Cần có chiến lược tốt
“Thượng đế” cần cẩn trọng | |
Kỳ nghỉ trọn đời có thật hấp dẫn? | |
Đà Nẵng: Bất động sản nghỉ dưỡng đang chuyển động mạnh mẽ |
Kinh doanh khả quan
Hoạt động du lịch tại TP. Đà Nẵng đã và đang khởi sắc, khiến thị trường BĐS du lịch nghỉ dưỡng có những diễn biến kinh doanh khả quan. Theo thống kê của Sở Du lịch TP. Đà Nẵng, những năm gần đây lượng khách du lịch đến với địa phương không ngừng tăng, từ 3,8 triệu lượt năm 2014 lên 4,5 triệu lượt năm 2015. Trong quý II/2016 đã có hơn 790 nghìn lượt khách quốc tế đến Đà Nẵng, tăng 29,7% so cùng kỳ. Đặc biệt, trong bối cảnh những khó khăn sau sự cố về môi trường ở biển miền Trung, du lịch ở Đà Nẵng vẫn có những dấu hiệu tăng trưởng tốt…
Thị trường khách sạn vẫn tồn tại nhiều khó khăn |
Du lịch tăng tưởng tốt, kéo theo thị trường khách sạn cũng đang ăn nên làm ra. Theo báo cáo tổng quan về thị trường BĐS Đà Nẵng do Savills Việt Nam vừa công bố, khách sạn đang là phân khúc BĐS ở TP. Đà Nẵng có tình hình kinh doanh tốt nhất tại thời điểm này, khi nguồn cung tăng, công suất thuê trung bình tăng, giá thuê phòng cũng tăng…
Bên cạnh lượng khách quốc tế đến Đà Nẵng gia tăng, lượng khách trong nước tiếp tục ổn định đã mang lại kết quả kinh doanh đáng khích lệ cho thị trường BĐS nghỉ dưỡng ở Đà Nẵng. Cụ thể, trong quý II/2016, tổng số khách sạn hạng 3 - 5 sao tại TP. Đà Nẵng tăng 4% theo quý và 15% theo năm (do 1 khách sạn 4 sao và 1 khách sạn 3 sao mới được xếp hạng). Công suất thuê trung bình tăng 2% so với quý I/2016.
Giá thuê phòng trung bình tăng 6% so với cùng kỳ 2015. Nhận xét về thị trường khách sạn tại Đà Nẵng, ông Matthew Powell, Giám đốc Savills Hà Nội cho rằng, Đà Nẵng hiện có ưu thế là có nhiều chuyến bay trực tiếp tới các nước. Địa phương có sự tăng trưởng rất tốt cả về khách quốc tế và khách nội địa. Số ngày lưu trú của khách quốc tế và khách nội địa đều tăng lên trong những năm vừa qua. Từ đó, kéo theo phân khúc khách sạn 4 - 5 sao cũng hoạt động tốt.
Cũng theo Savills, những tháng cuối năm 2016, sẽ có thêm 3 dự án khách sạn mới gia nhập thị trường Đà Nẵng, cung cấp khoảng 1.320 phòng nghỉ. Tương lai xa hơn 2017 - 2018, sẽ có khoảng 35 dự án khách sạn dự kiến gia nhập thị trường tại địa phương. Hiện, vẫn có nhiều nhà đầu tư muốn sở hữu lô đất từ 300 - 1.000m2 để đầu tư khách sạn tại đây. Điều này, dự báo số lượng các khách sạn sẽ còn gia tăng mạnh ở TP. Đà Nẵng trong thời gian đến.
Như một hệ luỵ tất yếu, sau những thành công ở thị trường khách sạn thì ở phân khúc biệt thự tại TP. Đà Nẵng trong thời gian qua cũng có những dấu hiệu khả quan. Theo đó, trong quý II/2016, tổng nguồn cung biệt thự tại Đà Nẵng tăng 33% so với cùng kỳ 2016 với 17 dự án cung cấp 410 căn trên thị trường sơ cấp. Quận Ngũ Hành Sơn tiếp tục dẫn đầu số lượng biệt thự, căn hộ cung ra thị trường.
