Còn nhiều thủ tục rườm rà
PAPI 2015: Tham nhũng thành bệnh kinh niên | |
Năm 2016, giảm tối thiểu thêm 10% thủ tục hành chính thuế | |
Ngành Ngân hàng: Lấy lợi ích, sự hài lòng cho người dân làm thước đo cải cách |
Giải quyết các vướng mắc trong thực hiện Luật DN và Luật Đầu tư là nội dung chính phiên họp đầu tiên của Thường trực Chính phủ hôm 25/4/2016. Nó cho thấy vấn đề có một tầm quan trọng đặc biệt.
Nguy cơ tạo ra “khoảng trống pháp lý”
Có hiệu lực thi hành từ 1/7/2015, Luật DN và đặc biệt là Luật Đầu tư đã cải cách mạnh mẽ, đầu mục hồ sơ cũng giảm thiểu đáng kể. Tuy nhiên, một số văn bản pháp luật được ban hành từ trước, lẽ ra cần được sửa đổi để thống nhất, đồng bộ nhưng chưa thực hiện được dẫn đến xung đột giữa các văn bản pháp luật, gây khó khăn cho DN lẫn cơ quan chức năng. Một số quy định của 2 luật chưa được thực hiện đầy đủ.
Cải cách, đổi mới, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho sản xuất kinh doanh |
Sau gần 1 năm triển khai, theo Tổ công tác Thi hành Luật DN và Luật Đầu tư, việc thực hiện gặp khó khăn vì còn thiếu nhiều văn bản hướng dẫn thi hành luật. Hướng dẫn chưa có khiến một số thủ tục hành chính chưa được giải quyết cho DN. Một số quy định tại văn bản hướng dẫn thi hành luật chưa rõ ràng, chưa tương thích đã khiến cho DN có vốn đầu tư nước ngoài và cả cơ quan đăng ký kinh doanh lúng túng.
Ông Nguyễn Chí Dũng, tân Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư thừa nhận, quá trình triển khai thực hiện 2 luật liên quan mật thiết tới DN cho thấy còn không ít vướng mắc, phát sinh. Ông chỉ ra hàng loạt chi tiết không tương thích, không phù hợp giữa quy định của Luật Đầu tư và một số văn bản pháp luật liên quan; thiếu các điều kiện đầu tư kinh doanh đối với 15/16 ngành nghề có điều kiện, do chưa được ban hành...
Nhưng dù vậy thì việc phối hợp để xử lý giữa các cơ quan Chính phủ là không dễ dàng. Chính Thứ trưởng Bộ này, ông Đặng Huy Đông giãi bày rằng, “để hẹn làm việc với các bộ khác cũng mất cả tháng”.
Giải thích nguyên nhân tạo nên các “rào cản” nói trên, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ (VPCP) Nguyễn Cao Lục cho rằng, lý do là một số cơ quan, tổ chức, cán bộ, công chức chưa dành sự quan tâm cần thiết cho việc tổ chức thi hành luật và hỗ trợ phát triển DN; việc rà soát các quy định về điều kiện đầu tư kinh doanh, xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật quy định về điều kiện đầu tư kinh doanh còn chậm, nguy cơ tạo ra “khoảng trống pháp lý”.
Đề cập thêm về “khoảng trống pháp lý”, ông Lục cho biết, các quy định tại Luật DN và Luật Đầu tư có quan hệ chặt chẽ với quy định của pháp luật về đất đai, xây dựng, quy hoạch, nhà ở, bất động sản, đấu thầu, môi trường, thương mại, các quy định về điều kiện áp dụng cho nhà đầu tư nước ngoài… Tuy nhiên, như Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Chu Phạm Ngọc Hiển cho biết, thực tế có độ vênh giữa Luật DN, Luật Đầu tư với Luật Đất đai.
“Tôi rất buồn. Đất đai thì phải lót tay, tiêu cực mới có sổ đỏ. Tạo điều kiện cho dân vẫn còn mờ nhạt lắm, quá nhiều thủ tục rườm rà…”, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nói thẳng thắn.
Không để có giấy phép con
Theo quy định của Nghị định 118/2015/NĐ-CP, Bộ Kế hoạch và Đầu tư có trách nhiệm chủ trì cập nhật điều kiện đầu tư kinh doanh nhưng chưa thực hiện được do các bộ, ngành chậm cung cấp thông tin. Kết quả đã gây nhiều rủi do cho DN, hạn chế đáng kể hiệu lực quy định của Luật. Trong khi, theo ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam thì có tới 7.000 điều kiện kinh doanh đang “hành” DN.
“Không để có giấy phép con”, Thủ tướng chỉ đạo và nhấn mạnh tinh thần cải cách, đổi mới, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho sản xuất kinh doanh; giải phóng sức sản xuất, ủng hộ và bảo vệ quyền kinh doanh. “Chúng ta có cải cách thủ tục hành chính tốt mà cán bộ thực hiện không tốt thì sẽ gây cản trở phát triển… Phải có quyết tâm chính trị cao thì 2 Luật này mới đi vào cuộc sống, không để có khoảng trống pháp lý”, Thủ tướng nhấn mạnh thêm.
Ông Lục báo cáo, trước thực tiễn vướng mắc, VPCP đã thống nhất với kiến nghị của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, đề nghị các cơ quan liên quan khẩn trương hoàn thành việc xây dựng văn bản quy phạm pháp luật về điều kiện đầu tư kinh doanh; tập hợp, công bố đầy đủ điều kiện kinh doanh…
Kiến nghị giao Bộ Tư pháp chủ trì, phối hợp với bộ liên quan nghiên cứu, xây dựng nghị định sửa đổi, bổ sung một số nghị định giải quyết các vướng mắc trong thực hiện Luật Đầu tư, tạo ra sự liên thông giữa thủ tục đầu tư với các thủ tục về đất đai, xây dựng, đấu thầu, môi trường; thống nhất cách hiểu về điều kiện đầu tư kinh doanh, đơn giản hóa và giảm tối đa thời gian thực hiện thủ tục đầu tư và trình Chính phủ ban hành trong tháng 7/2016.
Về vấn đề này, Thủ tướng đồng ý ban hành các văn bản quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành 2 Luật trên theo quy trình rút gọn, dùng “1 Nghị định sửa nhiều Nghị định”, giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với VPCP và các bộ, ngành liên quan khẩn trương triển khai xây dựng nghị định này và phải kiên quyết xong trước ngày 1/7/2016. “Chậm phát triển là do thể chế và thực thi công vụ nhận thức chưa đầy đủ”, Thủ tướng gút lại vấn đề.