2016 - năm bản lề của khởi nghiệp
Câu chuyện khởi nghiệp | |
Ước vọng một quốc gia khởi nghiệp | |
Điều gì đang cản trở khởi sự kinh doanh? |
Các cơ chế, chính sách hỗ trợ cho công cuộc khởi nghiệp đang được 2 cơ quan là Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT), Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) ráo riết xây dựng, chuẩn bị ban hành trong năm nay. Mục tiêu đã được đặt ra rất rõ ràng, 2016 sẽ là năm kiến tạo công cuộc khởi nghiệp, với công việc phải gấp rút hoàn thành từ bây giờ là xây dựng “hệ sinh thái” khởi nghiệp thực chất.
Nhiều ý tưởng sáng tạo cần vốn nhưng không biết trông vào đâu? |
Tâm lý rón rén cản bước khởi nghiệp
Ông Nguyễn Quân, Bộ trưởng Bộ KH&CN chia sẻ, nhận thức xã hội cũng như của người trẻ về “hệ sinh thái” khởi nghiệp còn rất mơ hồ. Tuy nhiên, ngay cả các cơ quan quản lý cũng vậy. Đây là lực cản lớn nhất để các DN, người trẻ có ý tưởng sáng tạo bắt tay vào tiến hành các dự án khởi nghiệp. Theo ông Quân, đương nhiên lao vào con đường khởi nghiệp có nhiều thách thức rủi ro, trong khi người Việt Nam còn chưa có tâm lý sẵn sàng chấp nhận thất bại.
Từ góc độ DN trẻ đã khởi nghiệp thành công, ông Đỗ Hoài Nam, Giám đốc điều hành Công ty Công nghệ See Space (Thung lũng Sillicon, Hoa Kỳ) cũng chia sẻ quan điểm trên, để tạo ra phong trào khởi nghiệp, chúng ta phải tạo ra nền tảng để DN dám thất bại, đồng thời cũng dám quay trở lại hoạt động.
“Chúng ta có thể thất bại trong một dự án, nhưng không thể có con người khởi nghiệp thất bại, vì cho đến tận cùng thì mỗi dự án thất bại đều làm những con người khởi nghiệp tốt lên. Vì vậy, không nên nói đến chuyện làm sao tạo ra bệ phóng để DN thành công, mà phải tạo ra bệ đỡ để mọi người dám thất bại”, ông Nam quả quyết.
Ở khía cạnh đó thì rõ ràng môi trường đầu tư ở Việt Nam còn chưa hoàn hảo. Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Đặng Huy Đông lo ngại, cơ quan quản lý đáng nhẽ phải là nơi tìm mọi cách “nâng đỡ” tâm lý dám chấp nhận thất bại của người khởi nghiệp, thì lại là khu vực gây ngáng trở nhiều nhất, vì quá… rón rén. Cũng theo ông Đông, môi trường pháp lý chưa hoàn thiện là lý do lớn nhất gây trở ngại cho công cuộc khởi nghiệp. Điều này cho thấy “hệ sinh thái” khởi nghiệp của ta chưa phù hợp từ chính nhận thức của các cơ quan quản lý, làm chính sách.
Có nhiều biểu hiện cho thấy cơ quan quản lý nhận thức lệch lạc, thiếu kiến thức. Ông Đông dẫn chứng, khi hai bên hợp tác, thoả thuận giá trị tài sản trí tuệ là 1 triệu USD chẳng hạn, thì cơ quan đăng ký kinh doanh ở các thành phố hầu hết đều thắc mắc là căn cứ vào đâu mà họ định giá như vậy, và không chịu duyệt hồ sơ cho DN.
“Tôi thấy điều này rất phi lý. Đó là câu chuyện giữa DN với nhau, tại sao cơ quan Nhà nước lại can thiệp vào và yêu cầu họ phải đi đến cơ quan định giá có giấy phép của Nhà nước để chứng nhận giá trị này”, Thứ trưởng Đông băn khoăn. Cũng theo hướng tư duy đó, những quy định phi lý này khiến NĐT quan ngại nhiều nhất, vì họ rất quan tâm đến việc tiền của họ vào ra phải thuận lợi, không có quy trình nào phức tạp.
