Câu chuyện khởi nghiệp
Ước vọng một quốc gia khởi nghiệp | |
Điều gì đang cản trở khởi sự kinh doanh? | |
GrabTaxi và câu chuyện khởi nghiệp |
Sau 30 năm đổi mới, những thành quả “vang dội” về phát triển kinh tế của đất nước suốt nhiều thập kỷ, cụm từ “quốc gia khởi nghiệp” trong thời gian gần đây được nhắc đến như một kỳ vọng về làn sóng mới phát triển kinh doanh tại Việt Nam. Tuy nhiên, các ý tưởng làm giàu cho bản thân và đất nước ở thời điểm này vẫn đang đối mặt nhiều rào cản.
Mới manh nha bằng văn bản
Đầu tháng 2/2016, trong một cuộc tiếp xúc báo chí, ông Vương Đình Huệ, Trưởng ban Kinh tế Trung ương cho rằng, trong năm nay Việt Nam có nhiều điều kiện để có được làn sóng đầu tư mới.
Dẫn chứng về điều này, ông Huệ đánh giá cao hiệu ứng từ Luật DN và Luật Đầu tư mới. Các văn bản luật này thể hiện được các nguyên tắc hiện đại về quyền đầu tư - kinh doanh của người dân. Ngoài ra, các cam kết về minh bạch trong kinh doanh cũng đang dần đi vào thực tế, khi mà các hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới chính thức có hiệu lực...
Ông Huệ cũng cho rằng, hiện nay hệ sinh thái cho tinh thần khởi nghiệp đã khác trước rất nhiều, từ tư duy trong phát triển DN đến môi trường thể chế, chính sách. Vì vậy, điều kiện để rút ngắn khoảng cách từ những quy định trên văn bản đến thực thi tại các địa phương sẽ lớn hơn. Các DN khởi nghiệp sẽ có điều kiện tốt hơn, thuận lợi hơn để đầu tư phát triển.
Một số dự án khởi nghiệp của giới trẻ đã bắt đầu thu hút được vốn lớn từ các quỹ đầu tư quốc tế |
Tại buổi gặp mặt chuyên gia trí thức kiều bào vừa diễn ra ngày 17/2 tại TP. Hồ Chí Minh, Bộ trưởng Bộ Khoa học Công nghệ Nguyễn Quân cũng nêu một số văn bản trực tiếp liên quan đến lĩnh vực thu hút khối tư nhân đầu tư vào các dự án khởi nghiệp. Chẳng hạn như trong năm 2015, bộ đã ban hành các Thông tư về cơ chế khoán chi đến sản phẩm cuối cùng cho các sản phẩm khoa học; Thông tư hướng dẫn định mức xây dựng, phân bổ dự toán và quyết toán kinh phí đối với nhiệm vụ khoa học và công nghệ có sử dụng ngân sách…
Nhưng về cơ bản, ông Quân vẫn chỉ mới dừng lại ở mức tin tưởng rằng 2016 sẽ là năm bắt đầu công cuộc hiện thực hóa các ý tưởng kinh doanh trong nước. Vì thế, những cơ chế, chính sách hỗ trợ cho công cuộc khởi nghiệp của người dân cũng vẫn chỉ “đang được bộ ráo riết nghiên cứu xây dựng và chuẩn bị ban hành”. Điều này đồng nghĩa rằng, để những chính sách hỗ trợ DN khởi nghiệp đến được các dự án đầu tư của khối tư nhân thì các nhà đầu tư sẽ còn phải đợi một thời gian khá dài nữa.
Độ mở đang hẹp hơn khu vực
Theo phân tích của ông Hồ Quốc Tuấn, giảng viên Đại học Bristol (Vương quốc Anh), mặc dù thời gian gần đây một số công ty được định giá cao, chẳng hạn VNG được định giá 1 tỷ USD, MisFit được bán lại với giá 260 triệu USD... Thậm chí, Chính phủ cũng đã đặt vấn đề khởi nghiệp là một trong những chính sách lớn của quốc gia với sáng kiến thành lập vườn ươm Vietnam Silicon Valley vào năm 2013.
