Bài toán cân đối ngân sách Nhà nước chưa vững chắc
“Các năm gần đây, năm nào các địa phương cũng đủng đỉnh vượt dự toán thu ngân sách sớm; còn ngân sách Trung ương thì “vắt chân lên cổ”, đến phút thứ 90 mới có thể nói là bảo đảm thu ngân sách Trung ương. Đây là vấn đề cần được bàn, được thảo luận để thực hiện đúng tinh thần ngân sách Trung ương là chủ đạo của ngân sách Nhà nước”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại Hội nghị tổng kết công tác tài chính – ngân sách Nhà nước (NSNN) năm 2017, triển khai nhiệm vụ tài chính – ngân sách Nhà nước năm 2018 của Bộ Tài chính ngày 8/1/2018.
Thu NSNN từ khu vực DNNN chỉ đạt 87,9% dự toán |
Đánh giá cao nỗ lực, những thành tích của ngành tài chính đã đạt được, tuy nhiên, Thủ tướng cho rằng, trách nhiệm của ngành rất nặng nề, còn tồn tại nhiều bất cập, hạn chế cần khắc phục.
Năm 2017 những tưởng như ngân sách lại hụt thu bởi sản xuất kinh doanh vẫn rất nhiều khó khăn lại thêm thiên tai dịch bệnh. Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, Tổng thu NSNN từ đầu năm đến thời điểm 15/12/2017 ước đạt 91,1% dự toán năm. Nhưng rốt cuộc, đến hết 31/12/2017, thu cân đối NSNN ước đạt 1.283,2 nghìn tỷ đồng, vượt 71 nghìn tỷ đồng (+5,9%) so dự toán.
Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Xuân Hà cho biết, Bộ Tài chính đã chỉ đạo cơ quan Thuế, Hải quan tập trung tổ chức thực hiện tốt các luật thuế và nhiệm vụ thu NSNN năm 2017 ngay từ ngày đầu, tháng đầu; chủ động phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, cấp uỷ và chính quyền địa phương, động viên và tranh thủ sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự ủng hộ của cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân để làm tốt công tác chỉ đạo, điều hành thu NSNN ngay từ đầu năm. Đồng thời triển khai đồng bộ các giải pháp quản lý chặt chẽ các khoản thu, nhất là thu qua hình thức khoán; khai thác nguồn thu, mở rộng cơ sở thuế (kể cả đối tượng và căn cứ tính thuế); đẩy mạnh chống thất thu, chuyển giá, buôn lậu, gian lận thương mại, trốn thuế; quyết liệt xử lý thu hồi nợ đọng thuế...
Tuy tổng thu vượt dự toán nhưng vượt là từ ngân sách địa phương mà chủ yếu là vượt thu tiền sử dụng đất ở các địa phương. Còn một số khoản thu trực tiếp từ hoạt động sản xuất - kinh doanh đã không đạt dự toán và thấp hơn mức báo cáo Quốc hội, như: Thu từ khu vực doanh nghiệp Nhà nước đạt 87,9% dự toán; thu từ khu vực doanh nghiệp FDI đạt 85,1% dự toán; thu từ khu vực kinh tế ngoài quốc doanh đạt 93,1% dự toán, thu thuế thu nhập cá nhân đạt 97,3% dự toán. Và “vẫn còn một số địa phương giảm thu cân đối ngân sách địa phương”, Thứ trưởng Hà cho biết.
Về chi NSNN, Thứ trưởng Hà báo cáo, ngay từ đầu năm, Bộ Tài chính đã ban hành văn bản hướng dẫn các Bộ, cơ quan Trung ương và địa phương thực hiện dự toán chi NSNN năm 2017 chặt chẽ, tiết kiệm, đúng chính sách, chế độ và dự toán được giao, cắt giảm tối đa chi tổ chức hội nghị, hội thảo, khánh tiết, kinh phí đi nghiên cứu, khảo sát nước ngoài, hạn chế mua sắm ô tô công và trang thiết bị đắt tiền, thí điểm việc khoán xe ô tô công...
Tính đến 31/12/2017, các nhiệm vụ chi thường xuyên đã cơ bản thực hiện xong theo dự toán, đáp ứng kịp thời, đầy đủ nhiệm vụ chuyên môn của cơ quan, đơn vị sử dụng ngân sách, bội chi NSNN năm 2017 được giữ trong mức đánh giá báo cáo Quốc hội (174,3 nghìn tỷ đồng, bằng 3,48% GDP thực hiện).
Sau nghi nghe Bộ Tài chính báo cáo, Thủ tướng lưu ý, mới có 16 địa phương cân đối được ngân sách và điều tiết về Trung ương. Yêu cầu các tỉnh cần tái cơ cấu nền kinh tế, tìm giá trị gia tăng, phát triển mạnh mẽ sản xuất kinh doanh để có thêm nhiều doanh nghiệp, có nhiều dự án khởi nghiệp để phần thu ngân sách không chỉ có thể tự trang trải chi tiêu của tỉnh mà còn nộp về Trung ương.
Về chi ngân sách, Thủ tướng lưu ý, chi thường xuyên năm nào cũng vượt dự toán, thậm chí có xu hướng tăng lên; trong khi chi đầu tư phát triển đã tăng nhưng chưa tương xứng. Thủ tướng đề nghị Bộ Tài chính cần rà soát kỹ các điểm nghẽn, các bất cập trong bài toán cân đối ngân sách để khắc phục sớm tình trạng này, làm sao ngân sách phải chủ động hơn, nhất là ngân sách Trung ương, đừng để quá căng thẳng.