Không thể bàn lùi
Nếu “siêu bộ” ra đời | |
Siêu Ủy ban quản lý vốn Nhà nước: “Lo” nhiều hơn “được” | |
Mô hình nào cho “siêu uỷ ban” quản lý vốn? |
Dự thảo Nghị định về Ủy ban quản lý giám sát vốn và tài sản nhà nước tại DN đang được lấy ý kiến, đã có quá nhiều ý kiến lo ngại về khả năng sẽ có một siêu bộ ra đời, rồi mô hình nào cho ủy ban này, ai sẽ là người tham gia… Thời báo Ngân hàng giới thiệu cùng bạn đọc các ý kiến về đề án này.
Mục tiêu rất tham vọng nhưng làm được là tiến bộ lớn
ÔngWilliam P. Mako chuyên gia cố vấn của Ngân hàng Thế giới
Ông William P. Mako |
Tôi thấy có nhiều cơ chế đang kìm chân Việt Nam phát triển. DNNN đang trói chân nền kinh tế, làm chậm tốc độ tăng trưởng.
Dự thảo Nghị định về Ủy ban quản lý giám sát vốn và tài sản nhà nước tại DN là một bước cải cách quan trọng so với tình trạng phân tán các cấu thành của quản trị DNNN ở Việt Nam hiện nay.
Mục tiêu thành lập cơ quan chuyên trách là để tách bạch chức năng chủ sở hữu với các chức năng khác của Nhà nước trong quản lý kinh tế là mục tiêu rất tham vọng. Để làm được, cần quy định rõ các cơ quan quản lý nhà nước khác không có bất cứ can thiệp nào vào DNNN ngoài những vấn đề thuộc chức năng quản lý nhà nước chung đối với mọi DN (sức khỏe, môi trường, lao động, an ninh…).
Nhưng nếu đặt cho Ủy ban trách nhiệm tối đa hóa giá trị vốn và tài sản nhà nước tại DN thì nhiều khi khó thực hiện. Và chạy theo tối đa hóa giá trị tài sản có thể khuyến khích đầu tư ngoài ngành, khuyến khích đại diện chủ sở hữu nhà nước sa đà vào việc mua bán, sử dụng và định đoạt tài sản. Nhiệm vụ thích hợp hơn cho Ủy ban là tối đa hóa giá trị vốn nhà nước.
Người đứng đầu Ủy ban này nên ở vị trí cao, nên là một Phó Thủ tướng.
Ủy ban nên tổ chức thành các nhóm chuyên gia thay vì tổ chức thành các phòng, ban theo kiểu hành chính. Nên có các quy định: phải tuyển dụng được các chuyên gia quản trị công ty làm tại cơ quan; tự chủ tìm kiếm, tuyển dụng và đào tạo; có toàn quyền thuê tư vấn bên ngoài để thực hiện chức năng của mình.
Tổng tài sản DNNN Việt Nam gấp 1,2 lần GDP, nhưng hiệu suất đầu tư chỉ bằng 1/2 khu vực tư nhân |
Kinh nghiệm thực hiện quyền sở hữu của Bộ Công nghiệp Thụy Điển, là các nhóm nhỏ 3 người (1 người chính, 1 người dự bị và 1 trợ lý nghiên cứu). Nhóm 3 người này phụ trách 1-3 tập đoàn/tổng công ty và công ty cổ phần chia theo các nhóm ngành: thực phẩm, bia; giấy, lâm nghiệp; cà phê, cao su; dệt may; thép, máy nông nghiệp; đóng tàu; xây dựng; viễn thông; hàng không; ngành vận tải...
Các nhóm này sẽ là người đại diện theo ủy quyền của Ủy ban. Như vậy sẽ có 2 bên đối tác thực hiện quyền đại diện chủ sở hữu: 1) các nhóm của cơ quan chuyên trách; 2) các thành viên Hội đồng thành viên của tập đoàn, tổng công ty (được gọi là đại diện trực tiếp tại DN). Sự kết hợp của nhóm chuyên nghiệp, có trình độ với người đại diện tại DN là đủ để thực hiện quyền sở hữu Nhà nước đối với các tập đoàn, tổng công ty.
Cần có một quyết tâm chính trị là làm cho được
ÔngDag Detter Chuyên gia cố vấn của Ngân hàng thế giới
Ông Dag Detter |
Chính việc sử dụng không hiệu quả tài sản nhà nước tại Việt Nam đã dẫn đến những khoản nợ xấu và các khoản nợ này cũng không được công khai, minh bạch.
