Khấu trừ thuế nhà thầu: Tiện nhưng không dễ
Khó như thu thuế thương mại điện tử | |
Thép lo mất thị trường vì thuế mới |
Bộ Tài chính vừa gửi lên Chính phủ Tờ trình Đề nghị xây dựng Luật quản lý thuế (sửa đổi), trong đó liên quan đến nội dung thu thuế nhà thầu từ các trang mạng xã hội nước ngoài. Theo đó, phối hợp với NHNN nghiên cứu, hướng dẫn các NHTM trước khi chuyển tiền thanh toán từ các tổ chức, cá nhân cho các trang mạng xã hội nước ngoài (như Google, Facebook, YouTube…) có trách nhiệm khấu trừ thay tổ chức nước ngoài số thuế nhà thầu phải nộp vào ngân sách Nhà nước.
Năm 2017 các DN trong nước nộp thuế TNDN và thuế VAT thay cho Google, Facebook và Youtube khoảng 100 tỷ đồng |
Khó khăn trong thực hiện
Việc “nắm đằng cán” bằng cách quản lý và khấu trừ trực tiếp khoản thuế nhà thầu từ tài khoản thanh toán của các chủ đầu tư mua hàng trong nước như đề xuất của Bộ Tài chính là một cách làm tiện lợi cho cơ quan thuế và giúp cơ quan này thu được một khoản thuế lớn đang bị thất thu trong nhiều năm vừa qua. Tuy nhiên, các NHTM và DN, cá nhân mua dịch vụ quảng cáo từ Google, Facebook và trang khác không đơn giản như vậy.
Đại diện VietCapital Bank cho rằng, khi các NH muốn trừ tiền từ tài khoản khách hàng thì phải có sự đồng ý của khách hàng dựa trên hợp đồng ký kết 2 bên, hoặc NH thực hiện trừ khi một số cơ quan có thẩm quyền theo quy định pháp luật đề nghị. Việc NH phát hiện tài khoản cá nhân thanh toán cho đối tác nước ngoài mà tự động thực hiện khấu trừ tiền thuế là không thể được.
“Trong trường hợp tích cực, NHTM có thể báo cáo cơ quan chức năng về những giao dịch, còn việc thực thi thu thuế là của cơ quan thuế chứ NH không có quyền yêu cầu khách hàng nộp thuế khi thực hiện thanh toán dịch vụ cho đối tác nước ngoài nếu khách hàng không tự nguyện” - vị này nói.
Trong khi đó, DN mua hàng, việc khấu trừ thuế nhà thầu thay cho đối tác nước ngoài luôn phải chịu thiệt. Thực tế, nhiều năm qua, hàng trăm DN trong nước khi hợp tác với các trang mạng xã hội nước ngoài như Agoda, Booking.com, Google, Facebook… đều phải “còng lưng” bỏ tiền túi nộp thuế nhà thầu thay cho các tập đoàn này.
Chẳng hạn, ông Phạm Hà, Tổng Giám đốc Công ty Luxury Travel cho biết, lâu nay DN của ông hợp tác làm ăn với Booking.com trong lĩnh vực đặt phòng khách sạn. Khi cơ quan thuế yêu cầu nộp thay thuế nhà thầu, công ty cũng liên hệ với Booking.com nhưng đơn vị này không đồng ý khấu trừ thuế nhà thầu với lý do họ được miễn thuế theo Hiệp định tránh đánh thuế hai lần ký giữa Hà Lan và Việt Nam. “Nếu chúng tôi khấu trừ theo đúng quy định pháp luật, các trang mạng này sẽ cắt luôn hợp đồng nên đành ngậm ngùi bỏ tiền túi ra nộp thuế thay nếu không muốn bị ảnh hưởng đến doanh số” – ông Hà nói.
Một chủ DN khác là đại lý quảng cáo cho Google và Facebook có trụ sở tại quận 3, (TP.HCM) cũng cho rằng công ty của ông đang phải nộp khoản thuế nhà thầu cho các DN nước ngoài. Cụ thể, khi ký hợp đồng quảng cáo với các DN trong nước, công ty thu thêm 10% giá trị hợp đồng để nộp thuế nhà thầu. “Số tiền này nộp cho cơ quan thuế nhưng đại lý cũng không lấy được từ nhà thầu nước ngoài để trả cho khách hàng của mình vì họ không đồng ý khấu trừ tiền thuế” - vị này cho biết.
Chờ đợi chính sách công bằng
Đại diện CTCP Thanh toán quốc gia Việt Nam (Napas) cho rằng, xét về mặt kỹ thuật, hiện nay Napas đang quản trị và vận hành hệ thống chuyển mạch kết nối liên thông hơn 17.000 máy ATM, 270.000 máy POS, 300 DN thanh toán điện tử trong các lĩnh vực hàng không, viễn thông, khách sạn, du lịch; phục vụ hơn 100 triệu chủ thẻ của 46 NHTM trong nước và quốc tế đang hoạt động tại Việt Nam. Vì vậy, nếu có đủ các quy định pháp luật về quản lý đối với các thanh toán chuyển tiền cho nhà thầu cung cấp các dịch vụ xuyên biên giới thì việc kiểm soát thanh toán cũng không khó để thực hiện.
Ở khía cạnh pháp lý, các chuyên gia luật tại Công ty TNHH Tư vấn Thuế Deloitte cho rằng, hiện nay với quy định tại Thông tư 103/2014 của Bộ Tài chính việc thu thuế nhà thầu sẽ được thực hiện thông qua hình thức khấu trừ tại nguồn, các bên chi trả thu nhập có nghĩa vụ kê khai và nộp thuế thay các DN nước ngoài.
Vì vậy, các DN trong nước cần phải rà soát kỹ các điều khoản trong hợp đồng hợp tác với các công ty cung cấp dịch vụ xuyên quốc gia. Đặc biệt là rà soát các điều khoản về nghĩa vụ và rủi ro với hàng hóa. Từ đó giảm tránh việc không kê khai và nộp thuế cho những hợp đồng lẽ ra thuộc diện chịu thuế của nhà thầu nước ngoài. Và khi cơ quan thuế phát lệnh truy thu và phạt nộp thiếu, nộp sai thuế thì các DN trong nước sẽ chịu thiệt lớn mà khó có thể đòi lại khoản tiền này từ đối tác nước ngoài.
Ở góc độ khác, Luật sư Trương Thanh Đức, nguyên Chủ tịch Câu lạc bộ Pháp chế NH (Hiệp hội NH) cho rằng, Bộ Tài chính cần “soi” lại lịch sử thanh toán cho phía nước ngoài của các cá nhân, tổ chức để có biện pháp thống kê, để phân biệt mục đích của những khoản thanh toán qua hệ thống NH. Bởi có nhiều khoản thanh toán của khách hàng là để mua sắm chứ không phải mua quảng cáo của Facebook, Google… Nếu không tách bạch, không có hướng dẫn cụ thể, sẽ dẫn đến tình trạng tận thu, thuế chồng thuế.
Ngoài ra, theo một số chuyên gia kinh tế, Nhà nước cũng cần đàm phán để có sự tương trợ song phương về mặt tư pháp từ các quốc gia như Hoa Kỳ, Hà Lan… Từ đó tạo nền tảng pháp lý cho việc yêu cầu các DN cung cấp dịch vụ xuyên biên giới hợp tác với cơ quan thuế Việt Nam, cập nhật tài khoản nhận tiền của các trang mạng xã hội cho phía các NHTM trong nước để có thể thực hiện khấu trừ thuế nhà thầu khi phát sinh các giao dịch thanh toán.