Áp lực dồn dập lên tăng trưởng
Nền kinh tế khởi động chậm chạp | |
Khi tăng trưởng lại “nhờ” nông nghiệp | |
Tăng trưởng thấp hơn, song nền tảng tốt hơn |
Ông Hà Quang Tuyến |
Ông Hà Quang Tuyến, Vụ trưởng Vụ Hệ thống tài khoản quốc gia:
Nhiều diễn biến kinh tế phản ánh tác động từ chính sách
Thời gian qua, Nhà nước đã có nhiều điều chỉnh chính sách nhằm thúc đẩy kinh tế phát triển ổn định và kiểm soát lạm phát. Diễn biến của nền kinh tế những năm qua đã phản ánh tác động ảnh hưởng của những điều chỉnh chính sách đó.
Thứ nhất, cùng với chính sách phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn, đã thu hút lượng khách quốc tế đến Việt Nam tăng nhanh, năm 2016 là năm đầu tiên đạt 10 triệu lượt khách, quý I/2017 tăng 29% so với cùng kỳ năm 2016.
Phát triển du lịch lan tỏa nhiều đến tăng trưởng của các ngành thương mại bán lẻ, khách sạn - nhà hàng, vận tải, tín dụng thẻ, hoạt động vui chơi giải trí… góp phần không nhỏ vào phát triển khu vực dịch vụ. Cần lưu ý rằng trong quý I vừa qua, khu vực dịch vụ đã đóng góp lớn nhất vào tăng trưởng kinh tế (chiếm tỷ trọng 51,9%) với mức tăng 6,52% so với cùng kỳ 2016, cao nhất từ năm 2012 - 2016.
Tăng trưởng kinh tế quý I/2017 đã chững lại |
Thứ hai, Việt Nam đang đẩy mạnh tái cơ cấu nền kinh tế, trong đó có chuyển đổi mô hình tăng trưởng chủ yếu dựa vào khai thác tài nguyên thiên nhiên của những năm trước đây sang các ngành sản xuất kinh doanh không phải khai thác tài nguyên. Năm 2016 và quý I/2017, sản lượng dầu thô, khí tự nhiên và than khai thác đạt thấp làm ngành khai khoáng tăng trưởng âm. Song đây là xu thế tất yếu để phát triển kinh tế bền vững trong giai đoạn tới.
Thứ ba, Luật DN mới, xây dựng và hoàn thiện thể chế được quan tâm và đẩy mạnh, đặc biệt liên quan đến đầu tư và DN, đồng thời việc thực hiện quyết liệt và đồng bộ các Nghị quyết số 19, 35 năm 2016 của Chính phủ đã tạo môi trường kinh doanh thông thoáng, tạo động lực và khuyến khích khu vực DN phát triển. Năm 2016, số DN thành lập mới đạt 110.000 DN, là năm có số lượng DN thành lập mới cao nhất từ trước đến nay. Đây là động lực để phát triển kinh tế trong thời gian tới.
Thứ tư, điều chỉnh thuế nhập khẩu một số mặt hàng từ khối ASEAN dẫn đến tăng nhập khẩu nhiều hàng tiêu dùng, nhất là ô tô từ các nước trong khu vực, tác động đến sản xuất trong nước, đến thu ngân sách…
Ông Phạm Đình Thuý |
Ông Phạm Đình Thuý, Vụ trưởng Vụ Thống kê công nghiệp:
Sức cạnh tranh DN Việt còn hạn chế
Quý đầu năm nay, DN thành lập mới tăng 11,4% về số lượng và tăng 45,8% về số vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2016. Như vậy nhìn vào con số là có tăng trưởng, song tốc độ tăng trưởng DN thành lập mới thấp hơn năm trước, đã làm ảnh hưởng tới tốc độ tăng trưởng kinh tế chung.
Bên cạnh đó, nhìn chung hàng năm tốc độ tăng trưởng DN thành lập mới cũng như DN đi vào hoạt động đều tăng, nhưng tốc độ tăng có sự hạn chế, trong khi quy mô chủ yếu vẫn là nhỏ và vừa. Hiện nay số lượng DN nhỏ, vừa và siêu nhỏ chiếm tới 95%, cho nên tuy tăng về số lượng nhưng quy mô lao động, vốn, cũng như giá trị tăng thêm của DN lại giảm dần.