Tổng tài sản DNNN Việt Nam gấp 1,2 lần GDP, nhưng hiệu suất đầu tư chỉ bằng 1/2 khu vực tư nhân. Phần lớn BĐS nằm trong tay DNNN.
Cần phải khoanh định rõ những tài sản mang tính thương mại của nhà nước và khối tài sản thương mại của nhà nước cần được quản lý bằng chuyên môn, chuyên trách và chuyên nghiệp, tuân thủ các quy luật kinh tế thị trường đúng như khu vực tư nhân, tách khỏi những vấn đề mang tính chính trị, giống như một trọng tài phải hoạt động hoàn toàn độc lập và tuân thủ các tiêu chuẩn quốc tế, tách biệt khỏi người chơi bóng. Có như vậy mới làm người dân tin tưởng về sự khách quan trong quản lý tài sản công và có cơ sở để so sánh về tính hiệu quả.
Và để làm được điều này cần phải tách bạch được chức năng quản lý nhà nước và chức năng quản lý của DN. Nói thì dễ thực thi mới khó. Nó liên quan ý chí chính trị. Việt Nam cần có một quyết tâm chính trị làm cho được việc này. Người quản lý cơ quan quản lý vốn nhà nước này không nên là chính khách bởi sự tham gia của nhà chính trị khó đảm bảo mục tiêu thương mại. Song cần có ý chí chính trị để thực hiện điều đó.
Ủy ban quản lý vốn và tài sản nhà nước không phải là “siêu bộ”
Ông Đặng Huy Đông Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư
Ông Đặng Huy Đông |
Lúc này đã đến giai đoạn bàn xem làm thế nào chứ không bàn có tách ra hay không nữa. Nếu DNNN vẫn nằm trong các bộ thì không đảm bảo cạnh tranh bình đẳng. Việc các bộ vừa quản lý nhà nước vừa quản lý DNNN là một trong số các lý do khiến có nơi không công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường. Khi không được công nhận kinh tế thị trường chúng ta sẽ phải chịu nhiều thiệt thòi về chính sách và chỉ số tín nhiệm quốc gia bị đánh giá thấp.
Việc thành lập cơ quan quản lý vốn nhà nước có nhiều mô hình, nhiều nguyên lý khác nhau. Mỗi quốc gia lựa chọn cái gì tốt nhất phù hợp nhất cho đất nước. Nhưng nguyên lý lớn vẫn phải tôn trọng là công khai, minh bạch, không lấn át, tranh giành thị trường với tư nhân.
Quyết tâm chính trị tách chức năng chủ sở hữu tài sản, vốn của nhà nước và chức năng quản lý nhà nước đối với DNNN đã rất rõ ràng. Đây là tư tưởng lớn, không còn hoài nghi. Về mặt chính thống tất cả các nhà chính trị Việt Nam không ai nói ngược lại quan điểm này.
Nhiều ý kiến lo rằng, thành lập cơ quan chuyên trách là chuyển các DNNN từ nhiều bộ ngành về một ủy ban duy nhất, sẽ tạo nên siêu bộ. Nếu không hiểu căn nguyên thì sẽ cho là thế, nhưng câu trả lời là khác hẳn.
Cơ quan chuyên trách sẽ không trực tiếp điều hành hoạt động của từng DN, mà quản lý bằng cơ chế ràng buộc trách nhiệm thực hiện mục tiêu, kế hoạch. Nhân sự của cơ quan chuyên trách thực hiện theo quy chế thị trường về tiền lương, chế độ đãi ngộ và phải có trách nhiệm giải trình, đáp ứng yêu cầu công khai, minh bạch ở mức cao.
Cơ quan chuyên trách chỉ thực hiện đúng chức năng đặt ra ở trong nghị định. Sẽ không có chuyện uỷ ban này xuống điều hành từng DN, mà quản lý bằng việc đưa ra kế hoạch, chủ trương. Chúng ta đi sau không cần tự phát minh ra mô hình mới, nên áp dụng kinh nghiệm thế giới.
