Cần tạo thêm thuận lợi cho doanh nghiệp nông nghiệp
Từ mô hình liên kết chuỗi đến kỳ vọng chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp | |
Kết nối ngân hàng với nông nghiệp đô thị | |
Ngân hàng hướng mạnh về nông thôn |
Đầy rẫy những khó khăn
Tiền thân là cơ sở sản xuất rau Thanh Hà, sau 7 năm khởi nghiệp từ sản phẩm rau mầm với vốn đầu tư ban đầu 3 triệu đồng và diện tích 20m2; đến nay, HTX Thanh Hà đã có trên 11 nghìn m2 rau VietGAP với 3 dòng sản phẩm chính là: rau mầm, rau xà lách và rau baby. Đến hết năm 2018, DN đã lắp đặt trên 5.000 m2 nhà kính, xây dựng 2 kho lạnh, nhà kho bảo quản… với mức đầu tư trên 3 tỷ đồng. Sản phẩm rau an toàn Vinasafl của HTX đã bán ở hầu hết các siêu thị và cửa hàng rau an toàn trên địa bàn thành phố Hà Nội và đạt danh hiệu “Thương hiệu vàng nông nghiệp Việt Nam”.
Nhiều tập đoàn lớn đã nhìn thấy tiềm năng to lớn từ nông nghiệp |
Bà Bùi Thị Thanh Hà - Giám đốc HTX sản xuất và dịch vụ nông nghiệp Thanh Hà chia sẻ, đầu tư vào nông nghiệp HTX gặp rất nhiều khó khăn, nhất là thiếu vốn đầu tư, thiếu trang thiết bị, những khó khăn về chính sách xây dựng cơ bản… Bên cạnh đó, để tạo ra những sản phẩm nông nghiệp chất lượng cao, đủ sức cạnh tranh trong nền kinh tế nông nghiệp hội nhập, DN cần đầu tư đồng bộ. Tuy nhiên, chính sách về đất đai, về xây dựng trên đất nông nghiệp đang là rào cản lớn khiến cho HTX như Thanh Hà chỉ có thể xây dựng một cách chắp vá, tạm bợ, không đáp ứng được yêu cầu của nền nông nghiệp hàng hóa chất lượng cao. Do đó, cần có những chính sách về đất đai cởi mở hơn, tháo gỡ khó khăn, cho phép DN được xây dựng trên đất nông nghiệp những hạng mục cơ bản, thiết yếu, phù hợp với quy mô, lĩnh vực sản xuất kinh doanh.
Bà Trần Kim Liên - Tổng giám đốc Tập đoàn Giống cây trồng Việt Nam (Vinaseed) cho rằng, hiện tại có tới 92,5% DN đầu tư vào nông nghiệp là DN nhỏ và siêu nhỏ. Mặc dù đã có cơ chế, hành lang pháp lý nhưng thực tế việc tiếp cận vốn tín dụng ưu đãi của DN nông nghiệp vẫn đang gặp rất nhiều khó khăn. Đơn cử như dự án nông nghiệp công nghệ cao của Vinaseed ở Hà Nam, do đất đai đang phải thuê của nông dân, thiết bị, công nghệ lại không tính là tài sản thế chấp nên để tiếp cận được nguồn vốn tín dụng 100 nghìn tỷ đồng dành cho các DN đầu tư nông nghiệp công nghệ cao, công ty mẹ phải đứng ra bảo lãnh 100% mới được giải ngân vốn. Muốn DN đầu tư vào nông nghiệp một cách hiệu quả, nhất thiết phải khơi thông dòng vốn cho DN, bà Liên kiến nghị.