Có dấu hiệu vui là khối FDI tăng nhanh về số lượng và số vốn đầu tư. Khối này hoạt động hiệu quả hơn DN trong nước nhờ quy mô lớn, sản xuất kinh doanh ổn định, xuất khẩu tăng nhanh. Mặc dù khu vực FDI mang lại hiệu quả tăng trưởng kinh tế nhưng chất lượng không cao ở các khía cạnh hàm lượng sản phẩm của họ có giá trị gia tăng thấp, chủ yếu là gia công lắp ráp mà nguyên vật liệu cũng chủ yếu nhập khẩu, tỷ lệ sử dụng hàng trong nước thấp...
Hiện nay trong cơ cấu xuất khẩu của nền kinh tế thì DN FDI chiếm tới trên dưới 70%, cho thấy các DN Việt Nam nói chung là xuất khẩu hàng hoá có hàm lượng giá trị thấp và chủ yếu cạnh tranh thấp trên thị trường Việt Nam.
Nhìn vào tình hình phát triển DN như vậy, có thể thấy quý I năm nay một trong những lý do khiến kinh tế Việt Nam tăng trưởng thấp là do tính cạnh tranh của DN Việt Nam trong thị trường tiêu thụ hàng hoá nội địa trên chính sân nhà còn bị lép vế. Các sản phẩm của DN Việt Nam hầu như có mẫu mã, chất lượng thấp, ít sản phẩm có thương hiệu toàn cầu, do đó hiện nay trên thị trường Việt Nam, tỷ lệ sản phẩm nước ngoài tràn vào khá lớn, đặc biệt là sản phẩm từ Trung Quốc, Thái Lan, Malaysia…
Bà Vũ Thị Thu Thuỷ |
Bà Vũ Thị Thu Thuỷ, Vụ trưởng Vụ Thống kê giá:
Điều hành giá chịu áp lực lớn
Quý I/2017, các cân đối vĩ mô của nền kinh tế vẫn ổn định, trong đó có cân đối cung - cầu. Nguyên nhân sâu xa ảnh hưởng đến lạm phát là đầu tư không hiệu quả, điều chỉnh chính sách giá, yếu tố thị trường, tâm lý tiêu dùng… khiến lạm phát có chiều hướng tăng cao trở lại.
Lạm phát tăng trong ngưỡng cho phép (đối với Việt Nam khoảng 5 -7%) sẽ kích thích nhà sản xuất sản xuất nhiều hơn, lợi nhuận thu được tăng lên, dẫn đến sản xuất kinh doanh tăng, GDP tăng. Tuy nhiên lạm phát tăng sẽ ảnh hưởng đến chi tiêu của hộ dân cư, họ sẽ phải chi tiêu nhiều hơn cho cùng một lượng hàng hóa nhất định. Lạm phát là một loại thuế vô hình đánh vào người dân. Trong bối cảnh nền kinh tế các quý cuối năm tiềm ẩn nhiều rủi ro thì việc kiểm soát lạm phát vẫn cần được hết sức quan tâm.
Năm 2016, Chính phủ chỉ đạo thực hiện điều chỉnh giá một số mặt hàng Nhà nước quản lý tiệm cận giá thị trường thì sức ép với việc tăng giá là rất lớn. Đặc biệt liên quan đến giá dịch vụ y tế, cần theo dõi và đưa ra các lộ trình điều chỉnh giá với mốc thời gian và mức điều chỉnh cụ thể như thế nào. Năm 2016, nhờ các chính sách phối hợp trong điều chỉnh giá nên lạm phát đã được kiểm soát theo đúng mục tiêu đề ra.