Nỗ lực nhưng không ôm đồm
Thứ trưởng Đặng Huy Đông khẳng định, sắp tới Bộ KH&ĐT sẽ cụ thể hoá và hoá giải những vướng mắc hiện nay trong vấn đề khởi nghiệp, thông qua các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Đầu tư, Luật DN… Cùng với Bộ KH&CN, đại diện các cộng đồng khởi nghiệp có hiểu biết để xây dựng nên “hệ sinh thái” khởi nghiệp của Việt Nam gần gũi với thế giới.
“Sắp tới đó sẽ là trách nhiệm của chúng tôi. Trước mắt, sau Nghị định sẽ có Thông tư hướng dẫn kêu gọi thu hút vốn thuận lợi nhất vào khởi nghiệp”, ông Đông nhấn mạnh.
Bộ trưởng Nguyễn Quân tại buổi gặp mặt chuyên gia trí thức kiều bào với chủ đề “Kết nối và đổi mới sáng tạo Việt Nam 2016” diễn ra gần đây cũng đã khẳng định: “Những vướng mắc, rườm rà về thủ tục hành chính, những trở ngại không đáng có trong công tác nghiên cứu, đào tạo và cả thương mại hóa sản phẩm của giới làm khoa học dứt khoát sẽ chấm dứt trong thời gian tới”.
Vấn đề khó hiện nay được xác định, theo ông Quân, là vai trò cấp vốn của Nhà nước cần thực hiện như thế nào, bởi “chúng ta chưa làm khởi nghiệp đúng nghĩa nên nói Nhà nước cần đổ vào bao nhiêu vốn thì khó”. Ông cũng cho rằng, trong giai đoạn đầu, Nhà nước nên có hỗ trợ nguồn lực tài chính, bởi nhiều người có ý tưởng, cần vốn nhưng không biết trông vào đâu. Cụ thể là, giai đoạn đầu Nhà nước có thể hỗ tợ tới 30% hoặc hơn, sau đó khi môi trường khởi nghiệp đã vận hành chuyên nghiệp thì rút dần hỗ trợ.
Tuy nhiên, ông Đỗ Hoài Nam lại chia sẻ một quan điểm khác, đó là nếu khởi nghiệp phải cần tiền của Nhà nước thì không phải khởi nghiệp tốt, mà tư nhân sẽ tự tìm và biết rằng đầu tư vào đâu có hiệu quả cao nhất. “Cái thúc đẩy tốt cho khởi nghiệp là khoa học công nghệ và hành lang pháp lý. Bên cạnh chính sách hợp lý thì Nhà nước có thể hỗ trợ để nghiên cứu, tạo ra giá trị thực tiễn về mặt khoa học, thay vì trực tiếp tạo ra sản phẩm”, ông Nam khuyến nghị.
Đại diện của Cục Quản lý đăng ký kinh doanh (Bộ KH&ĐT) cũng chia sẻ, giai đoạn 2016-2020 chúng ta ở trong bối cảnh đặc biệt có ý nghĩa đối với phong trào khởi nghiệp khi chuẩn bị thông qua Luật DNNVV. Tới năm 2018 luật được thông qua, vậy chúng ta có 2 năm để chuẩn bị. Vị này cho biết, luật sẽ hỗ trợ DN bám vào khung thống nhất với 5 nguồn lực DN cần nhất, đó là thông tin, tín dụng, đất đai, đào tạo, công nghệ.
Tuy nhiên, với những kinh nghiệm đã qua, theo các chuyên gia, hỗ trợ khởi nghiệp không nên quá ôm đồm, trong 5 năm chỉ cần làm vài chương trình thực sự hiệu quả là đủ.