Bắt bệnh từ lỗi hệ thống
Đẩy nhanh tiến độ giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công 2016 | |
Đẩy nhanh giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công | |
Thủ tướng yêu cầu quản lý chặt các dự án đầu tư công |
Bệnh kinh niên
Trái ngược với tình trạng giải ngân vốn ồ ạt dẫn tới dàn trải, lãng phí trong các giai đoạn trước, 6 tháng đầu năm nay đầu tư công đã “hãm phanh” đột ngột, làm giảm tác động thúc đẩy tăng trưởng từ động lực quan trọng này. Báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) cho thấy, 5 tháng đầu năm, giải ngân vốn đầu tư công mới đạt khoảng 81.800 tỷ đồng, bằng 32,6% kế hoạch năm. Còn theo số liệu của Tổng cục Thống kê, 6 tháng đầu năm nay giải ngân vốn đầu tư từ ngân sách ước đạt 107 nghìn tỷ đồng, bằng 42,5% kế hoạch năm.
Ảnh minh họa |
Tại cuộc họp về giải ngân vốn đầu tư công do Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chủ trì mới đây, nhiều nguyên nhân đã được chỉ ra. Theo đó, văn bản hướng dẫn Luật và Nghị định về đầu tư còn bất cập; công tác phối hợp và chỉ đạo điều hành ở một số bộ, ngành, địa phương thiếu quyết liệt và còn nhiều chậm trễ; công tác giải phóng mặt bằng và bố trí vốn đối ứng các dự án chưa đáp ứng yêu cầu…
Ông Đào Quang Thu, Thứ trưởng Bộ KH&ĐT thừa nhận, việc giải ngân chậm trong 6 tháng đầu năm có phần trách nhiệm từ phía Trung ương. Đến tháng 12/2015 đáng nhẽ phải giao toàn bộ vốn, thì Chính phủ mới giao khoảng hơn 90% vốn ngân sách và 65% vốn trái phiếu. Tuy nhiên, ông Thu cũng cho rằng việc Trung ương chậm giao vốn có tác động không lớn, mà chủ yếu là do các bộ, ngành, địa phương khi thực hiện bàn giao việc cho chủ đầu tư bị chậm tiến độ rất nhiều.
Một nguyên nhân khác, do năm nay là năm đầu thực hiện Luật Đầu tư công, Luật Xây dựng sửa đổi, Luật Đấu thầu sửa đổi… có xu hướng siết chặt quản lý đầu tư công và vốn đầu tư công, vì vậy các bộ, ngành, địa phương lúng túng. Trong khi đó, các cơ quan Trung ương hướng dẫn chưa kịp thời, một số nội dung trong Luật thậm chí còn mâu thuẫn với nhau, gây khó khăn thêm cho các cơ sở trong triển khai.
Tuy nhiên, ông Thu cũng lưu ý rằng các Luật mới chủ yếu ảnh hưởng tới dự án mới, mà trong năm 2016 số vốn dành cho dự án mới được Chính phủ giao chỉ chiếm chưa tới 10% vốn ngân sách cho đầu tư. Vì vậy, “nếu nói do quy định, thủ tục ban hành chậm trễ thì cũng có, nhưng cái đó chỉ chiếm một phần nhỏ thôi”, ông Thu khẳng định.
TS. Nguyễn Đức Kiên, Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội bổ sung một lý do mà theo ông là “rất Việt Nam”. Đó là, năm nay là năm cả nước tiến hành Đại hội Đảng, cơ cấu lại bộ máy Chính phủ, bầu lại Quốc hội và Hội đồng nhân dân, vì vậy ít nhiều có tác động đến đội ngũ cán bộ chủ chốt ở các bộ, ngành, địa phương, khiến nhiều nơi chưa quyết liệt, chưa tập trung trong chỉ đạo.
Nhưng theo ông cũng cần có cái nhìn sòng phẳng. “Tại sao trên cùng mặt bằng chính sách nhưng có tỉnh vẫn giải ngân tốt, 6 tháng chiếm trên 51% số vốn được giao cả năm, nhưng có tỉnh chỉ 10%. Tình trạng ở các bộ cũng tương tự như vậy…”, ông Kiên đặt vấn đề. Thực tế này cho thấy, giải ngân vốn ì ạch vẫn bắt nguồn từ “căn bệnh” kinh niên là lỗi hệ thống, do phối hợp giữa các bộ, ngành để giải quyết khó khăn chưa nhịp nhàng, do phân cấp giữa các bộ với địa phương, giữa tỉnh với huyện, xã chưa rạch ròi.