Tuy nhiên trong năm 2016, chúng ta mới điều chỉnh giá dịch vụ y tế tại 36 tỉnh, thành, chưa kể còn các đối tượng không có bảo hiểm cũng phải tiếp tục điều chỉnh. Như vậy, các tỉnh thành và đối tượng còn lại chưa được điều chỉnh giá dịch vụ y tế sẽ dồn lại sức ép chính sách vào thời gian tiếp theo của năm 2017.
Với mục tiêu kiểm soát lạm phát không quá 4%, sẽ là áp lực lớn với Chính phủ trong điều hành giá, đặc biệt trong bối cảnh giá các mặt hàng thiết yếu khác như xăng dầu, điện… cũng có biến động và ảnh hưởng nhất định.
Ông Nguyễn Bích Lâm |
Ông Nguyễn Bích Lâm, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê:
Cần thực hiện đồng bộ, hiệu quả các giải pháp
Năm 2017 có ý nghĩa rất quan trọng, là năm then chốt trong việc thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016-2020, song cũng là năm nền kinh tế đối diện nhiều khó khăn, thách thức. Trong nước, chất lượng tăng trưởng và năng suất lao động còn thấp; các cân đối lớn của nền kinh tế chưa thật sự vững chắc; lạm phát vẫn tiềm ẩn nguy cơ tăng cao; tình hình thời tiết hạn hán, xâm nhập mặn còn diễn biến phức tạp… Với bối cảnh quốc tế, thị trường tài chính quốc tế còn nhiều biến động khó lường, đặc biệt là trước lộ trình tăng lãi suất của Fed.
Trong khi đó độ mở của nền kinh tế Việt Nam tiếp tục có xu hướng năm sau cao hơn năm trước và sẽ còn tăng mạnh trong các năm tới khi các FTA có hiệu lực, trong khi xuất nhập khẩu của DN trong nước còn yếu, dẫn đến nhập siêu và gây ra sức ép vào cung cầu ngoại tệ và tỷ giá. Trong bối cảnh chung như vậy, để thực hiện tốt các mục tiêu, chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội 2017, thời gian tới các cấp, các ngành và địa phương cần tiếp tục thực hiện đồng bộ, hiệu quả các giải pháp đã đề ra trong Nghị quyết số 01 của Chính phủ.
Trước hết, tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khoá và các chính sách kinh tế vĩ mô khác nhằm kiểm soát lạm phát, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô và hỗ trợ tăng trưởng kinh tế. Hai là, thực hiện nghiêm Luật Ngân sách Nhà nước và kỷ luật tài khoá, nuôi dưỡng nguồn thu ngân sách Nhà nước, đảm bảo thu đúng, thu đủ, thu kịp thời; tăng cường các biện pháp chống thất thu, nợ đọng thuế và gian lận thương mại… Tính toán và thực hiện lộ trình điều chỉnh giá các hàng hoá, dịch vụ do Nhà nước quản lý vào thời điểm hợp lý trong năm để đảm bảo mục tiêu kiểm soát lạm phát năm 2017.
Ba là, Chính phủ cần có giải pháp phù hợp để huy động nguồn vốn đầu tư công cho xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ. Bốn là, đẩy mạnh cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng thúc đẩy chuyển giao, ứng dụng khoa học công nghệ và các quy trình tiên tiến vào sản xuất, hướng tới nền nông nghiệp sạch, thân thiện với môi trường. Năm là, có chính sách thúc đẩy nhu cầu trong nước, tăng khả năng cạnh tranh của hàng trong nước với hàng nhập khẩu…
Tăng trưởng kinh tế quý I/2017 đã chững lại, chỉ đạt 5,1% trong khi quý I/2016 là 5,48% và quý I/2015 là 6,12%. Nguyên nhân là nhiều yếu tố cản trở đến dồn dập, như công nghiệp chế biến, chế tạo đạt thấp; sản xuất nông nghiệp vẫn bị ảnh hưởng bởi xâm nhập mặn; tiến độ giải ngân vốn đầu tư còn chậm… Theo nhận định của các chuyên gia từ Tổng cục Thống kê, những khó khăn này sẽ còn tiếp diễn, chưa kể nhiều áp lực khác sẽ ảnh hưởng tới tăng trưởng trong các quý tiếp theo. |