Nhận diện bức tranh kinh tế 2016
HSBC: Áp lực lạm phát đang tăng dần |
Chỉ số Nhà Quản trị mua hàng ngành sản xuất PMI của Việt Nam trong tháng 2 đã rơi từ 51,5 điểm của tháng trước xuống còn 50,3 điểm, tuy nhiên số lượng đơn hàng xuất khẩu lại tăng lên và nhu cầu tuyển dụng vẫn không đổi. Tăng trưởng tốt hơn sẽ khiến áp lực lạm phát vẫn tăng đều đặn do lạm phát lương thực tăng mạnh hơn cho dù trong tháng 2 chỉ số giá tiêu dùng chỉ tăng 0,47% so tháng 1…
Đây là nhận định cơ bản trong báo cáo Triển vọng Kinh tế Việt Nam về tình hình kinh tế vĩ mô và triển vọng thị trường của Khối Nghiên cứu Kinh tế của Ngân hàng HSBC.
Báo cáo cho thấy, Chỉ số Nhà Quản trị mua hàng ngành sản xuất PMI giảm nhẹ nhưng vẫn duy trì ở ngưỡng phát triển mở rộng. Trong tháng 2, chỉ số PMI ngành sản xuất Việt Nam của Nikkei giảm từ 51,5 điểm của tháng trước xuống còn 50,3 điểm. “Mặc dù điều này thể hiện tốc độ tăng trưởng chậm hơn nhưng vẫn đáng được khích lệ do số lượng đơn hàng xuất khẩu mới của Việt Nam lại tăng nhanh, trong khi hoạt động thương mại của các nước trong khu vực đang rất ảm đạm”, báo cáo nhận định.
“Chỉ số PMI của HSBC là một chỉ số tổng hợp được xây dựng để đánh giá khái quát về hoạt động trong ngành sản xuất. Kết quả chỉ số PMI dưới 50 cho thấy nền kinh tế sản xuất giảm sút; trên 50 có nghĩa là phát triển; bằng 50 là không có sự thay đổi. Mức chênh lệch so với 50 càng lớn thì tốc độ thay đổi mà chỉ số báo hiệu sẽ càng lớn”, ông Đặng Ngọc Tú – Trưởng Ban Nghiên cứu và điều phối chính sách giám sát của Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia (UBGSTCQG) phân tích.
Kinh tế tiếp tục đà tăng trưởng nhưng tốc độ tăng có dấu hiệu chậm hơn 2015 |
Như phân tích này thì tình hình sản xuất và nền kinh tế vẫn tiếp tục được cải thiện – tuy rất chậm khi nhìn vào chỉ số, nhưng cũng một phần do tháng 2 có ngày nghỉ Tết dài.
Ông Tú dẫn ra, báo cáo tháng 2 của UBGSTCQG nhận định: tình hình sản xuất kinh doanh trong 2 tháng đầu năm 2016 tiếp tục được cải thiện. Điều kiện kinh doanh của doanh nghiệp được cải thiện tháng thứ 2 liên tiếp. Điều này cho thấy, môi trường sản xuất kinh doanh tiếp tục được cải thiện so với cuối năm 2015.
HSBC thì tin tưởng “Chúng tôi cho rằng trở thành trung tâm sản xuất của thế giới là một yếu tố khiến sự tăng trưởng của lĩnh vực sản xuất Việt Nam làm gia tăng sức hấp dẫn của đất nước. Chính điều này cùng nhu cầu trong nước mạnh mẽ đã giúp đầu tư trực tiếp nước ngoài FDI vào Việt Nam đạt mức kỷ lục năm 2015 và dòng vốn FDI tiếp tục đổ vào Việt Nam trong hai tháng đầu năm 2016, giúp thúc đẩy xuất khẩu trong năm 2016 mặc cho kinh tế toàn cầu vẫn còn suy yếu…
“Chúng tôi kỳ vọng nền kinh tế sẽ tiếp tục tăng trưởng ở mức 6,7 - 6,8% trong hai năm kế tiếp ”, bản báo cáo viết. Trong đó, nhu cầu trong nước có khả năng duy trì sự ổn định nhờ vào tiêu dùng cá nhân. Điều này có được là nhờ vào mức lãi suất vẫn còn thấp, và “chúng tôi kỳ vọng GDP sẽ vẫn duy trì tăng trưởng như năm ngoái, tức là đạt mức 6,7% trong năm 2016 và kỳ vọng tăng lên mức 6,8% trong năm 2017, theo HSBC.
