Bức tranh kinh tế dần sáng
CPI tháng 6 tiếp tục giảm 0,17% | |
Quý 2 khởi sắc kéo GDP 6 tháng tăng trưởng cao hơn cùng kỳ năm trước | |
ICEAW: GDP Việt Nam sẽ tăng trưởng 6,5% nhờ FDI và xuất khẩu |
Sau hàng loạt chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ, tăng trưởng GDP trong quý II đã có sự bứt phá mạnh mẽ, đạt 6,17%. Cùng với mức tăng trưởng trong quý I được điều chỉnh tăng nhẹ từ 5,1% lên 5,15%, tính chung trong 6 tháng đầu năm 2017, GDP ước tính tăng 5,73% so với cùng kỳ năm trước. Số liệu vừa được Tổng cục Thống kê công bố sáng 29/6 cho thấy nền kinh tế đang đứng trước nhiều dấu hiệu khởi sắc.
Tăng trưởng khó khăn nhưng vẫn còn nhiều dư địa để bứt phá |
Bức tranh đan xen
Ông Nguyễn Bích Lâm, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê phân tích, so sánh các mức tăng của GDP quý II so với quý I trong các năm từ 2014-2016 đạt khoảng 0,28-0,35 điểm %, thì mức tăng 1,02 điểm % của năm nay có thể nói là bứt phá.
Trong mức tăng 5,73% của toàn nền kinh tế, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 2,65%, đóng góp 0,43 điểm % vào mức tăng trưởng chung; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 5,81%, đóng góp 2 điểm %; khu vực dịch vụ tăng 6,85%, là mức tăng trưởng cao nhất so với cùng kỳ 5 năm gần đây, đóng góp 2,59%.
Xét trong bức tranh tổng thể, tăng trưởng các ngành cho thấy bức tranh đan xen cả thuận lợi và khó khăn. Cụ thể, mức tăng GDP của khu vực nông, lâm nghiệp và thuỷ sản trong 6 tháng năm nay chỉ thấp hơn mức tăng của 6 tháng năm 2012 là 3,13% và năm 2014 là 2,9%.
Trong khu vực công nghiệp và xây dựng, ngành công nghiệp tăng 5,33%, thấp hơn nhiều so với mức tăng 9,66% và 7,01% của cùng kỳ năm 2015 và năm 2016, chủ yếu do ngành khai khoáng giảm 8,2%, làm giảm 0,61 điểm % mức tăng trưởng chung. Đây là mức giảm sâu nhất so với cùng kỳ các năm từ 2011 trở về đây. Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo đạt mức tăng tương đương cùng kỳ năm trước. Ngành xây dựng 6 tháng đầu năm tăng trưởng khá.
Trong bối cảnh ngành nông nghiệp và công nghiệp, xây dựng có mức tăng giảm đan xen, dịch vụ là khu vực duy nhất tiếp tục duy trì mức tăng trưởng ấn tượng. Ở khu vực này hầu hết các ngành dịch vụ kinh doanh và các ngành hoạt động chủ yếu từ ngân sách nhà nước vẫn duy trì được mức tăng trưởng tốt và cao hơn so với 6 tháng đầu năm 2016, nhờ đó đóng góp của khu vực dịch vụ cao nhất trong các khu vực.
Nhiều dư địa cho 6 tháng cuối năm
Ông Hà Quang Tuyến, Vụ trưởng Vụ Hệ thống tài khoản quốc gia đánh giá, mức tăng 5,73% của 6 tháng đầu năm nay cao hơn 4 năm trong giai đoạn 2011-2016, chỉ thấp hơn năm 2011 và 2015. Ông cũng lưu ý thêm rằng, số liệu thống kê về độ doãng của GDP của các quý trong từng năm cho thấy phổ biến ở mức khoảng 0,3%, có năm cao nhất đạt khoảng 0,89%. Vì vậy, độ doãng 1,02% của năm nay cho thấy sự cố gắng vượt bậc của cả nền kinh tế.
Lý giải cho sự bứt phá mạnh mẽ này, ông Tuyến cho biết, có tới 17/20 ngành kinh tế cấp 1 có mức tăng trưởng cao hơn quý I, trong đó một số ngành và lĩnh vực tăng rất cao như công nghiệp chế biến chế tạo tăng 12,9% so với mức 8,6% trong quý I; xây dựng đạt trên 9% so với 7,6% trong quý I; lưu trú ăn uống đạt 11,37%...
