Băn khoăn hiệu quả tái cơ cấu
Phải có những giải pháp quyết liệt, đột phá để tái cơ cấu nền kinh tế | |
10.567 tỷ đồng và bài toán hiệu quả | |
Tái cơ cấu TCTD giai đoạn 2016-2020: Mạnh tay với sở hữu chéo |
Sau báo cáo do Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc trình bày tại sáng ngày khai mạc Kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa XIV, ngày 20/10, nhìn nhận tái cơ cấu nhiều ngành, lĩnh vực còn chậm, chiều cùng ngày, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đã trình bày dự thảo Kế hoạch “tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2016-2020”.
Một trong những điểm đáng lưu ý là dự kiến chi phí cho 5 nội dung tái cơ cấu, với 10 nhiệm vụ ưu tiên “tốn” khoảng 10.567 nghìn tỷ đồng theo giá thực tế.
“Điểm mới lần này là tại mỗi nội dung và nhiệm vụ đều có các mục tiêu định lượng cụ thể, phân công công việc cụ thể và giải pháp thực hiện cụ thể nhằm tăng khả năng đo lường, đánh giá và kiểm soát quá trình thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2016-2020”, ông Dũng nói.
Giai đoạn 2016-2020 phấn đấu nợ công không vượt quá 65% GDP |
Các chỉ tiêu cụ thể của tái cơ cấu nền kinh tế bao gồm: Tốc độ tăng năng suất lao động đạt 5,5-6%/năm, phấn đấu giai đoạn 2016-2020 tốc độ tăng năng suất nội ngành đóng góp trung bình hơn 60% vào tăng năng suất lao động; Đóng góp của vốn con người và khoa học công nghệ vào tăng trưởng ngày càng gia tăng, đóng góp của TFP (năng suất các yếu tố tổng hợp) cho tăng trưởng chiếm khoảng 30-35% tốc độ tăng trưởng;
Gia tăng tỷ trọng DN thực hiện đổi mới công nghệ, nâng dần tỷ trọng chi của DN trong tổng chi cho nghiên cứu và triển khai; Củng cố vững chắc nền tảng kinh tế vĩ mô, phấn đấu kiểm soát lạm phát dưới 4%/năm những năm đầu kỳ kế hoạch và 3% đến năm 2020; Đảm bảo ổn định và lành mạnh các cân đối lớn của nền kinh tế, củng cố dự trữ ngoại hối phù hợp với điều kiện thực tế…
Bên cạnh đó, sẽ giảm dần thâm hụt ngân sách Nhà nước xuống dưới 4% GDP vào năm 2020 (định hướng giảm xuống dưới 3% trong giai đoạn tiếp theo); tăng cường quản lý và đảm bảo an toàn nợ công, duy trì nợ công không vượt quá 65% GDP; đẩy nhanh thoái vốn Nhà nước tại các DN một cách thực chất, thoái toàn bộ vốn Nhà nước tại các DNNN thuộc các ngành không cần Nhà nước sở hữu trên 50% vốn, thoái vốn Nhà nước xuống mức sàn quy định tại các ngành còn lại; tiếp tục huy động hợp lý các nguồn lực cho đầu tư phát triển, bảo đảm tổng đầu tư xã hội khoảng 32-34% GDP; dành khoảng 24-25% dự toán chi ngân sách giai đoạn 2016-2020 cho đầu tư phát triển…
Kế hoạch cũng đưa ra chỉ tiêu xử lý nhanh và dứt điểm nợ xấu, giảm tỷ lệ nợ xấu trong nền kinh tế xuống mức dưới 3% một cách bền vững; cắt giảm lãi suất cho vay trung bình xuống mức chênh lệch hợp lý so với mức lãi suất huy động và có tính cạnh tranh so với mức lãi suất cho vay trung bình tại các nước trong khu vực; phấn đấu đến 2020 các NHTM có mức vốn tự có theo chuẩn mực vốn của Basel II, trong đó có ít nhất 12-15 NHTM áp dụng thành công Basel II (theo phương pháp tiêu chuẩn trở lên).
Cùng với đó là nâng cao quy mô và hiệu quả hoạt động của TTCK, thị trường trái phiếu Chính phủ, trái phiếu DN và thị trường bảo hiểm. Đến năm 2020, quy mô vốn hóa thị trường cổ phiếu đạt khoảng 70% GDP, dư nợ thị trường trái phiếu đạt 30% GDP. Đến năm 2020, ít nhất 10 sản phẩm có lợi thế cạnh tranh xây dựng được thương hiệu trên thị trường quốc tế và cải thiện được vị trí trên chuỗi giá trị toàn cầu.
Tuy nhiên khi thẩm tra về vấn đề này, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đề nghị cần làm rõ mô hình tăng trưởng trong giai đoạn tới, từ đó mới có căn cứ để định hướng tái cơ cấu kinh tế 5 năm tới; nhấn mạnh quan điểm xuyên suốt trong chỉ đạo và thực hiện, đó là: tập trung phân bổ lại, khai thác hiệu quả các nguồn lực, loại bỏ cách tiếp cận theo hướng xin-cho; gắn tái cơ cấu kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng với hội nhập kinh tế quốc tế, nhất là thu hút nguồn lực cho tăng trưởng trong xu thế của cách mạng công nghiệp lần thứ 4; tái cơ cấu gắn với kết quả là đời sống người dân tốt hơn…
Riêng đối với một số chỉ tiêu được Chính phủ dự kiến như cắt giảm lãi suất cho vay trung bình xuống mức chênh lệch hợp lý từ 2-3% so với mức lạm phát, dự trữ ngoại hối khoảng 4-5 tháng nhập khẩu, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho rằng định hướng giảm lãi suất cho vay là cần thiết, nhưng cần tuân thủ nguyên tắc thị trường, không nên can thiệp hành chính. Cơ quan này cũng đề nghị cần có các giải pháp quyết liệt xử lý nợ xấu, tăng cường quản trị NH để các TCTD giảm chi phí trong hoạt động, từ đó giảm lãi suất cho vay…