Bức tranh kinh tế dần sáng
Nhận diện bức tranh kinh tế 2016 | |
Để bức tranh kinh tế - xã hội “chuẩn” hơn |
Economist Intelligence Unit (EIU) - Cơ quan Thông tin kinh tế thuộc Tập đoàn The Economist - trong các năm trước đây thường đưa ra bức tranh kinh tế khá ảm đạm đối với kinh tế Việt Nam. Tuy nhiên, mọi chuyện dường như đang đổi khác. Báo cáo về triển vọng kinh tế Việt Nam giai đoạn 2016-2020 của EIU mới đây cho thấy rõ điều này.
Cú huých từ hội nhập
Theo EIU, dù việc thực hiện các cam kết theo AEC, TPP và các FTA đã ký kết vào năm 2015 với Hàn Quốc, Liên minh kinh tế Á-Âu do Nga dẫn đầu, hay FTA với EU sẽ chỉ diễn ra dần dần, nhưng khung khổ của các thỏa thuận này sẽ cung cấp những “mỏ neo” chính sách hỗ trợ cho triển vọng dài hạn của Việt Nam. Điều đó rất quan trọng vì sẽ tạo áp lực để Việt Nam đi theo các bước tự do hóa cơ chế thương mại và đầu tư quốc tế.
EIU dự báo Việt Nam có mức tăng trưởng GDP trung bình ở mức 6,5% trong cả giai đoạn 2017-2020 |
Cùng với đó, chi tiêu Chính phủ sẽ tăng ở mức chậm lại khi các cơ quan chức năng có những tiến triển trong cải cách DNNN và tinh gọn bộ máy. EIU cũng kỳ vọng hoạt động đầu tư tư nhân sẽ được khuyến khích bởi các chính sách thúc đẩy tự do hóa và hội nhập sâu hơn vào nền kinh tế toàn cầu. Trong khi đó, đầu tư FDI, đặc biệt là trong lĩnh vực điện tử định hướng xuất khẩu, sẽ tiếp tục đà tăng trưởng tốt. “Việt Nam sẽ vẫn là một trong những bên thụ hưởng chính của hàng hóa xuất khẩu giá rẻ từ Trung Quốc, cũng như sự chuyển dịch các cơ sở sản xuất hàng hóa công nghiệp giá rẻ ra khỏi quốc gia này”, EIU dự báo.
Tuy nhiên, xuất khẩu ròng sẽ dần gây trở ngại cho tăng trưởng GDP. “Nhìn xa hơn về những năm cuối trong giai đoạn dự báo, chúng tôi tin sẽ có một sự suy giảm theo chu kỳ trong tăng trưởng vào các năm từ 2019-2020. Điều này xảy ra một phần do chịu tác động của cuộc suy thoái kỹ thuật mà chúng tôi dự báo sẽ xảy ra ở Mỹ vào năm 2019”, báo cáo nhận định.
Ngoài ra, tổ chức này cũng cho rằng, tiến trình tự do hóa kinh tế sẽ diễn ra từ từ. Tốc độ của những nỗ lực tự do hóa sẽ được đo lường một cách cẩn trọng để tránh việc lặp lại các mất cân bằng kinh tế vĩ mô như đã gặp phải trong giai đoạn 2010-2012, một giai đoạn vô cùng khó khăn mà hẳn vẫn còn đậm nét trong bộ nhớ của các nhà hoạch định chính sách. “Việc mở cửa thị trường bất động sản và thị trường chứng khoán trong 2015 là minh chứng cho hướng đi tiến bộ nhưng cẩn trọng này”, EIU cho biết.
EIU dự báo tăng trưởng GDP thực sẽ ở mức 6,3% trong năm 2016, giảm so với mức gần 6,7% của năm 2015. Nguyên nhân do tăng trưởng kinh tế quý I vừa qua đã giảm tốc so với cùng kỳ năm ngoái. Sự suy giảm của sản lượng nông nghiệp cũng là một phần lý do khi Việt Nam đang phải trải qua tình trạng hạn hán tồi tệ nhất trong vòng 90 năm qua. Trong khi đó, tăng trưởng công nghiệp cũng có dấu hiệu chậm lại.
Tuy nhiên theo EIU, khả năng hồi phục mạnh hơn của kinh tế toàn cầu; sự gia tăng mạnh của cầu tiêu dùng trong nước và một nền tảng lạm phát khá ổn định trong thời gian dài sẽ giúp Việt Nam có mức tăng trưởng GDP trung bình ở mức 6,5% trong cả giai đoạn 2017-2020, cao hơn đáng kể so với con số 5,9% của giai đoạn 2011-2015.