Trong lúc các khu vực sản xuất bật tăng mạnh mẽ, một trợ lực khác cho toàn nền kinh tế là giá cả trong nước đang dần ổn dịnh. CPI bình quân 6 tháng tăng 4,15%, thấp hơn quý I là 4,96%, lạm phát đang có xu hướng giảm dần và tiến tới duy trì mức tăng hợp lý của năm 2017. Tổng cục Thống kê nhận định, chính sách tiền tệ cũng đã đóng góp tích cực vào mức tăng trưởng chung. Theo đó lãi suất và tỷ giá 6 tháng đầu năm tương đối ổn định, đã hỗ trợ tích cực đưa vốn vào sản xuất kinh doanh.
Điểm nổi bật khác là tăng trưởng trong 6 tháng đầu năm được hỗ trợ từ tổng cầu của nền kinh tế. “Một năm có tăng trưởng cả về mặt sản xuất và mặt cầu là hiếm có”, ông Hà Quang Tuyến nhấn mạnh. Ông phân tích, tăng trưởng tiêu dùng cuối cùng của 6 tháng đầu năm nay bao gồm cả hộ dân cư và khu vực nhà nước đạt 7,04% cao hơn so với 6 tháng năm trước; trong khi đó cầu đầu tư cũng tăng tới 10,5%, vì vậy tích luỹ tài sản vào nền kinh tế tăng 9,5%, xấp xỉ mức tăng của cùng kỳ năm ngoái là 9,6%.
Mặc dù nền kinh tế trong quý II đã có sự bứt phá mạnh mẽ, song để cả năm đạt mức 6,7%, Tổng cục Thống kê cho biết 6 tháng cuối năm GDP phải tăng 7,4%. Cơ quan này cho biết, lịch sử số liệu trong giai đoạn 2011-2016 chưa có 6 tháng cuối năm nào đạt được mức tăng cao như vậy. Tuy nhiên chúng ta cũng có rất nhiều nguồn lực để phát huy hết các dư địa tăng trưởng trong 6 tháng cuối năm.
Trước hết phải kể đến thành lập DN. Ông Tuyến kỳ vọng các DN thành lập năm 2016 sang tới năm 2017 phần lớn đã qua giai đoạn đầu tư và bắt đầu phát huy hiệu quả sản xuất, cùng với 15,4 nghìn DN quay trở lại hoạt động của 6 tháng đầu năm 2017, sẽ đóng góp tích cực vào tăng trưởng thời gian tới. “Năm 2016 chúng ta có 110.000 DN thành lập mới, tuy rằng quy mô chủ yếu là nhỏ và vừa, nhưng nhiều giọt nước vẫn có thể làm đầy cái ly”, ông Tuyến lạc quan.
Về đầu tư, dư địa đầu tư toàn xã hội của 6 tháng còn lại rất lớn, nếu so với kế hoạch đề ra còn trên 60% vốn chưa được thực hiện và trong 6 tháng cuối năm sẽ tiếp tục đưa vào nền kinh tế. Tăng trưởng tín dụng 6 tháng đầu năm đạt 7,54% trong khi kế hoạch là 18%, như vậy còn lại gần 2/3 mức tăng trưởng này sẽ được thực hiện trong 6 tháng cuối năm.
Về phát triển ngành lĩnh vực, công nghiệp chế biến chế tạo cuối năm có nhiều cơ hội. Theo đó, một số dự án thép sẽ đi vào hoạt động trong 6 tháng cuối năm, ngành điện tử điện lạnh đã có sự tăng trưởng từ quý II và sang quý II và IV sẽ còn tăng mạnh. Một số ngành như thuốc lá, dược phẩm, sản xuất động cơ, ngành cao su… đã rục rịch tăng từ 6 tháng đầu năm và 6 tháng cuối năm dự kiến duy trì mức tăng trưởng cao.
Ngoài ra, ngành du lịch đang phát triển mạnh, 6 tháng đầu năm khách quốc tế đến Việt Nam tăng 30,2%. Với những chính sách nới lỏng về visa và cấp visa điện tử thời gian, sắp tới khách đến Việt Nam sẽ thuận lợi hơn, du lịch tăng trưởng sé đóng góp vào thương mại bán lẻ, hoạt động lưu trú ăn uống, NH, vận tải…