Giao dịch bán căn hộ ổn định giúp tỷ lệ hấp thụ sản phẩm này tăng từ 7% trong quý I lên mức 11% trong quý II/2016. Tỷ lệ hấp thụ sản phẩm biệt thự tăng từ mức 1% trong quý I lên mức 4% trong quý II/2016. Giá sơ cấp của biệt thự thấp nhất và cao nhất đều được ghi nhận tại quận Ngũ Hành Sơn ở mức lần lượt là 22 triệu đồng/m2 và 54 triệu đồng/m2… Có thể nói, thị trường khách sạn, biệt thự và căn hộ đang là kênh đầu tư hấp dẫn cho nhiều nhà đầu tư vào thị trường BĐS bên sông Hàn.
Tồn tại những “sóng ngầm”?
Tại TP. Đà Nẵng, trong những năm gần đây các khách sạn từ 4-5 sao có thể khai thác khách quanh năm. Bởi, vào mùa thấp điểm ít khách nội địa là thời điểm mùa khách quốc tế tăng cao và ngược lại, các thời điểm khác trong năm có thể khai thác khách hội nghị, hội thảo kết hợp tham quan, nghỉ dưỡng... Và nếu lượng khách tăng vọt trong một thời điểm ngắn như lễ hội trình diễn pháo hoa quốc tế tổ chức vào 30/4-1/5 hay kỳ nghỉ Tết Nguyên đán… thị trường khách sạn tại TP. Đà Nẵng có thể rơi vào cảnh “cháy phòng”.
Mặc dù hiện tại đang có nhiều khả quan về kinh doanh, song đối với những người am hiểu về thị trường khách sạn ở Đà Nẵng thì lại cho rằng, thị trường này vẫn đang tồn tại nhiều “sóng ngầm”. Nhà đầu tư không tỉnh táo có thể sẽ “sa lầy” tại đây. Bởi, trong thực tế các khách sạn từ 4 - 5 sao đang hoạt động kinh doanh tốt với công suất buồng phòng đạt khoảng 70 đến 80%. Nhưng, đối với số đông các khách sạn thấp sao hơn thì hoạt động kinh doanh vẫn đang gặp nhiều khó khăn, thách thức.
Trong khi nhiều nhà đầu tư đang chạy đua vào thị trường khách sạn tại TP. Đà Nẵng, thì vẫn có không ít người vẫn đang lặng lẽ tháo chạy khỏi thị trường. Bà Huỳnh Thị Thanh Thảo, đại diện sàn giao dịch BĐS Thiên Kim cho biết, có thời điểm nhu cầu bán lại hoặc cho thuê lâu dài các khách sạn ở TP. Đà Nẵng tăng cao. Trong đó, nguyên nhân chính hoạt động kinh doanh của nhiều chủ đầu tư gặp khó khăn, thua lỗ.
Không ít người cho rằng, việc đầu tư vào thị trường khách sạn ở TP. Đà Nẵng đang được đầu tư theo kiểu… phong trào. Nhiều người không chuyên, ít kinh nghiệm về kinh doanh BĐS khách sạn nghỉ dưỡng, song thấy tình hình kinh doanh đang hấp dẫn nên vẫn làm liều. Đương nhiên, việc chỉ trông chờ vào lượng khách du lịch tự nhiên đổ về địa phương, mà không có chiến lược kinh doanh hợp lý thì thất bại trong tương lai là khó trách khỏi.
Nguồn cung khách sạn tại TP. Đà Nẵng vẫn đang ngày càng gia tăng. Điều này, về lâu dài sẽ tạo áp lực lớn với các chủ đầu tư, khi thị trường đứng trước nguy cơ khủng hoảng thừa. Trước mắt, do nguồn cung tương đối dồi dào, nên nhiều khách sạn đã phải giảm giá, khuyến mãi mới mong có khách. Điều này, có thể dẫn đến một cuộc “chiến tranh về giá” giữa các khách sạn với nhau.
Lo lắng trước cuộc “chiến tranh về giá” giữa các khách sạn có thể xảy ra, ông Huỳnh Tấn Vinh, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch TP. Đà Nẵng từng phải đề nghị các khách sạn đừng… phá giá. Theo ông Vinh điều này, không chỉ ảnh hưởng đến khách sạn của mình, ảnh hưởng đến những khách sạn xung quanh, mà còn ảnh hưởng đến hình ảnh của du lịch ở TP. Đà Nẵng.