Thành lập cơ quan chuyên trách nhằm tạo môi trường kinh doanh bình đẳng, dù là DN tư nhân hay DNNN thì cũng xử lý cùng trên một nền pháp luật và bộ chuyên ngành chỉ quản lý nhà nước theo đúng chức năng, như Bộ Công Thương chỉ quản lý về định hướng phát triển công nghiệp…
Đâu đó sẽ có những cá nhân muốn can thiệp chính trị vào cơ quan chuyên trách này nhưng tôi khẳng định cơ hội cho người muốn can thiệp, trục lợi cá nhân rất ít vì mọi hoạt động phải chịu trách nhiệm giải trình rất lớn. Mọi hoạt động của cơ quan này đều có cơ quan kiểm toán độc lập đánh giá. Cơ quan chuyên trách sẽ quản lý, định hướng DNNN tham gia lĩnh vực khó, không thu hút được tư nhân như y tế, giáo dục ở vùng nông thôn, miền núi… Các lĩnh vực có thể xã hội hóa sẽ để tư nhân tham gia, nhà nước không cạnh tranh với tư nhân.
Hiện nay các DNNN phải báo cáo về nhân sự với Bộ Nội vụ, tiền lương với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, báo cáo về chuyên môn với bộ chủ quản, báo cáo về tài chính với Bộ Tài chính. Họ cũng phải báo cáo với Bộ Kế hoạch và Đầu tư về chiến lược hoạt động, về các dự án lớn... Như thế là “một cổ năm, sáu tròng”.
Chúng tôi đã khảo sát, hầu hết các DN được hỏi đều ủng hộ mô hình uỷ ban chuyên trách.
Các nhà chính trị có từ bỏ lợi ích hiện nay ở DNNN không?
TS. Nguyễn Đình Cung Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương
Ông Nguyễn Đình Cung |
Nếu được sử dụng tốt, khối tài sản công ở DNNN có thể mang lại thịnh vượng cho quốc gia. Việc sử dụng có hiệu quả lượng vốn và tài sản quan trọng này không chỉ tác động tích cực đến tăng trưởng, hiệu quả và sức cạnh tranh chung của nền kinh tế, mà còn là công cụ hữu hiệu để Nhà nước định hướng phát triển kinh tế - xã hội theo mục tiêu đề ra. Thời gian qua, chúng ta đã “lãng quên” việc này hiệu quả sử dụng vốn và tài sản nhà nước đầu tư vào sản xuất kinh doanh chưa đáp ứng yêu cầu.
Việc thực hiện quyền chủ sở hữu nhà nước một cách chia tách, phân tán làm cho Nhà nước, với tư cách là chủ sở hữu, chưa thực hiện đầy đủ, hiệu quả và hiệu lực tất cả các quyền chủ sở hữu của mình tại DN, đồng thời, không phải là người chịu trách nhiệm về kết quả và hiệu quả đầu tư, kinh doanh của DN. Vì vậy, tính minh bạch và trách nhiệm giải trình của chủ đầu tư nhà nước, của cơ quan và cá nhân được phân công thực hiện quyền chủ sở hữu tại DN rất thấp. Đây là một trong những nguyên nhân làm giảm hiệu quả, gây lãng phí, thất thoát vốn, tài sản nhà nước đầu tư tại DN trong thời gian qua.
Ủy ban ra đời sẽ thay đổi hoàn toàn cơ chế xin-cho, vừa đá bóng vừa thổi còi ở các bộ, ngành, đảm bảo môi trường kinh doanh bình đẳng - một yếu tố không thể thiếu của kinh tế thị trường đầy đủ, hiện đại và hội nhập. Ủy ban thành lập sẽ giải quyết vấn đề tránh xung đột lợi ích trong việc thực hiện các chức năng của nhà nước.
Ba chức năng thực hiện quyền chủ sở hữu với DNNN, chức năng làm chính sách và chức năng điều tiết thị trường tập trung vào một bộ như hiện nay vừa xung đột lợi ích, dẫn tới một môi trường kinh doanh không công bằng, không bình đẳng, thiếu cạnh tranh, tạo ra sự méo mó của thị trường.
Điều quan tâm nhất là liệu các nhà chính trị có từ bỏ lợi ích hiện nay khi đang nắm giữ hoặc có quyền chi phối và lãnh đạo các DNNN để trao quyền cho các chuyên gia, cho Ủy ban hay không. Dù còn nhiều vấn đề đang bàn, nhưng chỉ riêng việc bỏ chế độ bộ chủ quản cũng đã là bước tiến rất lớn, rất đáng mừng.