Cẩn trọng không thừa với lạm phát
Tháng 3/2016 có nhiều yếu tố giảm áp lực lên mặt bằng giá | |
Nhận diện bức tranh kinh tế 2016 | |
CSTT nhằm mục tiêu kiểm soát lạm phát, ổn định KTVM, hỗ trợ tăng trưởng |
Nếu diễn biến lạm phát tăng khá mạnh trở lại trong tháng 2/2016 được nhìn nhận chủ yếu vì các hoạt động ăn, chơi của tháng Tết nên không quá lo ngại, thì hiện đang xuất hiện thêm một số yếu tố có thể khiến lạm phát tiếp tục đi lên. Trong đó, tình hình ngoài nước là đáng chú ý.
Đáng kể nhất là giá dầu mỏ đang trên đà tăng mạnh trở lại, hiện quanh mức 40 USD/thùng. Thoạt nghe mức giá dầu thô 40 USD/thùng thì rất bình thường, thậm chí vẫn là rất thấp nếu so với mức đỉnh trên 140 USD/thùng của cách đây vài năm. Tuy nhiên, nếu nhìn vào tỷ lệ tăng thì sẽ thấy khá lớn.
Chỉ trong 2 tháng trở lại đây, giá dầu đã tăng trên 40% so với đáy xác lập cách đây 2 tháng. Và trong khi giá xăng dầu chính là một trong những yếu tố quan trọng khiến cho lạm phát năm 2015 thấp, với xu hướng tăng giá nói trên thì đây vẫn là một ẩn số, có thể tác động khó lường đến lạm phát năm nay.
Bên cạnh đó, việc nhiều NHTW các nước tiếp tục nới lỏng chính sách tiền tệ hơn nữa để kích thích tăng trưởng kinh tế, hay việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sau lần tăng lãi suất đầu tiên thì nay đã “ngập ngừng” và tỏ ra quan ngại về diễn biến toàn cầu (cũng có thể tạm hiểu là chính sách tiền tệ của Fed có khả năng sẽ không theo đúng được thông điệp đã đưa ra) cũng là yếu tố có thể khiến nhu cầu đối với hàng hóa cơ bản cao hơn, qua đó làm tăng giá hơn và tác động đến lạm phát.
Một yếu tố bên ngoài khác là năm 2016 này đang ghi nhận những biến động và rủi ro cực lớn về an ninh, chính trị (như tình hình trên bán đảo Triều Tiên hiện nay…) và theo các chuyên gia, đây cũng có thể là yếu tố tuy phi kinh tế nhưng sẽ có tác động rất lớn tới nền kinh tế toàn cầu, trong đó có vấn đề lạm phát.
Ở trong nước, theo TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia tài chính - ngân hàng, các áp lực đối với lạm phát đến từ một số yếu tố như: Giá các dịch vụ, hàng hóa đã và có thể sẽ tăng mạnh hơn; thiên tai, thời tiết mất mùa; tăng lương cơ bản; độ trễ của tăng cung tiền; áp lực tỷ giá…
“Đặc biệt là tín dụng năm ngoái tăng gần 18% mà độ trễ tác động của nó sẽ khoảng 3-6 tháng. Trong khi đó, tăng trưởng tín dụng năm nay dự kiến ở mức 18-20%, nên cũng sẽ tạo áp lực nhất định đến lạm phát, dù một phần tác động ngay trong năm nay, một phần sẽ tác động sang năm sau theo độ trễ”, chuyên gia này nhận định.
Còn theo ông Phạm Hồng Hải, Tổng giám đốc Ngân hàng HSBC Việt Nam, niềm tin người tiêu dùng cao giúp cầu nền kinh tế tăng lên. Thực tế, cầu của nền kinh tế đã có sự khởi sắc mạnh, đặc biệt khi nhìn vào lĩnh vực bất động sản (BĐS). “Trong bối cảnh đó, rất nhiều khả năng mục tiêu lạm phát không quá 5% của năm 2016 sẽ bị phá vỡ nếu không kiểm soát chặt lượng cung tiền ra nền kinh tế”, CEO HSBC Việt Nam cảnh báo.
Báo cáo triển vọng kinh tế Việt Nam của Khối nghiên cứu kinh tế, Ngân hàng HSBC trong vài tháng trở lại đây liên tục đưa ra nhận định, lạm phát sẽ tăng trở lại, đặc biệt vào quý III, quý IV năm nay (dự báo sẽ chạm mức 5,2% vào cuối năm). Do đó, họ tin rằng NHNN có thể sẽ phải chuyển sang thắt chặt chính sách tiền tệ hơn trong năm nay, với dự báo lãi suất OMO sẽ tăng 0,5% vào quý III tới. Đồng thời với đó, NHNN cũng có thể sẽ áp dụng những chính sách thắt chặt để làm dịu hoạt động cho vay, đặc biệt trong lĩnh vực BĐS.
Một số chuyên gia và tổ chức khác dự báo lạc quan hơn, lạm phát năm nay sẽ tăng khoảng 2,5-3% so với cuối năm ngoái, trước khi tăng mạnh hơn vào năm 2017. Với mức tăng đó, theo chuyên gia kinh tế, TS. Võ Trí Thành thì chưa có gì quá đáng lo ngại và một phần rất lớn trong dự báo lạm phát tăng lên này là do điều chỉnh giá dịch vụ.
Tuy nhiên, ông Thành cũng như các chuyên gia đều cho rằng, nhà điều hành không thể chủ quan và vẫn phải rất quan tâm đến lạm phát, đặc biệt là chính sách tiền tệ tiếp tục phải gắn với ổn định vĩ mô. Theo TS. Thành, đây cũng là một trong những lý do về ý tưởng phải chỉnh sửa một số điều trong Thông tư 36, tức là cần cẩn trọng với nguy cơ hứng khởi quá đà của thị trường BĐS, của thị trường tài chính và cẩn trọng với rủi ro có thể về thanh khoản.
Còn theo TS. Lực, điều này cũng hàm ý câu chuyện phối hợp chính sách phải cần tiếp tục được làm tốt, đặc biệt liên quan đến tiền tệ, tài khóa và kiểm soát giá cả, đặc biệt là những mặt hàng nhà nước quản lý. Riêng với chính sách tiền tệ cần đặc biệt tập trung vào điều hành lãi suất, tỷ giá, lượng cung tiền và tín dụng…