộng mở. Cụ thể, trong năm tới nguồn cung nông sản trên thế giới dự tính tiếp tục tăng trưởng ổn định, đây sẽ là tín hiệu tốt để thúc đẩy xuất khẩt các ngành hàng của Việt Nam, không chỉ với các sản phẩm chủ lực mà còn tạo điều kiện cho nhiều loại nông sản khác.
Bưởi là loại trái cây thứ 7 vừa được xuất khẩu sang Mỹ |
Để nông sản Việt có chỗ đứng vững chắc
Các chuyên gia cho rằng, cùng với sự hội nhập ngày càng toàn diện và sâu rộng vào nền kinh tế thế giới, Việt Nam đang đứng trước nhiều cơ hội cũng như thách thức mới trong thời gian tới. Ngành nông nghiệp phải đối mặt với những cạnh tranh khốc liệt không chỉ trong thị trường xuất khẩu và ngay chính thị trường trong nước.
TS. Ngô Xuân Nam, Phó Giám đốc Văn phòng SPS Việt Nam chỉ rõ, giữ đà tăng trong nhiều năm, nhưng xuất khẩu nông lâm thủy sản cần quan tâm nhiều hơn đến chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm. Trong 10 tháng đầu năm 2022, Việt Nam nhận tổng cộng 907 thông báo từ các quốc gia WTO về những vấn đề liên quan đến SPS, tăng 21% so với cùng kỳ 2021. Trong đó, Nhật Bản là quốc gia thông báo nhiều nhất, với 126 thông báo, chiếm 13,7%. Xếp sau là Brazil, EU, Canada và Mỹ.
Trung Quốc, thị trường xuất khẩu lớn thứ nhì của nông lâm sản Việt Nam, đưa ra 18 thông báo trong 10 tháng, tương đương chưa đầy 2%.
EU, một thị trường khó tính và có tiêu chuẩn cao về an toàn thực phẩm, đưa ra tổng cộng 5.394 cảnh báo với mặt hàng nông sản thực phẩm và thức ăn chăn nuôi, từ hệ thống cảnh báo nhanh với toàn thế giới. Trong đó, Việt Nam chỉ nhận 64 cảnh báo, chiếm 1,78%.
Ông Đặng Kim Sơn - Phó Chủ tịch Hiệp hội các doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp cho rằng, chúng ta cần có giải pháp để thoát khỏi tình trạng sản xuất gia công, nhất là trong nhóm ngành chăn nuôi, thuỷ sản và trồng trọt. Bởi nếu nguyên liệu đầu vào như phân bón, thức ăn chăn nuôi tăng thì phần đóng góp trong nước sẽ giảm, dù số lượng xuất khẩu ở mức cao. Đây cũng là từng bước phát triển trong chiến lược nông nghiệp mới.
Theo đó, trong bối cảnh giá năng lượng thế giới dự báo vẫn duy trì ở mức cao có thể làm tăng giá các mặt hàng, đặc biệt là lương thực kéo theo thách thức cho đảm bảo an ninh lương thực và sụt giảm giá trị thặng dư nông sản, Việt Nam cần chú trọng đến các giải pháp để vừa đảm bảo an ninh lương thực, vừa tăng cường xuất khẩu nông sản.
Bên cạnh sản xuất các sản phẩm bền vững, giảm phát khí thải, đáp ứng tốt hơn nhu cầu quốc tế; tuân thủ các điều kiện để tiến tới sớm gỡ “thẻ vàng” IUU của châu Âu, Việt Nam cũng cần hoàn thiện quy trình sản xuất đáp ứng tiêu chuẩn của các nước nhập khẩu.
Đặc biệt, ngoài định hướng chú trọng tăng cường kết nối với các thị trường để khai thác tốt hơn dư địa và tận dụng được thế mạnh, trong thời gian tới, Việt Nam cũng cần phải phát triển mạnh hơn cơ sở hạ tầng kho bãi và hệ thống logistics, vận chuyển bằng đường sắt, đường biển... Qua đó, tăng thêm cơ hội xuất khẩu nông sản chính ngạch sang thị trường chủ lực Trung Quốc, cũng như kết nối chặt chẽ hơn nữa với hệ thống thương mại biên mậu với các quốc gia trong khu vực.