Nền kinh tế khởi động chậm chạp
Tăng trưởng thấp hơn, song nền tảng tốt hơn | |
Cú hích tăng trưởng kinh tế miền Trung | |
Lường đón rủi ro cho tăng trưởng |
Các chỉ số kinh tế vĩ mô quý I/2017 vừa được Tổng cục Thống kê công bố sáng 29/3 cho thấy, nền kinh tế đang đối diện nhiều khó khăn, thách thức hơn so với cùng kỳ các năm trước. Đồng thời, sự khởi động chậm chạp của quý I năm nay sẽ khiến xu hướng tăng trưởng kinh tế chững lại từ năm 2016 tiếp tục kéo dài, đe doạ các mục tiêu của kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 2016-2020.
Nhiều ngành chủ lực giảm tốc
Tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý I/2017 ước tính tăng 5,1% và chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng 4,96% so cùng kỳ năm trước, theo Tổng cục Thống kê. Tăng trưởng quý I năm nay cao hơn mức tăng của quý I các năm 2012-2014, nhưng thấp hơn so với mức tăng 6,12% của cùng kỳ năm 2015 và 5,48% của cùng kỳ năm 2016.
Trong khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản, ngành nông nghiệp đã cho thấy dấu hiệu khả quan với mức tăng 1,38% so với cùng kỳ năm trước (quý I/2016 ngành này giảm sâu 2,69%), góp phần đưa toàn bộ khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 2,03%, đóng góp 0,24 điểm % vào tăng trưởng GDP.
Ảnh minh họa |
Trong khu vực công nghiệp và xây dựng, ngành công nghiệp chỉ tăng 3,85% so với cùng kỳ năm trước, thấp nhất kể từ năm 2011 trở lại đây, thấp hơn cả 2 năm 2013-2014 khi nền kinh tế gặp nhiều khó khăn. Trong đó ngành khai khoáng sụt giảm mạnh tới 10%, là mức giảm lớn nhất trong giai đoạn vừa qua, làm giảm 0,76 điểm % mức tăng trưởng chung.
Ông Nguyễn Bích Lâm, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê cho biết, nếu so với bối cảnh của cùng kỳ năm 2016, có thể thấy mặc dù khu vực nông nghiệp có cải thiện và thúc đẩy tăng trưởng quý đầu năm nay, song ngành khai khoáng giảm sâu, trong khi ngành công nghiệp chế biến chế tạo, ngành xây dựng đều có mức tăng trưởng thấp hơn. Đó là lý do tại sao tăng trưởng quý I/2017 thấp hơn so với quý I/2016.
Khó bứt phá
Phân tích sâu hơn vào các nguyên nhân khiến tăng trưởng kinh tế quý I chậm chạp hơn hẳn so với dự báo, ông Hà Quang Tuyến, Vụ trưởng Vụ Hệ thống tài khoản quốc gia cho biết, trước hết, tình hình khô hạn, xâm nhập mặn năm 2016 tiếp tục ảnh hưởng tới kết quả trồng trọt quý I/2017 ở Đồng bằng Sông Cửu Long, khiến diện tích trồng trọt quý I giảm khoảng 73.000 ha. Như vậy, mặc dù năng suất trong ngành này có tăng lên một chút song do sản lượng giảm sâu dẫn đến kết quả ngành nông nghiệp chưa thể hoàn toàn phục hồi.
Nguyên nhân thứ 2 là ngành công nghiệp tăng trưởng thấp và giảm so với quý I/2016, chủ yếu tập trung ở công nghiệp chế biến chế tạo. Quý I/2017 ngành này tăng trưởng 8,3% trong khi cùng kỳ năm ngoái tăng 8,9%. “Chế biến thực phẩm năm nay tăng thấp hơn năm 2016, có thể do điều chỉnh mùa vụ.
Cuối cùng, việc Chính phủ tiếp tục thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng đã khiến tăng trưởng không còn phụ thuộc vào khai thác tài nguyên. Vì vậy trong quý vừa qua, sản lượng của tất cả các ngành khai khoáng dầu thô, khí, than… đều thấp hơn so với cùng kỳ năm 2016, dẫn đến toàn ngành khai khoáng sụt giảm tới 10%.
Bên cạnh đó, bối cảnh quốc tế tuy có khởi sắc song cũng không hoàn toàn thuận lợi. Ông Tuyến dẫn chứng, cơ quan này đã tiến hành khảo sát 20 nền kinh tế phát triển và đang phát triển trên thế giới. Trong số này, có 11 nước có mức tăng trưởng quý I so với cùng kỳ là cao hơn dự báo, nhưng vẫn có tới 9 nước tăng trưởng thấp hơn dự báo, bao gồm cả Trung Quốc, Indonesia, Ấn Độ... Điều đó cho thấy quý I/2017, tăng trưởng của Việt Nam vẫn nằm trong xu thế của thế giới, trong điều kiện kinh tế thế giới có chuyển biến tích cực nhưng không đồng đều và đối diện nhiều khó khăn, thách thức.
Với tốc độ khởi động thấp của quý I, Tổng cục Thống kê lo ngại kế hoạch tăng trưởng cả năm sẽ khó đạt nếu nền kinh tế không có sự bứt phá trong các quý còn lại. Hệ quả là các cân đối lớn sẽ gặp khó khăn trong các năm sau.
Tuy nhiên, sự tăng tốc trong các quý tới cũng sẽ rất chật vật. Ông Nguyễn Bích Lâm phân tích, để đạt mức tăng trưởng 6,7% theo kế hoạch, GDP phải tăng 7% trong ba quí còn lại. “Đây là mức tăng khó khăn vì Chính phủ sẽ còn điều chỉnh một số giá dịch vụ cơ bản như giá điện, sẽ làm tăng chi phí sản xuất. Bên cạnh đó, tỷ giá cũng sẽ gặp nhiều sức ép do Mỹ sẽ còn điều chỉnh tỷ giá USD”, ông Lâm nói.