Đứng đầu thế giới vẫn lận đận
Khi thờ ơ với cảnh báo | |
Cần hướng tới sản xuất sạch |
Theo bà Nguyễn Mai Oanh, Tổng Thư ký Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam (VPA), từ việc nắm thông tin về tình hình sản xuất, thương mại, tiêu thụ hồ tiêu toàn cầu, VPA đã có dự báo khá chính xác về thực trạng sản xuất và xuất khẩu hồ tiêu Việt Nam năm 2017.
Theo đó, năm 2017 sẽ là năm ngành hồ tiêu gặp nhiều khó khăn hơn năm 2016 trở về trước. Nguyên nhân không mới nhưng thực tế không tránh được, thứ nhất chất lượng hạt tiêu xuất khẩu là yếu tố quan trọng hàng đầu tác động lớn đến thương mại hồ tiêu của năm 2017.
Thứ hai là nhu cầu thị trường không tăng nhiều nhưng nguồn cung lại tăng cao do việc tăng diện tích trồng cây tiêu vượt quy hoạch của nhà nông dẫn đến khó kiểm soát chất lượng. Trong khi thị trường nhập khẩu kiểm soát chặt chẽ an toàn vệ sinh thực phẩm đối với hồ tiêu Việt Nam.
Ảnh minh họa |
Khó từ nội tại
Ông Võ Văn Ẩn, nhà nông tại xã Minh Hưng, huyện Chơn Thành, tỉnh Bình Phước cho biết, vườn tiêu nhà ông rộng 2,5 ha, trồng được 3.000 trụ tiêu đang vào độ thu hoạch. Nếu tính toán đầu tư nước tưới, phân bón, nhân công chăm sóc và hái tiêu cả vườn khoảng 300 triệu đồng.
Nếu giá tiêu ổn định như năm trước (2016) là 160.000 đồng - 170.000 đồng/kg (loại 1) thì sau thu hoạch ông lãi được từ 400 triệu - 450 triệu đồng. Tuy nhiên, giá thu mua tiêu của thương lái tại nhà từ đầu năm 2017 đã giảm đến 70.000 đồng/kg (chỉ còn 100.000 đồng - 110.000 đồng/kg) thì ông chỉ thu đủ chi chứ không lãi.
Để tránh thiệt hại, ông Võ Văn Ẩn chọn cách giữ tiêu lại, không bán khi rộ vụ mà chờ giá mới. Tuy nhiên, đây không phải giải pháp mà người trồng tiêu nào cũng chịu được, bởi nhiều hộ nông dân trồng tiêu vay vốn ngân hàng để đầu tư, găm tiêu hạt lại thì không chịu được lãi suất từ vốn vay ngân hàng, nhiều hộ đành bán tiêu giá thấp, chịu lỗ vốn để giảm nợ.
Bà Nguyễn Mai Oanh cho biết, giá bán tiêu hạt hiện nay đang là thấp nhất trong vòng 5 năm trở lại đây. Nhưng việc này không bất ngờ vì những thông tin sản xuất, thương mại hồ tiêu thị trường thế giới và Việt Nam thời gian tới cho thấy giá tiêu sẽ còn giữ ở mức giảm khoảng 50.000 đồng/kg (so với lúc giá tiêu cao đạt đỉnh là 180.000 đồng – 200.000 đồng/ 2015, 2016). Nguyên nhân là do nguồn cung tiêu trong nước tăng trong khi nhu cầu không tăng tương ứng.
Hiện nay, việc tăng diện tích trồng tiêu tự phát của nhà nông tại các tỉnh Tây Nguyên và Đông Nam bộ đã vượt quy hoạch diện tích tiêu cả nước đến năm 2020. Cụ thể, cả nước hiện có hơn 100 ha đất trồng tiêu, cao gấp đôi so với quy hoạch đến năm 2020.
Đó là chưa kể số diện tích tăng tự phát chưa thống kê chính thức (ước tính trên 50 ha). Diện tích tăng, sản lượng hồ tiêu thu hoạch niên vụ 2017 – 2018 ước khoảng 180.000 tấn tăng 15% so với niên vụ trước. Trên thị trường, cung đang vượt cầu tất yếu giá bán sẽ giảm.
Tạo vị thế cho hồ tiêu
Theo Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam, nhu cầu tiêu dùng hồ tiêu trên thế giới vẫn tăng, nhưng phần lớn thị trường không chấp nhận mua hạt tiêu không đạt yêu cầu chất lượng. Trong đó, tập trung nhất là vấn đề tồn dư thuốc bảo vệ thực vật.
Vì vậy chất lượng hạt tiêu xuất khẩu là yếu tố quan trọng nhất tác động đến thương mại hồ tiêu Việt Nam. Vấn đề cụ thể mà ngành hồ tiêu đang đối mặt là các thị trường lớn của hạt tiêu Việt Nam như Hoa Kỳ, châu Âu đã thay đổi tiêu chuẩn tồn dư thuốc bảo vệ thực vật trên hạt tiêu nhập khẩu xuống rất thấp.
Nếu các thị trường lớn áp dụng tiêu chuẩn mới sẽ có đến gần 80% hạt tiêu Việt Nam không có cơ hội vào được thị trường châu Âu, là nơi tiêu thụ 40.000 tấn/năm, chiếm 23% tổng lượng hồ tiêu xuất khẩu của Việt Nam mỗi năm. Đây là việc mà ngành hồ tiêu phải tính toán lại, có sự phối hợp đồng đều giữa nhà nông, nhà khoa học, DN thương mại để nâng chất lượng hạt tiêu, đáp ứng tốt nhu cầu thị trường xuất khẩu, xứng tầm là quốc gia xuất khẩu hồ tiêu lớn thứ hai thế giới.
Về phía Nhà nước, từ năm 2014 Chính phủ Việt Nam (đại diện là Bộ Nông Nghiệp và Phát triển nông thôn) và Chính phủ Ấn Độ đã thảo luận, nghiên cứu xây dựng cơ chế hợp tác hỗ trợ kỹ thuật thành lập Sàn giao dịch hồ tiêu, để hai nước sản xuất hồ tiêu lớn nhất thế giới có thể phối hợp điều tiết thị trường hạt tiêu thế giới.
Mới đây nhất, ngày 29/3/2017 Bộ Công Thương đã có Quyết định 1071/QĐ-BCT về việc bổ sung mặt hàng hạt tiêu vào danh mục hàng hóa được tham gia giao dịch tại Sở Giao dịch hàng hóa Việt Nam, đưa ngành hồ tiêu đến chuyên nghiệp hơn trong thương mại toàn cầu.
Hiện nay, hồ tiêu Việt Nam chiếm khoảng 60% tổng khối lượng giao dịch trên toàn cầu do đó, giá hồ tiêu Việt Nam luôn có ảnh hưởng lớn đến giá hồ tiêu thế giới, nên việc đưa mặt hàng hồ tiêu giao dịch qua Sàn giao dịch hàng hóa Việt Nam qua đó sẽ liên thông với các sàn giao dịch hàng hóa thế giới giúp minh bạch thông tin, giảm rủi ro trong mua bán. Đặc biệt hạn chế tối đa việc được mùa mất giá giống nhiều mặt hàng nông sản khác của Việt Nam.