Đổi mới và đột phá chiến lược đến bao giờ?
Đồng hành để đổi mới | |
Đổi mới và sáng tạo: Không còn con đường nào khác | |
Văn hóa là động lực đổi mới |
Phát triển khởi nguồn từ thể chế tốt
Những tham vọng đặt ra trong quá trình hội nhập, những chiến lược hoạch định phát triển tầm nhìn nhiều năm, những kỳ vọng thay đổi nền tảng kinh tế để bước thẳng vào cuộc cạnh tranh mới của Việt Nam... Tất cả đang đặt ra những thách thức phải thay đổi trong nội bộ nền kinh tế.
Mà theo TS. Sandeep Mahajan, chuyên gia kinh tế trưởng NH Thế giới (WB), để đạt được khát vọng và mong muốn của lãnh đạo Việt Nam là đưa đất nước trở thành một quốc gia hiện đại, công nghiệp hóa vào năm 2035, thì Việt Nam cần một thể chế kinh tế thị trường đủ mạnh.
Một vấn đề có tính nguyên tắc đối với tất cả các nước trên thế giới trong quá trình vận động đi lên là, muốn phát triển nhanh và mạnh mẽ phải tăng cường năng lực Nhà nước, kỷ luật thị trường đối với cơ quan hành pháp, đồng thời vai trò Nhà nước và mối liên hệ với thị trường phải được làm rõ. Ở trường hợp của Việt Nam, đó thực sự là một thách thức, trong bối cảnh xếp hạng quản trị của Việt Nam hiện đang còn thấp.
Vài trò của Nhà nước là kiến tạo, tạo tiền đề cho thị trường hoạt động hiệu quả |
Hiện chúng ta đang ở top 10 nước thấp nhất về “tiếng nói và trách nhiệm giải trình”. Việt Nam cũng là quốc gia thực thi pháp luật yếu và không thống nhất. Nhà nước vẫn tham gia sâu vào hoạt động kinh tế, thông qua DNNN và một số phân khúc độc quyền của DN tư nhân. Việt Nam cũng chưa có hệ thống phân công, phân cấp rõ ràng về vai trò và trách nhiệm giải trình. Chất lượng quản lý nhà nước yếu kém. Chưa có sự kiểm tra, giám sát hiệu quả và chưa thực sự là một nền kinh tế hoạt động trên nguyên tắc thị trường.
GS-TS. Bùi Tất Thắng, Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) phát biểu: 30 năm trước, Việt Nam bắt đầu đổi mới, bắt đầu chuyển đổi sang nền kinh tế thị trường với những cải cách mạnh mẽ. Nhưng đến nay chúng ta vẫn đang “trên đường đổi mới”, vẫn đang tiếp tục chuyển đổi. “Không lẽ cứ chuyển đổi rồi lại chuyển đổi, cứ quá độ mãi...”, ông Thắng nói với phóng viên Thời báo NH.
“Những điều đang nói hôm nay, chúng ta đã nói từ 30 năm trước, nhưng đến nay vẫn đúng…”, PGS-TS. Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cảnh báo một thực trạng đang trở nên cấp thiết cần phải thay đổi.
Ví dụ như cải cách thể chế, việc thay đổi chính sách là một bất cập mà nhiều DN và nhà đầu tư rất quan ngại. Những ý tưởng kinh doanh và đầu tư thực tế đều được xây dựng trên các nền tảng về chính sách và môi trường kinh doanh ở thời hiện tại. Trong vòng 30 năm qua, nhà đầu tư đã “kiên nhẫn” chờ đợi những thành tựu đổi mới và cam kết mở cửa của Việt Nam. Tuy nhiên, nếu cứ đổi mới mãi và thay đổi liên tục, phải chăng chúng ta đang xây dựng một nền kinh tế bất ổn đối với người kinh doanh?
“Để kinh tế thay đổi thì không thể chỉ thay đổi lặt vặt mà phải thay đổi và cải cách một cách hệ thống”, ông Thiên khuyến cáo. Theo ông, nếu làm chậm trễ tiến trình và nếu chỉ là cải cách lặt vặt ở một số ngành, lĩnh vực thì chỉ “làm khổ đất nước”. Bởi lẽ, mọi cải cách lặt vặt chỉ làm lãng phí thời gian, tuy có làm dịu tình hình nhưng khiến chi phí cơ hội của nền kinh tế tăng lên, mất mát và lỡ cơ hội sẽ hiển hiện.
