Sản phẩm nông nghiệp: Muốn xuất khẩu bền vững phải bằng đường chính ngạch
Kim ngạch xuất khẩu thủy sản 10 tháng tăng 34% | |
Để xuất khẩu qua thương mại điện tử xuyên biên giới | |
Doanh nghiệp xuất khẩu gỗ cần chủ động hơn trước cáo buộc bán phá giá |
Theo các chuyên gia, Việt Nam có tiềm năng trở thành một trong những nước xuất khẩu trái cây lớn trên thế giới nhờ có diện tích trồng cây ăn quả 1,2 triệu ha và tổng sản lượng sau thu hoạch lên 12 triệu tấn. Các mặt hàng trái cây xuất khẩu chủ lực của Việt Nam là thanh long với kim ngạch trên 1 tỷ USD/năm, kế đến là xoài, nhãn, bưởi, chôm chôm, măng cụt... và sắp tới đây, sầu riêng với kim ngạch dự kiến khoảng 2 tỷ USD/năm, vượt thanh long trong nay mai. Cùng với đó, rau quả hiện cũng là những mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu cao của Việt Nam, với trên 3,5 tỷ USD/năm.
Tuy nhiên, hiện nông sản Việt vẫn chưa thể khai thác hết tiềm năng của mình và số lượng xuất khẩu của doanh nghiệp Việt còn rất khiêm tốn. Hiện mỗi năm Trung Quốc chi tới 4 tỷ USD để nhập hàng sầu riêng, trong đó Thái Lan chiếm 90%, còn 10% còn lại chia cho Việt Nam và Malaysia. Về chuối, Trung Quốc có nhu cầu nhập khẩu với kim ngạch khoảng 1 tỷ USD, trong đó Philippines chiếm 50%, Campuchia 20%, còn Việt Nam chỉ có 16%. Về măng cụt, Trung Quốc nhập 800 triệu USD thì Thái Lan cũng chiếm đến 700 triệu USD. Cũng vậy, mỗi năm Nhật Bản có nhu cầu nhập 20 tỷ USD rau quả nhưng kim ngạch hàng Việt xuất sang đây chỉ chiếm 3%...
Thị trường Trung Quốc chính thức mở cửa đón trái sầu riêng tươi Việt Nam xuất khẩu chính ngạch |
Trước thực trạng này, các chuyên gia cho rằng, ngành nông nghiệp Việt cần thay đổi tổ chức sản xuất, thích ứng được với thay đổi của thị trường, nâng cao năng lực sản xuất, đáp ứng yêu cầu xuất chính ngạch. Ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam nhìn nhận, Trung Quốc chiếm tỷ trọng lớn trong kim ngạch xuất khẩu rau quả Việt Nam. Tuy nhiên, muốn kim ngạch xuất khẩu rau quả vào thị trường này đạt nhiều tỷ USD, phải theo đường chính ngạch. Và hiện chúng ta đang chịu sự cạnh tranh gay gắt từ các nước trong khu vực.
Nhìn lại một câu chuyện thực tế, quả bưởi tươi Việt Nam phải mất 5 năm đàm phán mới vào được thị trường Hoa Kỳ. Từ nay đến cuối năm, dự kiến sẽ có khoảng 2.000 – 3.000 tấn bưởi tươi được xuất khẩu sang đây, năm 2023 sẽ có khoảng 7.000 tấn. Tuy nhiên, thị trường này rất khắt khe về các điều kiện phải đáp ứng như cơ sở vùng trồng, đóng gói, quy trình xử lý kiểm dịch. Vùng trồng theo quy định của Hoa Kỳ phải đáp ứng biện pháp thực hành nông nghiệp tốt, đảm bảo vệ sinh sản xuất tốt; hiện cũng chỉ 2 nhà máy chiếu xạ ở Việt Nam được Hoa Kỳ cấp phép…
Mới đây, sau chanh dây, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Tổng cục Hải quan Trung Quốc vừa chính thức ký kết Nghị định thư về yêu cầu kiểm dịch thực vật đối với quả sầu riêng Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc. Và dự kiến trong tháng 11, Hải quan Trung Quốc sẽ khảo sát trực tuyến vùng trồng khoai lang, cơ sở đóng gói của Việt Nam. Nếu đạt kết quả theo yêu cầu, khoai lang tím sẽ là mặt hàng tiếp theo được phép xuất khẩu chính ngạch vào thị trường Trung Quốc.
Theo ông Hoàng Trung, Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), các địa phương cần phối hợp chặt chẽ với đơn vị này để đáp ứng các yêu cầu kỹ thuật; cần tiếp tục tuân thủ đầy đủ các quy định, cũng như ý thức của doanh nghiệp, cơ quan chuyên môn, chủ sở hữu các mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói.
Trước đó, ngay khi lô sầu riêng đầu tiên được xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan cho biết, Bộ sẽ cùng các bộ, ngành xây dựng đề án phát triển cho từng loại trái cây, phù hợp với từng thị trường. Tuy nhiên, vấn đề quan trọng là nông dân cần thay đổi tư duy, làm nông nghiệp chuyên nghiệp, minh bạch, trách nhiệm, với tất cả các khâu, các quy trình phải được chuẩn hoá. Cánh cửa thông quan chính ngạch đã được mở ra, nhưng vẫn luôn có thể bị đóng lại bất cứ lúc nào, nguy cơ mất thị trường vẫn luôn hiện hữu, nếu các yêu cầu kỹ thuật bị vi phạm.
"Người tiêu dùng ngày càng yêu cầu khắt khe hơn về chất lượng, về kiểm dịch thực vật và an toàn vệ sinh thực phẩm... Do đó, từ người nông dân, cộng đồng doanh nghiệp xuất khẩu nông sản phải làm thật tốt việc tổ chức sản xuất, gắn với chuẩn hoá quy trình sản xuất. Phải xây dựng mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói, truy xuất nguồn gốc, để đảm bảo quản lý chất lượng sản phẩm từ gốc. Phải có ý thức tạo dựng và giữ gìn hình ảnh một nền nông nghiệp minh bạch, trách nhiệm đối với người tiêu dùng”, Bộ trưởng Lê Minh Hoan khuyến cáo.