BĐS đua nhau phát hành cổ phiếu
Hấp dẫn cổ phiếu bán lẻ | |
Săn cổ phiếu cảng? | |
Gom cổ phiếu trước mùa đại hội |
Thị trường BĐS hiện đã ấm lại nhưng lãi suất cho vay kinh doanh BĐS vẫn mức 8-10%/năm. Trong khi ở các nước trong khu vực lãi suất tín dụng cho vay BĐS thấp hơn khiến sức cầu trên thị trường này vẫn còn thấp.
Thay vì lệ thuộc vào tín dụng NH, gần đây một số công ty BĐS đã chủ động khai thác nguồn vốn khác để có tiền phục vụ cho các dự án. Mặc dù chưa thể thoát khỏi hoàn toàn vốn NH, nhưng gần đây nhiều DN Việt trên thị trường BĐS bắt đầu chuyển hướng “bán mình”.
Lãnh đạo một công ty tư vấn BĐS cho biết, ngoài nguồn vốn từ các NHTM, các DN địa ốc đang tập trung tìm kiếm nguồn vốn bằng cách hợp tác với các quỹ đầu tư, phát hành cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu, cổ đông chiến lược để phát triển các dự án quy mô lớn, nguồn vốn đầu tư lớn. Nếu việc này được làm thành công, hoạt động kinh doanh BĐS sẽ không bị ảnh hưởng nhiều đến chi phí tài chính DN.
Thậm chí, một số DN hiện đã thực hiện xong phương án là niêm yết trên sàn chứng khoán hoặc mua bán BĐS hình thành trong tương lai, có thể chuyển sang niêm yết theo dự án và trả BĐS theo số lượng cổ phiếu.
Ảnh minh họa |
Tại đại hội cổ đông 2016 của Công ty Địa Ốc Hoàng Quân (HQC), ông Trương Anh Tuấn - Chủ tịch HĐQT cho rằng, HQC sẽ nới room 60% để phát triển các dự án nhà ở xã hội, giúp công ty có nguồn vốn dài hơn.
Theo ông Tuấn, lợi nhuận của nhà ở xã hội không lớn, nhưng rất an toàn, hơn nữa nhu cầu về nhà ở xã hội tại các khu đô thị lớn rất nhiều. Bên cạnh đó, những dự án nhà ở xã hội người mua để ở đang được sự hỗ trợ vốn vay của NH và ít nhất 5 năm nữa những chính sách về nhà ở xã hội gần như không thay đổi nên khá an toàn trong đầu tư.
Nếu tính toán đúng, nhà ở xã hội rẻ hơn đến 1/3 so với giá nhà bình quân trên thị trường. Do đó nguồn tài chính thu được từ hoạt động kinh doanh là rất khả quan. “HQC cũng đang xúc tiến chuẩn bị chào đón ít nhất một NĐT nước ngoài và một NĐT chiến lược trong nước và có những bước đi rất gần đến việc này”, ông Tuấn nói thêm.
Câu chuyện tìm vốn từ đối tác ngoại thực ra đã được nhiều công ty BĐS áp dụng và có những thành công nhất định. Ví dụ như An Gia Investment, nhờ chủ động hợp tác với một quỹ của Nhật Bản mà tiếp cận được nguồn vốn vay ưu đãi từ quỹ này nên không bị ảnh hưởng nhiều. Bên cạnh đó, nhiều công ty cũng đã phát hành cổ phiếu huy động vốn thành công như Dreamhouse (DRH), Thuduchouse (TDH), Khang Điền (KDC)…
Cuối năm ngoái, DRH tổ chức đại hội cổ đông bất thường nhằm thông qua phương án tăng vốn điều lệ lên gấp 3 lần vào quý I/2016 bằng hình thức phát hành cổ phiếu riêng lẻ. Số lượng chứng khoán phát hành thêm là 30,6 triệu cổ phần và vốn điều lệ tăng từ mức 184 tỷ đồng lên 490 tỷ đồng trong dự kiến. Với nguồn vốn thu về từ việc phát hành cổ phiếu, DRH sẽ chi cho việc triển khai các dự án BĐS tiềm năng như đầu tư 110 tỷ đồng vào dự án khu căn hộ tiện ích (đường Huỳnh Tấn Phát, quận 7, TP.HCM), 150 tỷ đồng vào dự án khu du lịch nghỉ dưỡng tại Bà Rịa - Vũng Tàu, bổ sung vốn lưu động của công ty...
Khang Điền cũng tiếp tục tăng vốn từ 750 tỷ đồng lên 1.260 tỷ đồng thông qua việc phát hành cổ phiếu cho cổ đông chiến lược và phát hành cổ phiếu cho cán bộ, nhân viên là một điểm nhấn cho sự phát triển. Sau khi phát hành, KDH có nguồn tiền khoảng 900 tỷ đồng đổ về từ các đợt bán cổ phiếu để chuẩn bị cho chiến lược kinh doanh năm 2016.
Hay như Novaland, để có thêm nguồn tài chính đầu tư phát triển một lượng lớn dự án tại TP.HCM, năm 2015, Novaland đã phát hành trái phiếu chuyển đổi trị giá 50 triệu USD. Qua đợt chào bán này, có 3 NĐT chiến lược đã cùng chia nhau số trái phiếu chuyển đổi là quỹ đầu tư VinaCapital, Dragon Capital và một tập đoàn tài chính khác và đơn vị tư vấn là Công ty Chứng khoán Sài Gòn (SSI)…
Có rất nhiều cách làm nếu các DN BĐS biết chủ động tìm tòi, có quyết tâm cơ cấu lại hoạt động khi thị trường BĐS phục hồi. Trong đó việc phát hành cổ phiếu để tăng vốn cũng là một cách làm nhằm chủ động và tăng cường nguồn lực để phát triển các dự án đáp ứng kịp thời nhu cầu thị trường.