Bài học đắt giá vì phát triển “nóng”
Đứng đầu thế giới vẫn lận đận | |
Khi thờ ơ với cảnh báo |
Sản lượng giảm mạnh
Hiện nay, tại địa phương có diện tích trồng hồ tiêu lớn như Gia Lai, Đăk Lăk và Đăk Nông… hầu hết các vườn tiêu đều không được tươi tốt như những năm trước. Nhiều vườn cây dù được chăm sóc bình thường, song cây lại úa vàng, rụng lá, đậu quả không đạt yêu cầu. Theo nhiều người có kinh nghiệm, hiện tượng này là do biến đổi khí hậu, thời tiết thất thường, tác động trực tiếp đến sự sinh trưởng của cây tiêu.
Hồ tiêu chết hàng loạt dẫn đến sụt giảm sản lượng |
Thậm chí, nhiều vườn tiêu tại Tây Nguyên rơi vào tình trạng nhiễm bệnh và lây lan trên diện rộng. Đơn cử, chỉ tính riêng huyện Chư Sê (Gia Lai) được mệnh danh “thủ phủ” hồ tiêu của cả nước với diện tích khoảng 3.000ha, sản lượng thu hoạch hàng năm trên 8.000 tấn hồ tiêu. Song những niên vụ gần đây, diện tích trồng thì liên tục tăng lên, nhưng sản lượng thu hoạch lại không bằng những năm trước. Nguyên nhân cũng được xác định là do thời tiết không thuận lợi và dịch bệnh.
Theo Phòng Nông nghiệp và Phát triển huyện Chư Sê, 2 niên vụ gần đây, năng suất tiêu bình quân chỉ đạt khoảng 3,5 - 4 tấn/ha, giảm hơn 30% so với trước đó.
Theo các chuyên gia, nhiều năm nay, giá loại nông sản này ổn định ở mức cao trong thời gian dài, nhiều nhà vườn trở thành những tỷ phú, triệu phú. Sức hấp dẫn của cây tiêu đã khiến nhiều người dân trên địa bàn Tây Nguyên đua nhau trồng, bất chấp những rủi ro đang rình rập. Bởi nhu cầu trồng tiêu trong cùng một thời điểm quá lớn, nên dẫn đến việc khan hiếm cây giống.
Nhiều nông hộ sử dụng nguồn cây giống trôi nổi, mang nhiều mầm bệnh. Cùng đó, là việc sử dụng phân bón, vật tư nông nghiệp không đảm bảo chất lượng; trồng và chăm sóc theo kiểu tự phát. Chính những yếu tố này, khiến nhiều nông hộ trắng tay chỉ trong một thời gian ngắn.
Nhìn vườn tiêu cả ngàn trụ trong tình trạng khô dây, xơ xác, anh C. một nông dân có thâm niên trồng tiêu 20 năm ở xã Ia Le (huyện Chư Sê) buồn rầu chia sẻ, chưa bao giờ tiêu chết thảm hại như năm nay. Hơn 400 trụ tiêu giờ phủ một màu úa vàng u ám. Anh C. xót xa: “Hết cách rồi, chỉ mất công, tốn của mà không hiệu quả…”.
Bài học đắt giá
Cùng cảnh ngộ, ông Tống Văn Tuấn cũng ở xã Ia Le cũng bất lực nhìn vườn tiêu cả 1.000 trụ đang bị bệnh chết gần hết. Ông Tuấn cho hay, không chỉ riêng vườn nhà ông bị nhiễm bệnh, mà gần như tất cả các rẫy tiêu trong xã đều ít nhiều bị như vậy, thậm chí có rẫy chết hoàn toàn. Nhiều hộ trồng tiêu đang rất hoang mang, vì chưa tìm ra phương pháp chữa trị cho cây.
Chưa hết, nhiều hộ dân trên địa bàn huyện Chư Pưh (Gia Lai) - một trong những địa phương chia tách ra từ huyện Chư Sê trước đây - cũng rơi vào tình trạng tương tự. Theo thống kê của Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Chư Pưh, đến nay, tổng diện tích hồ tiêu của các hộ nông dân trên toàn địa bàn vào khoảng 3.000ha. Từ năm 2013 đến nay, diện tích hồ tiêu do bệnh chết nhanh, chết chậm, già cỗi và bị hạn không thể phục hồi đã trên 312ha.
Theo đại diện Hiệp hội Hồ tiêu Chư Sê, 2 niên vụ gần đây được xem là mất mùa nhất trong vòng 20 năm trở lại đây đối với người trồng tiêu ở Gia Lai cũng như toàn vùng Tây Nguyên. Đây cũng là nguyên nhân chính đẩy giá tiêu khô tăng ngất ngưởng trong thời gian vừa qua. Bên cạnh yếu tố thời tiết tiêu cực, nguyên nhân quan trọng dẫn đến tình trạng sụt giảm năng suất và sản lượng là do nhiều diện tích tiêu hiện đã già cỗi, kỹ thuật canh tác còn lạc hậu…
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Gia Lai, diện tích trồng hồ tiêu trên toàn địa bàn hiện có trên 13.104ha hồ tiêu, trong đó có 10.065 ha tiêu trong giai đoạn kinh doanh; năng suất khoảng 39,4 tạ/ha, tổng sản lượng gần 40.000 tấn tiêu khô/niên vụ. Nhưng hiện năng suất hồ tiêu đã giảm khoảng 30% so với niên vụ trước.
Các chuyên gia cho rằng, tiêu là loại cây trồng đem lại lợi nhuận kinh tế cao, song đi kèm là rủi ro lớn, bởi loại cây khá “đỏng đảnh”, nhạy cảm với diễn biến thời tiết và dịch bệnh.
Chỉ tính tại Gia Lai trong 2 năm gần đây, các nông hộ trồng mới trên 1.000ha tiêu, đưa tổng diện tích tiêu của địa phương này lên trên 13.104ha, vượt gấp nhiều lần so với 6.000ha theo quy hoạch định hướng phát triển cây tiêu của tỉnh Gia Lai đến năm 2020.
Chính bất chấp sự khuyến cáo của chính quyền địa phương và các cơ quan chuyên môn, dẫn đến diện tích hồ tiêu trên địa bàn lâm vào tình trạng bị phá vỡ quy hoạch, bệnh dịch lây lan trên diện rộng, ảnh hưởng lớn đến đời sống của người trồng tiêu. Đây là một trong những bài học đắt giá!