Đẩy mạnh cải cách để củng cố niềm tin kinh doanh
Tạo môi trường kinh doanh bình đẳng | |
Hội nghị Thủ tướng với doanh nghiệp sẽ diễn ra vào ngày 29/4/2016 | |
Tạo môi trường đầu tư để kinh tế tư nhân phát triển |
Tăng trưởng chậm lại, DN thiếu sức sống
Việt Nam vẫn nhấn mạnh yêu cầu cải cách kinh tế vi mô và tạo điều kiện cho cộng đồng DN phát triển trong bối cảnh kinh tế vĩ mô được duy trì ổn định hơn. Dù vậy, động lực cho cải cách có phần chậm lại trong quý I. Đi kèm với suy giảm động lực cải cách là một khu vực tư nhân chưa thực sự giàu sức sống.
“Mấu chốt cần cải thiện có lẽ là niềm tin”, ông Nguyễn Anh Dương – Phó trưởng Ban Chính sách kinh tế vĩ mô (Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương – CIEM) nhấn mạnh khi trình bày Báo cáo Kinh tế Việt Nam quý I/2016. Báo cáo vừa được CIEM công bố với thông điệp “Củng cố niềm tin, vững bước cải cách”.
Ảnh minh họa |
Không khác với những báo cáo trước đó, CIEM chỉ ra tốc độ tăng GDP quý I/2016 không bằng quý I/2015, ngân sách khó khăn, nợ công căng thẳng, sản xuất nông nghiệp, dịch vụ và xuất khẩu suy giảm, DN giải thể, ngừng hoạt động tăng cao. Theo số liệu của Cục Đăng ký kinh doanh, trong Quý I, số DN gặp khó khăn buộc phải ngừng hoạt động là 20.044 DN, tăng 23,9% so với cùng kỳ năm 2015.
Số DN giải thể hoặc gặp khó khăn, ngừng hoạt động tăng, theo CIEM, có thể do: hệ quả của bất ổn kinh tế vĩ mô và suy giảm kinh tế trong giai đoạn trước; một số DN khó khăn về đầu ra; phần lớn DN gặp khó khăn về chi phí hoạt động. So với cùng kỳ 2015, giá dịch vụ hành chính và hỗ trợ tăng 1,12%, giá vận tải kho bãi tăng 0,52%... Chi phí liên quan đến lao động tăng như tăng lương tối thiểu, tăng chi phí đóng bảo hiểm xã hội…
Hai phát hiện đáng lưu ý được ông Dương đưa ra, đó là: Khi đầu tư công được cắt giảm, một nhóm DN phụ thuộc vào đầu tư công rơi vào khó khăn. Có lẽ vì vậy nên có sự phân hóa khá lớn giữa các nhóm DN khi đánh giá về xu hướng kinh doanh. Theo đó, có 53,3% số DN đánh giá xu hướng quý II sẽ tốt lên, 11,2% cho rằng khó khăn hơn và 35,5% dự báo ổn định.
Bà Chi Lan bổ sung thêm, tác động từ giá chi phí trên thế giới và giá xăng dầu giảm chưa tới với DN Việt Nam.
Tình hình hoạt động của DN từ tháng 1/2014 - tháng 3/2016 (Nguồn: Cục Đăng ký kinh doanh, Bộ Kế hoạch và Đầu tư) |
Chỉ có cải cách cơ cấu mới tạo điều kiện thuận lợi cho DN lớn mạnh
Diễn biến kinh tế của Việt Nam cho đến quý I/2016 cho thấy những giai đoạn kinh tế tăng trưởng cao và liên tục đều gắn với những cải cách sâu rộng theo hướng mở rộng quyền tự do kinh doanh, cắt giảm các chi phí không cần thiết liên quan đến quy định và thủ tục hành chính, bảo đảm và bảo vệ cạnh tranh trên thị trường. Trong chừng mực ấy, ổn định kinh tế vĩ mô chỉ duy trì môi trường lành mạnh cho hoạt động kinh tế, hội nhập kinh tế tạo ra thêm cơ hội kinh tế. Chỉ có cải cách cơ cấu mới tạo điều kiện thuận lợi cho DN lớn mạnh.
Mong muốn thúc đẩy tăng trưởng nhanh ngay trong quý II, thông qua các giải pháp kinh tế vĩ mô (tài khóa, tiền tệ) là hoàn toàn hợp lý và khả thi. Tuy nhiên, việc dựa đơn thuần vào các chính sách kinh tế vĩ mô mà thiếu các giải pháp căn cơ về nền tảng kinh tế vi mô có thể làm giảm hiệu quả chính sách trong khi dư địa của chính sách ngày càng hẹp. Đặc biệt, trong bối cánh thế giới còn nhiều bất định, đòi hỏi Việt Nam phải duy trì dư địa chính sách để bảo đảm khả năng ứng phó.
Các giải pháp cần làm để tăng sức sống cho DN, củng cố niềm tin, theo các chuyên gia, đó là tránh ban hành thêm các loại phí mà thiếu tính giải trình hợp lý; Kiên quyết cắt giảm chi thường xuyên để giữ an toàn cho ngân sách ngay từ quý III. Quá trình này cần song hành với việc cắt giảm biên chế trong khu vực hưởng lương ngân sách Nhà nước; đồng thời Xây dựng và công khai kế hoạch trả nợ công trong trung và dài hạn nhằm tạo niềm tin và củng cố tính bền vững của nợ công.
Theo TS.Lưu Bích Hồ cũng như các chuyên gia Võ Đại Lược, Lê Đăng Doanh và Phạm Chi Lan, cải cách bộ máy, sẽ cải cách được nhiều vấn đề, giảm được bộ máy mới giảm được chi thiếu xuyên để giảm bội chi, giảm nợ công. Có như thế mới củng cố được niềm tin.
Bà Phạm Chi Lan nói “rõ ràng tinh thần kinh doanh bị tổn thương nặng nề nên không kinh doanh nữa. Năm nay được coi là năm khởi nghiệp nhưng có hành động thực chất không hay chỉ mang tính phong trào”. Bà cũng xót xa “Quốc gia khởi nghiệp gì mà ông bán café 5 ngày chưa có giấy đăng ký kinh doanh mà bị khởi tố hình sự…”.
TS.Lưu Bích Hồ và TS.Lê Xuân Bá cùng nhấn mạnh vấn đề củng cố niềm tin. Ông Hồ bày tỏ sự kỳ vọng ở Chính phủ mới. Còn CIEM thì nhận xét rằng “Việt Nam đang bước vào một thời kỳ chuyển giao về bộ máy Chính phủ. Việc chuyển giao sớm hơn so với ở các thời kỳ trước, phần nào cho thấy sự quan tâm đối với yêu cầu khẩn trương xử lý các vấn đề trong cải cách và điều hành kinh tế - xã hội cũng như yêu cầu nhanh chóng chuẩn bị cho những vận hội, thách thức mới từ quá trình hội nhập quốc tế”.