Hướng tới đích trên 30 tỷ USD
Ngành dệt may Việt Nam: Nỗ lực vượt khó | |
Ưu thế nhân công rẻ đã lỗi thời | |
Nâng tầm thương hiệu Việt |
Ông Lê Tiến Trường, Tổng giám đốc Vinatex cho biết, năm 2016, sản xuất và xuất khẩu dệt may vẫn tiếp tục tăng, tuy nhiên ở mức thấp hơn so với năm 2015. Sản xuất vải dệt từ sợi bông, sợi tổng hợp hoặc sợi nhân tạo ước đạt 1.027 triệu m2, tăng 4% và bằng 96% kế hoạch năm; sản xuất quần áo mặc thường ước đạt 3.435 triệu cái, tăng 6,2% so với năm 2015 và bằng 97,3% kế hoạch năm.
Kim ngạch xuất khẩu toàn ngành dệt may ước đạt 28,5 tỷ USD, tăng 5,6% so với năm 2015, tuy nhiên vẫn thấp hơn 1,5 tỷ USD so với dự kiến, hoàn thành 92% kế hoạch xuất khẩu. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu hàng dệt và may mặc đạt 23,6 tỷ USD, tăng 3,3%; xuất khẩu xơ sợi ước đạt 2,9 tỷ USD, tăng 14,1%...
“Tình hình thị trường năm 2017 cũng giống như năm 2016, hoặc có thể sáng hơn một chút khi kinh tế Mỹ có chiều hướng tăng trưởng tốt hơn. Chính vì vậy, ngành dệt may đặt kế hoạch tăng trưởng năm 2017 là 6,5-7%, đạt trên 30 tỷ USD”, ông Lê Tiến Trường cho biết.
Lý giải về nguyên nhân tăng trưởng thấp, ông Trần Tuấn Anh, Bộ trưởng Bộ Công Thương cho biết, là do sự sụt giảm của cầu thế giới từ các thị trường xuất khẩu chính của Việt Nam như Mỹ, EU, Nhật Bản và Việt Nam bị cạnh tranh từ các nền kinh tế mới nổi như Campuchia, Bangladesh, Pakistan... Tuy nhiên, Việt Nam có tốc độ tăng trưởng 5,2% trong năm 2016, là nước có mức tăng trưởng cao nhất trong 7 nước xuất khẩu dệt may hàng đầu thế giới.
Lý giải về kết quả này, ông Lê Tiến Trường cho biết, giải pháp mà cộng đồng DN áp dụng là tiếp tục tập trung nâng cao năng suất, rút ngắn thời gian giao hàng cũng như hoàn thiện chuỗi cung ứng trong nước để tiếp cận được các thị trường khó tính hơn, thực hiện các đơn hàng nhỏ lẻ hơn.
Cùng với đó, sự ổn định kinh tế vĩ mô và cải cách thủ tục hành chính của Chính phủ thực hiện trong năm 2016 cũng có tác động tích cực, đối với các nhà nhập khẩu.
Đặc biệt là các cải cách ở Bộ Tài chính, Công Thương, ngành Thuế, ngành Hải quan… đã giúp cho thời gian thực hiện dịch vụ công được rút ngắn. Với ngành thời trang, thời gian giao hàng là yếu tố cốt lõi, nên điều này sẽ là sự hỗ trợ lớn cho các DN trong những năm tới.
Năm 2017, các chuyên gia kinh tế dự báo Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) sẽ rất khó được Mỹ thông qua, bên cạnh đó sự kiện Brexit cũng tác động không nhỏ đến hoạt động xuất khẩu của ngành dệt may. Có thể ngành dệt may sẽ khó đạt mục tiêu trong năm 2017. Tuy nhiên, ngành này vẫn đặt kế hoạch tăng trưởng năm 2017 là 6,5-7%, với kim ngạch xuất khẩu đạt trên 30 tỷ USD.
Ông Lê Tiến Trường cho rằng, Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-EU và một số hiệp định khác được đánh giá sẽ mang lại thuận lợi cho ngành dệt may. Trong đó, quy mô thị trường EU lên tới 200 tỷ USD kim ngạch nhập khẩu hàng dệt may mỗi năm. Tuy nhiên, năm 2017, hiệp định với EU chưa có hiệu lực. Đây là khu vực ngành dệt may kỳ vọng có sự tăng trưởng từ năm 2018.
Đối với các hiệp định khác, do quy mô thị trường nhỏ hơn nên tác động chung lên ngành xuất khẩu dệt may trong thời gian tới là không nhiều. Tuy nhiên, đây cũng là cơ hội mới cho các DNNVV tìm kiếm cơ hội.