Nhà nước ở đâu, làm gì?
Nhìn lại 30 năm đổi mới vừa qua, có thể thấy ở thời điểm nào, lĩnh vực nào cải cách thể chế tốt thì ở đó, lúc đó kinh tế phát triển. Nhưng nếu nhìn tổng thể, vấn đề đổi mới thể chế kinh tế đặt ra từ nhiều năm và hiện nay vẫn được xem như “một đột phá chiến lược”. Trên thực tế, liên tục được coi là giải pháp đột phá nhưng hiện trạng nền kinh tế chưa thể nói là đã ghi dấu ấn những đột phá đó, xét trên góc độ hiệu quả mang lại.
Vấn đề được các chuyên gia khuyến nghị là, để thực sự tạo những bước tiến đột phá cho nền kinh tế, chúng ta phải xác định vai trò của Nhà nước. Đó là hoàn thiện cơ chế vận hành cho các loại thị trường, tạo tiền đề cho thị trường hoạt động, sử dụng có hiệu quả các công cụ của thị trường nhưng không làm thay thị trường…
Khi đó, Nhà nước sẽ phải lui dần vai trò can thiệp của mình vào thị trường để nhường không gian cho khu vực kinh tế tư nhân phát triển, trả lại chức năng điều tiết cho thị trường. Vốn đầu tư công cũng cần chuyển hướng sang phát triển các dịch vụ công cộng như đảm bảo sự phát triển của giáo dục, y tế, chi đầu tư phát triển và các dịch vụ an sinh xã hội khác chứ không phải tập trung đổ vào hạ tầng giao thông hay kinh doanh hàng tiêu dùng...
Nhưng đến nay, sự can thiệp của Nhà nước vào các hoạt động kinh tế vẫn ngày càng lớn. Quy mô đầu tư công có xu hướng thu hẹp lại nhưng vẫn chiếm tỷ trọng lớn trong tổng đầu tư xã hội, cho thấy nguy cơ “lấn át đầu tư” khu vực tư nhân. Nhà nước vẫn đầu tư vào nhiều ngành, lĩnh vực mà khu vực tư nhân có khả năng tham gia và ngân sách Nhà nước vẫn là nguồn tài trợ lớn nhất cho đầu tư công.
Hiện nay, Nhà nước vẫn cung cấp dịch vụ thông qua các công ty mà nhà nước nắm tỷ lệ đa số, can thiệp trực tiếp vào hoạt động của thị trường. Trong khi thực tế, các DNNN chưa đảm bảo đáp ứng được nhu cầu thị trường. Đơn cử như ngành nước vẫn sử dụng 80% ngân sách Nhà nước cho hoạt động đầu tư phát triển mặc dù chính sách thu hút vốn tư nhân đã được ban hành. Trong khi các DN này chưa đảm bảo mở rộng được quy mô cấp nước phục vụ nhu cầu người dân và sản xuất kinh doanh. Tỷ lệ bao phủ hiện nay mới ở mức 72% cho khu vực đô thị…
“Vấn đề ở chỗ chúng ta còn thiếu cách nhìn hệ thống, thiếu một triết lý phát triển rõ ràng để làm cơ sở cho việc định hình hệ thống thể chế phù hợp”, đại biểu Quốc hội, TS. Trần Du Lịch nói thêm về nguyên nhân gốc rễ của vấn đề. Khuyến nghị cách hành xử với vấn đề này, TS. Lưu Bích Hồ, nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển cho rằng, trước hết tư duy phải dứt khoát, phải “hết lấn cấn” và kiên quyết phát triển kinh tế thị trường.
Theo cam kết quốc tế, đến năm 2018 mọi DN thuộc các thành phần kinh tế đều phải hoạt động theo cơ chế thị trường, bình đẳng và cạnh tranh theo pháp luật để Việt Nam được công nhận là kinh tế thị trường đầy đủ, tham gia hội nhập và hưởng các ưu đãi quốc tế… “Nhưng với thể chế như hiện nay, còn lâu chúng ta mới được công nhận”, PGS-TS. Dương Đăng Huệ, nguyên Vụ trưởng Vụ Dân sự - Kinh tế (Bộ Tư pháp) nói.
“Phải thay đổi tư duy mới xử lý được. Đến bây giờ mọi thứ nở bung ra rồi vẫn còn bàn là quá chậm”, TS. Trần Tiến Cường, nguyên Trưởng ban Cải cách đổi mới DNNN (CIEM) chốt lại.