Cải thiện môi trường đầu tư: Nghẽn mạch từ tiểu tiết
Chính phủ đặc biệt quan tâm đến cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh | |
Việt Nam cam kết cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh | |
Hối thúc cải thiện môi trường đầu tư |
Trong góp ý mới đây liên quan tới thủ tục dán nhãn năng lượng, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, một DN ở phía Nam chỉ nhập một cái động cơ điện để phục vụ sản xuất nhưng phải mang ra tận Hà Nội để kiểm tra, thời gian kéo dài đến 3 tháng vẫn chưa xong.
Sai phạm giảm, quản lý lại chặt hơn
Theo phản ánh của DN, việc thử nghiệm hiệu suất năng lượng động cơ được Bộ Công Thương chỉ định duy nhất cho Trung tâm kỹ thuật tiêu chuẩn đo lường chất lượng 1 (Quatest 1). Thế nhưng có DN cho hay bản thân Quatest 1 cũng không làm được việc này, phải nhờ Nhà máy động cơ Việt - Hung (Đông Anh, Hà Nội) thực hiện. Thủ tục này gây rất nhiều khó khăn, tốn kém chi phí cho các DN nói chung, đặc biệt là các DN ở miền Trung, miền Nam vì phải vận chuyển đến nơi thử nghiệm.
Việc tháo gỡ thủ tục kiểm tra chuyên ngành chưa đáp ứng kỳ vọng của DN |
Đây chỉ là một trong số hàng trăm thủ tục kiểm tra chuyên ngành mà VCCI đã tổng hợp và kiến nghị tháo gỡ để tạo thuận lợi cho hoạt động của DN. Theo rà soát của cơ quan này, các quy định về kiểm tra chuyên ngành đang là thủ tục phiền hà, gây mất thời gian nhất đối với DN, làm giảm năng lực cạnh tranh của môi trường đầu tư Việt Nam.
Ông Ngô Minh Hải, Phó cục trưởng Cục Giám sát quản lý về hải quan, Tổng cục Hải quan thừa nhận, kết quả khảo sát 9 tháng năm 2016 tại Hải Phòng cho thấy, 29.000 lô hàng phải kiểm dịch thực vật thì chỉ có 10 lô không đạt. Tại cuộc khảo sát khác ở Lạng Sơn năm 2014, cơ quan này thống kê có 13.000 lô hàng bị kiểm dịch thực vật thì cả 13.000 lô đều đảm bảo chất lượng.
Mặc dù qua các năm, số lượng lô hàng không đạt tiêu chuẩn chất lượng chỉ chiếm rất ít và có xu hướng giảm xuống, song số lượng thủ tục kiểm tra lại không ngừng tăng lên. Bởi theo rà soát của Tổng cục Hải quan vào thời điểm tháng 8/2015, có 259 văn bản pháp luật quy định về quản lý chuyên ngành, kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất nhập khẩu do các cơ quan có thẩm quyền ban hành. Tuy nhiên chỉ chưa đầy 1 năm sau, tính đến hết tháng 6/2016, số lượng văn bản đã nâng lên 344, trong đó có tới 258 thông tư, quyết định của các bộ, ngành.
Bà Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc Trung tâm WTO và hội nhập, VCCI cũng đánh giá, trong số 7 lĩnh vực rà soát liên quan đến hệ thống pháp luật mà cơ quan này thực hiện, có thể nói đây là rà soát vất vả nhất. Bởi theo bà Trang, lĩnh vực này không chỉ đụng tới văn bản cấp luật, nghị định mà chủ yếu là ở cấp thông tư. “Nếu ví các lĩnh vực ở Việt Nam có một rừng luật đi theo quản lý thì riêng lĩnh vực này phải là rừng Amzon. Nhiều quy định nằm lặng lẽ đâu đó, nếu không rà soát đến thì chỉ khi DN vướng phải mới biết nó gây đau khổ như thế nào”, bà Trang bình luận.
Khó cải cách vì đụng chạm lợi ích
Chính vì các quy định liên quan tới kiểm tra chuyên ngành rất nhiều, phức tạp, rải rác, nên theo các chuyên gia, đây cũng là lĩnh vực khó cải cách nhất vì đụng chạm lợi ích nhiều bộ, ngành. Có rất nhiều câu chuyện được nhóm rà soát của VCCI dẫn ra để minh họa cho điều này, như một cái nồi cơm điện cần tới 3 bộ kiểm tra… Cơ quan này nhấn mạnh, các nội dung kiểm tra là rất nhiều và phức tạp như kiểm tra chất lượng sản phẩm hàng hóa; kiểm tra an toàn thực phẩm; kiểm dịch (động vật, thực vật, y tế); kiểm tra văn hóa; các quy định về cấp giấy phép xuất nhập khẩu…
Chưa kể, đây cũng là lĩnh vực mà các quy định của pháp luật “biến tướng” nhanh và đa dạng nhất. Bà Trang cho biết, “tưởng rằng các văn bản dưới luật đương nhiên phải tuân thủ luật, hoá ra không phải vậy, vì có những trường hợp luật không quy định nhưng đến Thông tư lại thành ra như vậy”. Đơn cử là quy định về thử nghiệm sản phẩm. Điều 27 của Luật Chất lượng sản phẩm hàng hoá quy định chỉ thử nghiệm “khi cần thiết”, song tại Thông tư 48/2011/TT-BCT lại bỏ cụm từ “khi cần thiết”, nghĩa là mọi trường hợp đều phải thử nghiệm.
Nghị quyết 19-2016/NQ-CP của Chính phủ đã xác định quản lý chuyên ngành với hàng hóa xuất nhập khẩu là một trong hai trọng tâm cải cách, trong đó yêu cầu giảm tỷ lệ các lô hàng nhập khẩu phải kiểm tra chuyên ngành từ 30-35% hiện nay xuống còn 15% đến hết năm 2016.
Vì vậy, nhiều ý kiến nhận định việc rút ngắn các thủ tục kiểm tra chuyên ngành phải trở thành tâm điểm của cải cách thời gian tới. Bởi đây mới là những quy định cấp bách liên quan trực tiếp tới hoạt động của DN, giúp giảm tối đa chi phí kinh doanh của DN, từ đó trực tiếp nâng cao năng lực môi trường đầu tư.
Tuy nhiên, khó khăn để cải cách lĩnh vực này chính là việc làm cách nào để mạnh tay giảm sự can thiệp của các bộ quản lý chuyên ngành. Một vị lãnh đạo của Uỷ ban Kinh tế Quốc hội cho hay, thời điểm soạn thảo Luật sửa đổi các luật về đầu tư, kinh doanh, đã có ý kiến cần gom các quy định gây khó cho DN trong lĩnh vực này vào luật để sửa đổi. Bởi để “quét” các quy định biến tướng ở thông tư, cần có văn bản ở cấp luật mới đủ mạnh. Song ý kiến này khi đó chưa được ghi nhận và cho tới nay các động thái nhằm cải thiện môi trường đầu tư dường như vẫn đang bỏ quên việc tháo gỡ các thủ tục kiểm tra chuyên ngành.