10.567 tỷ đồng và bài toán hiệu quả
Tái cơ cấu TCTD giai đoạn 2016-2020: Mạnh tay với sở hữu chéo | |
Sẽ tiếp tục tái cơ cấu công ty chứng khoán | |
Tái cơ cấu phải chấp nhận trả giá |
Trong dự thảo Kế hoạch tái cơ cấu kinh tế 2016-2020 của Chính phủ sẽ trình Quốc hội trong kỳ họp thứ hai, Quốc hội khoá XIV đề ra 5 nội dung trọng tâm, gồm: Phát triển mạnh khu vực kinh tế tư nhân trong nước và thu hút hợp lý FDI; Tái cơ cấu khu vực kinh tế Nhà nước (DNNN, đầu tư công, ngân sách Nhà nước và dịch vụ sự nghiệp công); Tái cơ cấu thị trường tài chính, trọng tâm là TCTD và TTCK; Hiện đại hoá công tác quy hoạch, cơ cấu ngành và vùng kinh tế theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng; Tái cơ cấu thị trường các nhân tố sản xuất quan trọng (quyền sử dụng đất, lao động, khoa học công nghệ).
Ảnh minh họa |
Theo đó, Kế hoạch cũng đề ra một số chỉ tiêu cụ thể như: Kiểm soát lạm phát dưới 3%/năm đến năm 2020; Giảm thâm hụt ngân sách Nhà nước xuống dưới 4% GDP vào năm 2020, duy trì nợ công không vượt quá 65% GDP; Đẩy nhanh một cách thực chất việc thoái vốn Nhà nước tại các DN, giảm bớt ngành nghề quy định Nhà nước cần nắm giữ đa số cổ phần…
Để thực hiện các mục tiêu trên, Chính phủ cũng tính toán nguồn lực để thực hiện tái cơ cấu giai đoạn tới trong khuôn khổ các nguồn lực huy động chung của nền kinh tế giai đoạn 2016-2020, dự kiến khoảng 10.567 tỷ đồng.
Đặt ra một lộ trình thực hiện, Kế hoạch cũng đề ra một số nhiệm vụ cần ưu tiên thực hiện ngay trong 2 năm tới. Đó là: Kiên quyết xử lý nợ xấu một cách hiệu quả, thực chất, áp dụng các biện pháp phá sản đối với các NHTM yếu kém; Kiên quyết cổ phần hóa, chú trọng thoái vốn Nhà nước tại các DN một cách thực chất, theo lộ trình; Thể chế đầu tư công cũng sẽ được hoàn thiện cùng với việc nâng cao hiệu quả huy động, phân bổ và sử dụng nguồn lực đầu tư công; Cơ chế quản lý và phân bổ đầu tư công đổi mới theo nguyên tắc cạnh tranh, giảm “xin - cho - chia” trong phân bổ đầu tư công.
Đánh giá về các nhóm nội dung tái cơ cấu nói trên, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho rằng dự thảo Kế hoạch đã bao quát các lĩnh vực thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế. Tuy nhiên, Chính phủ cần làm rõ căn cứ lựa chọn các nhiệm vụ ưu tiên theo từng nhóm nội dung. Bởi lẽ, có một số nhiệm vụ có vai trò lớn đối với an ninh tài chính, như nhiệm vụ về tái cơ cấu ngân sách Nhà nước, hay nhiệm vụ nâng cao hiệu quả, động lực phát triển sản xuất… lại không được coi là nhiệm vụ ưu tiên. Vì vậy, ông Thanh cho rằng, không nên xác định nhiệm vụ ưu tiên trong từng nội dung để tránh trường hợp bỏ qua nội dung khác không kém phần quan trọng.
Một số ý kiến thì đề nghị phải tập trung và phân bổ nguồn lực theo hướng xác định các nhiệm vụ kèm theo lộ trình hoàn thành, đồng thời phải xác định rõ phương thức phân bổ nguồn lực như yêu cầu trong Nghị quyết số 86/2014/QH13 của Quốc hội. Việc xác định lộ trình hoàn thành cho các nhiệm vụ là thể hiện mức độ ưu tiên của từng nhiệm vụ trong giai đoạn ngắn hạn (1-2 năm) và trung hạn (3-5 năm).
Các chuyên gia kinh tế thì cho rằng, Chính phủ cần sớm hoàn thành 3 trọng tâm tái cơ cấu (đầu tư công, các TCTD và DNNN), tập trung nguồn lực tái cơ cấu khu vực công, ngành kinh tế, vùng kinh tế. Bởi quá trình tái cơ cấu nền kinh tế trong thời gian qua chủ yếu tập trung vào ban hành chính sách và thực hiện đối với 3 trọng tâm nêu trên, nhưng vẫn còn nhiều khó khăn.
Trong khi đó, các nội dung tái cơ cấu khác chưa triển khai được, nhất là tái cơ cấu khu vực công, ngành kinh tế và vùng kinh tế là hết sức quan trọng trong giai đoạn hiện nay. Chính vì vậy, Chính phủ cần có quyết sách sớm hoàn thành đối với 3 trọng tâm tái cơ cấu trong năm 2017, chậm nhất nửa đầu năm 2018, nhất là tái cơ cấu DNNN, đầu tư công để phân bổ lại và sử dụng hiệu quả nhất nguồn lực to lớn này.
“Quan điểm có tính xuyên suốt trong chỉ đạo và thực hiện tái cơ cấu, đó là tập trung phân bổ lại, khai thác hiệu quả các nguồn lực, loại bỏ cách tiếp cận theo hướng xin - cho; nhanh chóng khoanh vùng để xử lý các vấn đề tồn đọng một cách kịp thời”, ông Vũ Hồng Thanh nhấn mạnh.