ICEAW: GDP Việt Nam sẽ tăng trưởng 6,5% nhờ FDI và xuất khẩu
HSBC: Xuất khẩu và cầu nội địa hỗ trợ cho tăng trưởng | |
VEPR: “Để tự nhiên” thì năm nay tăng trưởng khoảng 6,37%, lạm phát 2,35% | |
Phấn đấu tăng trưởng tín dụng cả năm 2017 vượt mức kế hoạch 18% |
Đây là dự báo vừa được công bố tại báo cáo triển vọng kinh tế Đông Nam Á quý II của Viện kế toán Công chứng Anh và xứ Wales (ICAEW). Theo đó, tăng trưởng FDI tích cực là yếu tố cơ bản tạo nên tăng trưởng của kinh tế Việt Nam.
Năm 2016, tổng vốn đầu tư FDI đăng ký cấp mới, tăng thêm và góp vốn, mua cổ phần đạt 24,4 tỷ USD, khẳng định sự tăng trưởng của thị trường Việt Nam về lâu dài và vị thế của thị trường này với tư cách một nguồn cung chi phí thấp cho hàng dệt may và các sản phẩm công nghiệp khác trong khu vực. Báo cáo cũng nhận định, tăng trưởng trung hạn của Việt Nam có thể đạt trên 6,7% trong năm 2017-2018.
Theo ông Mark Billington, Giám đốc Khu vực Đông Nam Á của ICAEW cho rằng: “Vai trò ngày càng tăng của Việt Nam như là một nhà cung cấp thực phẩm và hàng công nghiệp giá thành thấp sẽ tiếp tục thúc đẩy tăng trưởng xuất khẩu mạnh mẽ. Chúng tôi kỳ vọng nhu cầu trong nước sẽ vẫn là động lực chính cho tăng trưởng, do sự phục hồi nhanh chóng nhưng không ổn định trong thương mại toàn cầu bên ngoài”.
Tuy nhiên, báo cáo cũng nhấn mạnh tới những rủi ro có thể ảnh hưởng tới dự báo tốc độ tăng trưởng trên. Đơn cử, thâm hụt tài khóa vẫn ở mức cao, tỷ lệ nợ công và nợ nước ngoài trên GDP đã là 64,7% và 53,6% vào cuối năm 2016. Các biện pháp được đưa ra để điều chỉnh mức thâm hụt hiện tại, như việc cắt giảm ngân sách và tăng thuế có nguy cơ làm cho tăng trưởng GDP bị chậm lại. Hay rủi ro các ngân hàng dễ bị tổn thương hơn nếu nợ xấu tăng lên…
Về triển vọng kinh tế khu vực Đông Nam Á, trên cơ sở kết quả hoạt động kinh tế khả quan trong quý I, báo cáo nhận định nền kinh tế ASEAN vẫn lạc quan nhưng thận trọng. Tăng trưởng của khu vực chủ yếu là do Malaysia và Thái Lan, trong khi đà tăng trưởng tại Singapore, Philippines, Indonesia… có chiều hướng giảm.
Priyanka Kishore, Cố vấn Kinh tế của ICAEW và Trưởng nhóm nghiên cứu kinh tế của Oxford Economics, cho biết: “Sau những kết quả tích cực trong quý I, chúng tôi đã tăng triển vọng tăng trưởng đối với một số nền kinh tế châu Á, bao gồm Malaysia và Thái Lan. Tuy nhiên, chúng tôi kỳ vọng một cách thận trọng. Dự đoán tăng trưởng của Đông Nam Á sẽ giảm xuống 4,5% vào quý IV/2017, qua đó mức tăng trưởng GDP cả năm sẽ chỉ cao hơn một chút so với năm 2016”.
Báo cáo cho rằng, các quốc gia ASEAN sẽ cần phải tập trung vào việc tạo ra môi trường đầu tư hấp dẫn hơn cho doanh nghiệp. Nhiều biện pháp kích thích tài chính để hỗ trợ nhu cầu trong nước là một cách có thể giúp đạt được mục tiêu này.