Tuy nhiên, theo ông Tuấn, xét về môi trường kinh doanh, Việt Nam còn khoảng cách rất xa so với Singapore, Thái Lan và Malaysia trên bảng xếp hạng môi trường kinh doanh: Việt Nam xếp hạng 90 trong Doing Business 2016 của World Bank, trong khi Singapore hạng 1, Malaysia hạng 18 và Thái Lan hạng 49. Philippines và Indonesia tuy xếp sau Việt Nam trong tổng xếp hạng nhưng họ có lợi thế hơn Việt Nam ở một số mặt như mức thời gian đóng thuế và thủ tục nộp thuế.
Ngoài ra, vấn đề chất lượng nguồn nhân lực cũng hạn chế lớn để Việt Nam cạnh tranh trong lĩnh vực khởi nghiệp. Bởi Việt Nam tuy có lợi thế về đào tạo những tài năng toán và tin học, nhưng những nhân tài trong số này bị thu hút sang nước ngoài rất lớn. Tài năng người Việt không chỉ bị thu hút sang những thị trường khởi nghiệp lớn như Mỹ, mà còn bị lôi kéo sang đối thủ láng giềng Singapore, Thái Lan.
Ở một khía cạnh khác, ông Tuấn cho rằng, khi phát triển mô hình kinh doanh khởi nghiệp sẽ gây ra xáo trộn, tranh cãi giữa mô hình kinh doanh cũ và kinh doanh mới. Thực tế này đòi hỏi Chính phủ phải đối mặt với việc cải tổ khung pháp lý để cải thiện chỉ số bảo vệ nhà đầu tư và giải quyết tranh chấp.
“Tuy nhiên, những vụ việc lùm xùm xung quanh câu chuyện kinh doanh của Uber thời gian qua cho thấy khả năng bảo vệ nhà đầu tư và giải quyết tranh chấp pháp lý tại Việt Nam còn thấp hơn cả Indonesia và Campuchia, chứ chưa nói tới Singapore hay Thái Lan”, ông Tuấn nói.
Cũng liên quan đến khả năng cạnh tranh của các DN khởi nghiệp, ông Đỗ Tuấn Anh, Giám đốc Công ty Appota cho rằng, hiện nay cách tính thuế của Việt Nam khiến cho các DN nội địa phải chịu thiệt. Chẳng hạn, trong lĩnh vực quảng cáo nếu DN muốn quảng bá sản phẩm thông qua các công cụ của Facebook và Google thì phải chịu hai lần thuế vì vừa phải nộp thuế của chính mình vừa phải nộp thuế nhà thầu cho các đơn vị mạng xã hội nói trên do họ không có văn phòng tại Việt Nam.
Theo ông Tuấn Anh, hiện nay để tạo điều kiện cho làn sóng đầu tư vào khởi nghiệp phát triển mạnh, Chính phủ cần nhanh chóng tạo cơ chế tự chứng nhận. Theo đó các DN khởi nghiệp được phép tự chứng nhận mình đã tuân thủ các quy định liên quan đến lao động, môi trường để không phải chịu áp lực thanh tra trong 3 năm đầu.
Ngoài ra, các thủ tục đăng ký bản quyền cần được tiến hành nhanh chóng, các quy trình giải thể, phá sản cũng phải được đơn giản hóa để thừa nhận tính chất dễ dàng thất bại của DN khởi nghiệp, tạo điều kiện cho họ bắt đầu với một dự án mới.
Thúc đẩy phát triển quỹ đầu tư mạo hiểm Đầu tháng 2/2016, Chính phủ đã yêu cầu các bộ, ngành liên quan xây dựng chính sách khuyến khích thành lập quỹ đầu tư mạo hiểm để phát triển công nghệ mới, công nghệ cao. Theo đó, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Khoa học Công nghệ chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành khác rà soát, đánh giá việc thành lập và hoạt động của các quỹ đầu tư chứng khoán trong lĩnh vực phát triển công nghệ mới, công nghệ cao. Theo chỉ đạo này, Bộ Khoa học Công nghệ sẽ phải đề xuất xây dựng chính sách khuyến khích thành lập quỹ đầu tư phát triển công nghệ mới, công nghệ cao, trình Thủ tướng ngay trong tháng 3/2016. |