Bình đẳng để cùng tiến
Dự án Luật hỗ trợ DNNVV: Trước nỗi lo trục lợi từ chính sách | |
Phá thế yếu của DN Việt |
Các DNNVV cần phải có động lực để phát triển |
Trên thực tế, phần lớn các DNNVV chưa thực sự được đối xử bình đẳng với khối DNNN, DN FDI. Có gần 21% DN dân doanh trong nước cho biết tỉnh ưu tiên giải quyết các thủ tục hành chính nhanh chóng và đơn giản hơn cho các DN FDI; 28,3% DN dân doanh cho rằng hoạt động của các DN FDI nhận được nhiều quan tâm hỗ trợ hơn từ tỉnh.
Đặc biệt, mối lo ngại lớn khác đối với các DNNVV hiện nay là sự cạnh tranh không lành mạnh của những DN thân hữu - những DN lớn có mối quan hệ với cán bộ chính quyền địa phương.
Theo báo cáo, có tới 52% DN được khảo sát lo ngại rằng ưu đãi với các công ty lớn là trở ngại cho hoạt động kinh doanh của họ. Có tới 76,47% DNNVV cho rằng, hợp đồng, đất đai… và các nguồn lực kinh tế khác chủ yếu rơi vào tay các DN có liên kết chặt chẽ với chính quyền tỉnh!
Ông Tô Hoài Nam, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội DNNVV chia sẻ, qua các khảo sát từ đầu năm đến nay, Hiệp hội DNNVV Việt Nam nhận thấy, trong một số lĩnh vực đã có sự thay đổi. Điển hình là việc tiếp cận các thủ tục hành chính, các dịch vụ công trong thành lập DN, thuế, hải quan… đã có sự cải thiện rõ nét.
Số DN thường xuyên phàn nàn về hoạt động này đã giảm từ 28% năm 2015 còn 18,8% năm 2016. Tuy nhiên, trong một số lĩnh vực, như: Đất đai, mặt bằng sản xuất; giấy phép xây dựng; tiếp cận tín dụng; tiếp cận các thông tin về mua sắm công; các chương trình dự án hỗ trợ của nhà nước… chưa thực sự có chuyển biến tích cực.
Vì vậy, cộng đồng các DNNVV kiến nghị Nhà nước cần hỗ trợ đội ngũ này các vấn đề liên quan đến thị trường, đất đai, vốn ưu đãi, công nghệ, đào tạo và quản lý trên nền tảng đẩy nhanh tiến trình cải cách thể chế, minh bạch hóa thông tin, tháo gỡ thực sự các rào cản về thủ tục hành chính; đặt DNNN vào môi trường cạnh tranh bình đẳng với các thành phần kinh tế khác, loại bỏ các hình thức ưu đãi bao cấp còn tồn tại trên thực tế.
Đồng thời, về phía địa phương cũng cần chủ động bố trí ngân sách để hỗ trợ DNNVV, hạn chế tình trạng xảy ra là các chính sách, nguồn vốn, dự án vẫn đổ dồn vào DN lớn, DNNN.
Cùng với đó, Nhà nước cũng cần tiếp tục hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về kinh doanh, trong đó có các quy định bảo đảm hơn nữa quyền tự do kinh doanh và sự bình đẳng giữa các DN, giúp DNNVV được bình đẳng với các DNNN trong vấn đề tiếp cận vốn đặc biệt là vốn ODA, mặt bằng sản xuất, chuyển giao khoa học – công nghệ…
Nếu giả định tất cả các chính sách của nhà nước đối với DNNVV đều đúng đắn và kịp thời, thì bản thân các DN vẫn cần phải dũng cảm hành động quyết liệt thì mới có được thành công. Luôn luôn có ý thức “tự cường” và không ngừng hợp tác liên kết với các DN trong nước và nước ngoài là yếu tố quyết định.
Cộng đồng DNNVV mong muốn Chính phủ xây dựng một bộ máy quản lý và hoạt động “năng động” hơn. Điều này có nghĩa là các nhà lập pháp, hành pháp phải không ngừng thích nghi với môi trường mới và cần có sự quan tâm đặc biệt và hợp tác chặt chẽ với DN và công dân của mình, ông Tô Hoài Nam nhấn mạnh.