Chấn chỉnh kịp thời
Cũng theo số liệu của Bộ KH&ĐT, vốn đầu tư công chỉ chiếm khoảng 35% tổng vốn đầu tư toàn xã hội trong năm 2016 (khoảng 1,3 triệu tỷ đồng). Trong 6 tháng vừa qua, các nguồn vốn ngoài xã hội lại tăng trưởng tốt với tỷ lệ 11,9% so với cùng kỳ năm ngoái, có vẻ đầu tư công giảm tốc cũng không hẳn là đáng lo?
Tuy nhiên, đầu tư công còn ảnh hưởng tới môi trường đầu tư, kinh doanh và sức cạnh tranh của nền kinh tế. Vì đây đều là những dự án quan trọng, là vốn mồi cho các nguồn vốn khác. Vì vậy, để hấp thụ được vốn đầu tư ngoài xã hội thì rất cần đầu tư công dẫn lối. Lát cắt này cho thấy, giải ngân vốn đầu tư công nhịp nhàng tạo động lực quan trọng để tăng trưởng, tạo công ăn việc làm, để cả xã hội cùng “tay làm, hàm nhai”.
Một con số đáng chú ý khác đặt cạnh số chi ngân sách cho đầu tư đang cảnh báo câu chuyện đáng ngại không kém, cũng liên quan tới lỗi hệ thống như đã nhắc ở trên. Chi thường xuyên cho phát triển sự nghiệp kinh tế - xã hội tính đến thời điểm 15/6 đã đạt 363.400 tỷ đồng, tương ứng với gần 72% của tổng chi ngân sách trong cùng giai đoạn. Trong khi đó, chi đầu tư phát triển chỉ đạt 74.500 tỷ đồng, bằng khoảng 14,6% tổng chi ngân sách. Rõ ràng, trong lúc “tay quai” thì “miệng không trễ”. Tình thế này càng trở nên đáng quan ngại khi chi trả nợ và viện trợ đã gần đuổi kịp số chi cho đầu tư, đạt 68.000 tỷ đồng.
Tình thế của đầu tư công, vì vậy, càng thêm đáng ngại. Bởi thời gian lan tỏa của dòng vốn này bình thường đã dài, nay lại gặp phải cản trở từ phía bộ máy vận hành mà cốt lõi ở đây là từng cán bộ ở bộ, ngành, địa phương. Thứ trưởng Đào Quang Thu cho biết, ông lo ngại rằng tới đây bộ máy vận hành sẽ còn lý do để lừng khừng trong giải ngân vốn. Theo đó Luật Đầu tư công có quy định cho phép giải ngân vốn năm nay sang năm sau, thậm chí nếu Thủ tướng Chính phủ đồng ý thì cho hết nhiệm kỳ trung hạn 5 năm. “Tôi sợ rằng quy định đó sẽ làm các bộ, địa phương thêm đủng đỉnh, chưa vội làm ngay”, ông nói.
Tuy nhiên, TS. Nguyễn Đức Kiên trấn an, Chính phủ đã nhận diện vấn đề rất nhanh khi kịp thời xác định đầu tư công chính là dư địa ít ỏi còn lại để thúc đẩy tăng trưởng. Cùng với đó là ban hành các giải pháp chính sách thiết thực, mạnh mẽ. Mới đây nhất, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 60/NQ-CP về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công năm 2016.
Theo đó, nội dung đáng chú ý nhất là đối với các dự án đến ngày 30/9/2016 giải ngân dưới 30% kế hoạch vốn năm 2016, kiên quyết không bố trí kế hoạch năm 2017 để tập trung thực hiện hết số vốn kế hoạch năm 2016 kéo dài thời gian thực hiện sang năm 2017. Theo nhận định của ông Kiên, 6 tháng cuối năm, với các chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, khả năng giải ngân có thể đạt được nhưng hấp thụ của nền kinh tế sẽ phải có độ trễ.
“Chỉ cần chúng ta tập trung vào việc đang làm dở dang, các dự án trọng điểm có tính lan tỏa, hoàn thành tốt thì chắc chắn sẽ xử lý được hơn 60% nguồn vốn đầu tư công còn lại”, ông Kiên quả quyết.