Khó như thu thuế thương mại điện tử
Thu thuế thông qua mã số định danh | |
Khó như thu thuế quảng cáo trực tuyến |
Trong thời gian qua, Cục Thuế Hà Nội, Cục Thuế TPHCM đã triển khai gửi thông báo đến hàng chục nghìn tài khoản kinh doanh qua mạng đề nghị các chủ tài khoản đến tự kê khai nộp thuế, nhưng kết quả không như mong đợi. Còn đối với hoạt động mới, phát sinh hình thức kinh doanh sử dụng công nghệ như Uber, Grab, vừa qua Bộ Tài chính có văn bản hướng dẫn kê khai nộp thuế nhà thầu và khấu trừ số thuế phải nộp trước khi trả cho người lao động tham gia hình thức này.
Ảnh minh họa |
Được biết, bộ này đã phối hợp các nhà mạng để xác định địa điểm kinh doanh, giao hàng, phối hợp hội đồng tư vấn thuế các vùng để đưa các cá nhân vào diện quản lý thuế.
Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng, các bộ ngành chức năng nên nghiên cứu xây dựng Luật quản lý thuế sửa đổi trong đó có những nội dung, hướng dẫn cụ thể nói về quản lý thuế đối với giao dịch TMĐT để trình Chính phủ và thông qua trong thời gian sớm nhất để theo kịp tình hình thực tiễn, tránh thất thu thuế đối với hình thức kinh doanh online diễn ra trong thời gian qua.
Bà Lại Việt Anh, Phó Cục trưởng Cục TMĐT và Kinh tế số (Bộ Công thương) cho biết, TMĐT đang tăng trưởng khoảng 25%/năm. Dự báo những năm sắp tới loại hình này bùng nổ mạnh. Thời đại công nghệ thông tin phát triển mạnh đưa người tiêu dùng tiếp cận dễ dàng với thương mại điện tử qua hàng loạt sàn giao dịch, trang web, tài khoản facebook, zalo…
Tuy nhiên, việc quản lý cá nhân kinh doanh trên các trang mạng xã hội còn nhiều bất cập. Rất nhiều tài khoản cá nhân thực hiện phương thức kinh doanh online nhưng không công bố cũng không đăng ký gây khó khăn cho cơ quan quản lý nhà nước.
Bàn về vấn đề này, ông Nguyễn Hữu Tuấn, Trưởng phòng Quản lý hoạt động TMĐT (Cục TMĐT và Kinh tế số) cho biết thêm, thời gian qua cục đã xử lý 300 trường hợp kinh doanh online với số tiền xử phạt hơn 6 tỷ đồng, các mặt hàng vi phạm là thực phẩm chức năng, thời trang, mỹ phẩm…
Vi phạm chủ yếu, không thông báo và đăng ký với cơ quan quản lý, không thông tin chính xác về chính sách bán hàng, vận chuyển, đổi trả. Có nhiều trường hợp người tiêu dùng khiếu nại các trang thương mại giao không đúng sản phẩm, chất lượng, mẫu mã, chậm hoàn tiền khi giao hàng không đúng yêu cầu…
Hiện tại, ngành thuế đang “đau đầu” vì chưa thể quản lý, cũng như yêu cầu các tài khoản mạng xã hội đăng ký kinh doanh, chế tài xử phạt cũng chưa có. Đơn cử như tại TP. Hồ Chí Minh, việc thu thuế kinh doanh trên mạng đã được Cục Thuế thành phố thực hiện thu thuế khá gay gắt bằng việc gửi hơn 14.500 giấy mời cho các chủ tài khoản facebook, youTube, zalo… để vận động thực hiện nghĩa vụ thuế song chưa có kết quả.
Bà Mạnh Thị Tuyết Mai, Trưởng phòng Chính sách thuế thu nhập doanh nghiệp, Vụ Chính sách, Tổng cục Thuế (Bộ Tài chính) đưa ra nhận định, cá nhân kinh doanh bán hàng qua mạng nhưng không xuất hóa đơn thanh toán riêng, nhờ vận chuyển hàng hóa nên cơ quan thuế khó xác minh. Những giao dịch xuyên biên giới cũng không thể thu thuế được.
Vì vậy, bà Mai cho rằng cần sửa đổi bổ sung một số quy định của Luật Thuế giá trị gia tăng, Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp, Luật Thuế thu nhập cá nhân, Luật Thuế xuất nhập khẩu, Luật Quản lý thuế (sửa đổi). Song song đó, sửa đổi các văn bản hướng dẫn đảm bảo bao quát được hết các đối tượng và hình thức kinh doanh tại Việt Nam. Ngoài ra, để việc quản lý, thu thuế hiệu quả cần có sự chung tay của các bộ, ngành.
Đồng thời, trong khâu thanh toán, Cục TMĐT và Kinh tế số sẽ làm việc với Ngân hàng Nhà nước, yêu cầu Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo các ngân hàng thương mại nộp thuế cho các tổ chức nước ngoài. Đối với trường hợp kinh doanh xuyên biên giới phải thanh toán nội địa. Về phía Bộ Thông tin và Truyền thông đề nghị, các tổ chức nước ngoài đặt văn phòng tại Việt Nam và nộp thuế nhà thầu.
Ông Trần Ngọc Tâm, Cục trưởng Cục Thuế TP. Hồ Chí Minh đề nghị, để việc thu thuế TMĐT được thực hiện hiệu quả trong năm 2018, ngành thuế thành phố sẽ phối hợp với ngân hàng, Sở Công thương nhằm tuyên truyền vận động thu tốt với các mô hình TMĐT đang phát triển mạnh hiện nay.
Hiện Việt Nam đang sử dụng hóa đơn giấy là chủ yếu cho các giao dịch thương mại điện tử. Hóa đơn giấy chiếm tỷ lệ đến 91,8%, còn lại là hóa đơn điện tử. Đồng thời, hiện nay chưa có chế tài bắt buộc các doanh nghiệp phải sử dụng hóa đơn điện tử. Do đó cơ quan thuế gặp khó khăn trong việc quản lý kê khai. Hiện nay, cơ quan quản lý thuế đang trình Chính phủ một đề án về triển khai sử dụng hóa đơn điện tử. Khi đề án được thông qua sẽ góp phần tăng hiệu quả việc quản lý thuế đối với hoạt động TMĐT. |