Tháo gỡ nút thắt
Nếu như trước đây, các DN đầu tư vào nông nghiệp còn hết sức “rón rén”, nghe ngóng thì hiện nay, tình hình đã thay đổi căn bản. Báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) cho thấy, số lượng DN nông nghiệp đã tăng mạnh trong vào năm trở lại đây. Từ con số 2.397 DN năm 2007 lên 7.033 DN năm 2017, tăng 2,93 lần. Năm 2018 được đánh giá là năm thu hút DN đầu tư vào nông nghiệp nhiều nhất với 2.200 DN đầu tư mới, nâng tổng số DN đầu tư vào lĩnh vực này lên con số 9.235 DN.
Điều đáng ghi nhận là, đã có nhiều tập đoàn lớn nhìn thấy tiềm năng to lớn từ nông nghiệp, mạnh dạn khai mở những hướng đi mới, nhất là trong lĩnh vực ứng dụng công nghệ cao như: CTCP Thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao (Doveco), CTCP Nafoods Group(Nafoods), Hòa Phát, Tập đoàn Việt Úc, Masan, Dabaco...
Trước những tín hiệu tích cực trong việc đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, Bộ NN&PTNT và Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH-ĐT) đang đặt ra mục tiêu thu hút từ 80 – 100 nghìn DN đầu tư vào nông nghiệp, cao gấp 10 lần số DN hiện đang đầu tư trong lĩnh vực này. Tuy nhiên, để đạt được con số trên, sẽ cần thêm nhiều lực đẩy.
Ông Hồ Xuân Hùng - Chủ tịch Tổng hội NN&PTNT Việt Nam nhận định, số DN đầu tư theo chuỗi mới đạt gần 5 nghìn, chiếm khoảng 8% tổng số DN trên cả nước. Đây là con số quá nhỏ bé. Thực tế cho thấy, DN, HTX vẫn gặp rất nhiều khó khăn trong tiếp cận các nguồn vốn vay. Những rào cản về đất đai, khả năng tiếp cận thị trường đã và đang đặt ra những thách thức không nhỏ đối với các DN.
Xác định DN đóng vai trò “bà đỡ” để đưa công nghệ, quản lý, vốn, thị trường vào sản xuất nông nghiệp, Chính phủ cần có chủ trương để xây dựng Luật Khuyến khích DN đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn. Ông Đinh Ngọc Minh -Phó Vụ trưởng Vụ Kinh tế Nông nghiệp (Bộ KH-ĐT) cho biết, hiện nay, đã có Nghị định 57/2018/NĐ-CP về cơ chế chính sách khuyến khích DN đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, tuy nhiên vướng các luật về thuế, đất đai không thể tháo gỡ nên việc thu hút đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn bị nhiều giới hạn.
Để môi trường kinh doanh nông nghiệp an toàn, hấp dẫn thì nhà nước cần xác định vai trò trung tâm của DN trong chuỗi giá trị để áp dụng phương thức cho vay và cung ứng sản phẩm dịch vụ tài chính phù hợp. Cạnh đó, cần xây dựng môi trường kinh doanh nông nghiệp an toàn, hấp dẫn, ông Phạm Việt Hùng - Giám đốc Công ty TNHH Thái Miền Trung Việt Nam ECV chia sẻ.
TS. Nguyễn Đình Cung - Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cho rằng, cần tiếp tục cắt giảm điều kiện kinh doanh, thủ tục hành chính để cải thiện điều kiện đầu tư. Tạo điều kiện để DN tiếp cận thuận lợi hơn đối với một số nguồn lực quan trọng là đất và vốn. Tăng cường sự vào cuộc của chính quyền trung ương và địa phương.
Trước kiến nghị của các DN, Chính phủ đã chỉ đạo tiếp tục hoàn thiện các chính sách, cơ chế để thu hút các DN đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, trong đó tăng cường các biện pháp hỗ trợ, khơi thông dòng vốn, hóa giải các vướng mắc về đất đai, tạo điều kiện cho DN tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại, ông Nguyễn Hoa Cương - Phó Cục trưởng Cục Phát triển DN (Bộ KH-ĐT) cho biết.