“Chúng tôi kỳ vọng sản lượng sản xuất sẽ vẫn ổn định trong năm 2016 và dự đoán sẽ tăng 10,7%. Cả nhu cầu trong nước và nước ngoài đều tăng mạnh: sau khi đã chậm lại ở mức 7,9% trong năm 2015, kỳ vọng xuất khẩu sẽ quay lại mức tăng trưởng hai chữ số khi các dự án đầu tư mới bắt đầu đi vào hoạt động”, báo cáo viết.
Lạc quan với tăng trưởng khi nhìn ở năng lực sản xuất và tổng cầu tăng, ông Tú dẫn ra chỉ số niềm tin tiêu dùng – CCI tháng 12 do ANZ công bố cho thấy CCI tăng 9,2 điểm so với cùng kỳ năm 2014, đạt mức cao nhất trong 24 tháng qua. Tổng cầu 2016 có phần tăng khá hơn 2015.
Tuy nhiên, dù khẳng định kinh tế tiếp tục đà tăng trưởng nhưng theo ông Tú, tốc độ tăng có dấu hiệu chậm hơn 2015 và mức độ cải thiện tăng trưởng năm 2016 sẽ không cao như năm 2015 do bên cạnh một số thuận lợi (hội nhập, đầu tư khu vực tư nhân và FDI, cải thiện môi trường kinh doanh) thì nền kinh tế còn đối mặt với thách thức từ môi trường kinh tế thế giới và khó khăn của một số khu vực kinh tế trong nước.
HSBC cũng chỉ ra rủi ro tiềm ẩn, đó là “tăng trưởng mạnh hơn cũng tạo nên áp lực lạm phát đang tăng dần dẫn đến tình trạng lạm phát sẽ tăng dần”. Lạm phát cơ bản cũng đang tăng dần, trong tháng 2 tăng thêm 0,2 điểm phần trăm đạt mức 1,9% so với cùng kỳ năm ngoái. “Chúng tôi dự đoán lạm phát toàn phần sẽ tăng từ 0,6% trong quý IV/2015 để trở lại mức 3,3% so với cùng kỳ vào cuối quý II/2016 và tăng mạnh lên mức 5,2% vào cuối năm, đạt mức trần mục tiêu của Chính phủ đề ra, theo HSBC.
Cho dù khẳng định năm 2016 lạm phát “chưa ở mức lo ngại” nhưng ông Tú cho rằng chắc chắn lạm phát năm nay sẽ cao hơn 2015 vì đang tiềm ẩn nhiều yếu tố tác động. Chưa ở mức lo ngại bởi theo ông Tú, tăng trưởng đang có được nhờ tăng năng lực sản xuất nhiều hơn chứ không phải do tăng tổng cầu.
Bên cạnh đó, chỉ số giá sản xuất công nghiệp có xu hướng giảm trong những năm gần đây cũng tạo nên yếu tố góp phần kéo CPI xuống mức thấp dần trong những năm qua. Nguyên nhân khiến chỉ số giá xuất khẩu trong công nghiệp giảm là do giá hàng hóa thế giới giảm đã giúp giảm chi phí sản xuất trong nước.
Nhưng rất cẩn trọng khi nhận định và dự báo, ông Tú nhắc lại, tại Phiên họp thường kỳ vừa rồi, Chính phủ đã nhận định “tình hình kinh tế tuy có nhiều chuyển biến tích cực nhưng tình hình kinh tế trong nước sẽ chịu những tác động từ sự phục hồi chậm, tiềm ẩn nhiều rủi ro của kinh tế thế giới và khu vực”.
Đó là giá dầu ở mức thấp, chưa có hướng hồi phục; chính sách tài chính, tiền tệ diễn biến phức tạp của nhiều nước gây ảnh hưởng lớn đến nhiều mặt của nền kinh tế Việt Nam, nhất là xuất nhập khẩu, thương mại, tỷ giá, thu chi ngân sách nhà nước…