Chính sách tiền tệ vẫn “nặng gánh” với GDP
Đề cập đến các chính sách kinh tế quan trọng, EIU cho rằng chính sách tiền tệ sẽ tiếp tục xu hướng nới lỏng trong thời gian ngắn sắp tới, và điều này cũng sẽ hỗ trợ tăng trưởng kinh tế trong thời kỳ đầu của giai đoạn 2016-2020. Cụ thể, EIU dự báo tốc độ tăng GDP năm 2017 đạt 6,6%, năm 2018 đạt 6,8%, trước khi giảm xuống mức 6,3% năm 2019 và 6,2% năm 2020. Nhưng để thực hiện được mục tiêu tăng trưởng GDP đặt ra 6,7% năm 2016 thì vai trò của chính sách tiền tệ sẽ nặng hơn nhiều. Trong khi đó, Chính phủ mới lại muốn thận trọng trong năm đầu nhiệm kỳ, dư địa cho bất kỳ kích thích tài khóa nào đều sẽ rất hạn chế.
“Do đó, mục tiêu tăng trưởng 6,7% sẽ phụ thuộc phần lớn điều hành chính sách tiền tệ”, EIU cho biết. Theo đó trong ngắn hạn, lãi suất điều hành có thể sẽ được xem xét cắt giảm thêm trong bối cảnh lạm phát dù tăng cao hơn trong năm nay nhưng vẫn chưa ở mức đáng quan ngại. “Nhưng từ cuối năm 2017, khi lạm phát bắt đầu tăng rõ rệt hơn, chúng tôi kỳ vọng NHNN sẽ rút dần các nới lỏng chính sách đã thực hiện…”, cơ quan này tin tưởng.
EIU cũng tỏ ý hoan nghênh quyết định của NHNN trong việc áp dụng cơ chế điều hành tỷ giá trung tâm hàng ngày từ đầu năm nay. Đây là một bước hướng tới thị trường hơn và là một bước đi tích cực trong quản lý tỷ giá. Thật vậy, trong những năm trước đây, luôn có một số các áp lực dồn nén lên tỷ giá khiến NHNN phải điều chỉnh tỷ giá một cách bất thường và thường ở mức lớn.
Nhưng đồng thời EIU cũng cho rằng, tiền đồng sẽ tiếp tục xu hướng suy yếu so với đồng USD trong giai đoạn 2016-2020 do Chính phủ vẫn phải tìm cách duy trì khả năng cạnh tranh xuất khẩu trong bối cảnh các đồng tiền khác trong khu vực cũng suy yếu.
Cụ thể, EIU dự báo VND sẽ suy yếu dần. “Điều quan trọng là chúng tôi không thấy sẽ có sự lặp lại của những lần phá giá tiền tệ lớn như trước đây. Ngoài ra, NHNN sẽ quản lý kỳ vọng lạm phát bằng cách thắt chặt chính sách dần trong năm 2017-2018, song song với sự phục hồi của giá dầu”, báo cáo này nêu.
Về chính sách tài khóa, EIU dường như không mấy quan ngại với các tác động hoặc thay đổi chính sách gần đây đang tác động mạnh đến cân đối ngân sách. Bất chấp các kế hoạch phát triển cơ sở hạ tầng cần vốn rất lớn, sự tăng lên nhanh chóng các chi phí phúc lợi làm “nặng gánh” thêm chi ngân sách, đồng thời tỷ lệ thuế thu nhập DN giảm xuống có thể gây áp lực lên nguồn thu trong tương lai gần, nhưng EIU cho rằng, các thay đổi chính sách nêu trên cũng sẽ khuyến khích các hoạt động kinh tế mạnh mẽ hơn, từ đó giúp đẩy mạnh và củng cố tài khóa.
Nhìn chung, EIU dự báo, mức thâm hụt ngân sách trung bình hàng năm sẽ tương đương với 3,6% GDP trong giai đoạn 2016-2020. Và trong bối cảnh đó, việc tập trung tái cơ cấu kinh tế, đặc biệt là cải cách DNNN và hệ thống NH vẫn là những phần việc quan trọng cần tập trung giải quyết trong thời gian tới.
MỘT SỐ CHỈ SỐ KINH TẾ THEO DỰ BÁO CỦA EIU